Tin địa phương

Đà Nẵng chi tiền để cán bộ nghỉ việc: Điểm khó là...

Chi tiền để cho cán bộ sắp đến tuổi nghỉ hưu nghỉ sớm là một phần, bên cạnh đó, cần tìm cán bộ mới phù hợp, đủ năng lực để thế chỗ.

Có thể loại bỏ được cán bộ kém năng lực

Sở Nội vụ Đà Nẵng đã có dự thảo nghị quyết về chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện nghỉ công tác để bố trí cán bộ trẻ.

Theo đó, đối tượng áp dụng là cán bộ chủ chốt (cấp trưởng, cấp phó) Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; cấp trưởng, cấp phó các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp thành phố thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.

Ngoài hưởng chế độ trợ cấp theo quy định hiện hành, khi cán bộ (tuổi đời trên 55 tuổi đối với nam hoặc trên 50 tuổi đối với nữ) tự nguyện nghỉ công tác sẽ được hỗ trợ thêm một khoản kinh phí khác.

Về thông tin trên, chia sẻ với Đất Việt, PGS.TS Võ Kim Sơn - nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, hiện nay, các cơ quan nhà nước không được tăng biên chế, nhưng lại muốn thu hút nhân tài vào.

Vừa qua việc thu hút nhân tài của TP Đà Nẵng không thực hiện được hiệu quả vì không có biên chế. Vì thế, việc đưa ai ra, cho ai vào cũng rất khó khăn, nên họ chọn cách chỉ hướng vào những người sắp nghỉ hưu.

Đà Nẵng chi tiền khuyến khích cán bộ về hưu sớm

Ở đây hướng đến đối tượng dễ nghỉ nhất, bản thân họ cũng biết họ chắc chắn phải nghỉ hưu, nên có thêm lợi ích thì tâm lý sẽ được khuyến khích, người còn 1-2 năm sắp nghỉ mà được hưởng khoản tiền lớn thì chắc chắn họ sẽ nghỉ.

Hơn nữa, biết đâu các đối tượng được chọn lọc để nghỉ lại là người không có năng lực, không có chuyên môn, nên việc nghỉ sớm lại là tốt cho đội ngũ cán bộ.

"Tôi chỉ quan tâm việc tuyển dụng người mới sau khi thanh lọc đội ngũ cán bộ cũ như thế nào. Nói là đội ngũ cán bộ trẻ, trẻ là bao nhiêu tuổi, tôi thấy chỉ cần dưới 50 tuổi là được, còn nếu quá trẻ thì lại là kẽ hở cho nhiều vấn đề khác.

Cụ thể, con ông cháu cha, tuổi chưa lớn đã làm lãnh đạo to, không có kinh nghiệm quản lý, khác nào đưa người có năng lực về nghỉ, đưa người thiếu kỹ năng lên, khi đó, mục đích việc chi tiền khuyến khích cán bộ về hưu lại không đạt được.

Điều kiện tuổi theo tôi không phải vấn đề tối ưu, vấn đề cần là chọn người đặt vào vị trí nào, công việc có phù hợp hay không.

Chúng ta còn nhớ, rất nhiều cán bộ của Đà Nẵng chấp nhận bị phạt tiền để được rời cơ quan nhà nước do cả yếu tố công việc không phù hợp, phát huy được năng lực.

Nên điểm mấu chốt là tuyển đúng người, đúng năng lực và bố trí công việc phát huy được tài năng của họ", ông Sơn nói rõ.

Cũng theo vị chuyên gia trên, việc đưa thêm người vào đội ngũ công chức, đừng theo kiểu phải có bằng cấp, tốt nghiệp trường này trường khác mà phải là đưa người phù hợp đảm nhận vị trí công việc.

"Tôi nói thẳng cán bộ dưới 35 tuổi hiếm có thể đủ năng lực làm lãnh đạo, nên đã làm quản lý thì tuổi tác không quan trọng, quan trọng là đúng năng lực, chuyên môn, tuyển đúng người.

Còn tất nhiên không ai đưa những người sắp đến tuổi nghỉ hưu làm lãnh đạo", ông Sơn nhấn mạnh.

Quan trọng là tuyển đúng người, có năng lực

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri - Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý thấy giải pháp của Đà Nẵng nếu làm đúng và có đề án cụ thể thì sẽ hiệu quả.

Ông Tri lưu ý: "Đây là giải pháp theo ý dung hòa trong bối cảnh ưu đãi cho những người đang giữ vị trí quản lý tuổi cao, sắp nghỉ hưu thì về sớm trước nhiệm kỳ, để nhường chỗ tuyển dụng thêm các công chức mới.

Chắc chắn khi đưa ra đề án thì Đà Nẵng đã tính toán cụ thể tỷ lệ % cán bộ có thể nghỉ ở mức tuổi đó, vị trí đó.

Nhưng ở đây có 2 trường hợp: Thứ nhất, những người có năng lực, có điều kiện họ chuẩn bị các bước tiếp theo rồi thì họ sẵn sàng nghỉ ngay. Thứ hai, là những người không có năng lực, không có điều kiện, chưa chuẩn bị thì họ không muốn nghỉ.

Đơn giản với người có năng lực họ nghỉ vẫn làm được việc khác, thậm chí có thu nhập tốt hơn. Còn với cán bộ không có năng lực nếu nghỉ thì không biết làm gì khác, không có thu nhập hoặc thấp hơn nên khó chấp nhận".

Cũng theo vị chuyên gia này, khi tuyển dụng vị trí cán bộ mới tất nhiên Đà Nẵng phải có định hướng, tiêu chuẩn, đánh giá qua quá trình làm việc, dùng đối tượng ra sao.

Ví dụ như ở vị trí Giám đốc Sở xác định tuổi chỉ 40-50 tuổi, từ tiêu chuẩn đó họ sẽ định hướng tuyển chọn, phải đủ năng lực, khả năng, tiêu chuẩn thì mới tuyển dụng thông qua Hội đồng bỏ phiếu công khai.

Các vị trí lãnh đạo phải xác định là không dễ dàng tìm được cán bộ trẻ, nên vấn đề tuổi tác chỉ là một trong các tiêu chí, tránh việc tuyển dụng con lãnh đạo.

Tác giả: Châu An

Nguồn tin: Báo Đất việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP