Tối 15/4, Giám đốc Sở Xây dựng và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp thi công các công trình dọc tuyến biển Mỹ Khê tự ý xả thải nước ngầm do thi công hố móng vào hệ thống thoát nước công cộng.
Công trình đang thi công bừa bộn. |
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn 1 thành viên Bình Giang Phát và Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Đạt đang thi công nhà hàng, khách sạn cao tầng gần biển Mỹ Khê, quận Sơn Trà đã bơm trực tiếp nước ngầm do thi công hố móng từ công trình vào hệ thống nước thải công cộng của thành phố Đà Nẵng.
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn 1 thành viên Bình Giang Phát xây dựng nhà hàng Brilliant Seafood quy mô 3.000 m2 sàn, cao 6 tầng, trên tổng diện tích đất sử dụng 600 m2. Doanh nghiệp này đang xây dựng tầng hầm 550m2.
Ông Huỳnh Ngọc Hậu, Chủ đầu tư Dự án xây dựng nhà hàng Brilliant Seafood cho biết, công trình này do quy mô nhỏ nên không làm báo cáo đánh giá tác động môi trường mà chỉ có giấy cam kết bảo vệ môi trường do Ủy ban nhân dân quận cấp: “Hôm nay chủ đầu tư cũng mới biết chứ không nghĩ nhà thầu xả thải ra như thế. Chúng tôi đang liên lạc với Ban chỉ huy và giám đốc nhà thầu tổng hợp thêm thông tin và sáng mai đơn vị họp với nhà thầu và báo cáo lại với các sở, ban, ngành”.
Lãnh đạo Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên Môi trường có mặt tại hiện trường. |
Việc giám sát doanh nghiệp, người dân thành phố Đà Nẵng xả thải ra môi trường, nhất là môi trường biển đang trở nên cấp bách đối với chính quyền và ngành chức năng của thành phố. Tại khu vực bãi tắm Mỹ Khê, những ngày qua, lượng lớn nước thải đen ngòm, chưa qua xử lý từ 9 cửa xả chảy tràn ra bãi biển khiến người dân và du khách cảm thấy khó chịu.
Ông Võ Tấn Hà, Trưởng phòng Hạ tầng Kỹ thuật, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết, các đơn vị thi công công trình đã trực tiếp xả nước ngầm do thi công hố móng ra hệ thống nước thải của thành phố; Cơ quan chức năng sẽ xử lý kiên quyết đối với những sai phạm này.
“Việc thi công các công trình ở địa bàn này đang diễn ra. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu nên các công trình này phải được quản lý chặt. Sở Xây dựng cấp phép từng trường hợpđể hạn chế tình trạng nước thải tràn ra ngoài. Những công trình nào có cấp phép mới được triển khai, và trước khi triển khai chủ đầu tư phải có trách nhiệm báo cho Công ty thoát nước và xử lý nước thải để kiểm soát lưu lượng. Lưu lượng được xả thải vào hệ thống là bao nhiêu, lưu lượng chở đi là bao nhiêu, chứ không được xả ồ ạt vào hệ thống thoát nước của thành phố” – ông Võ Tấn Hà nói.
Kiểm tra lập biên bản tại hiện trường. |
Trước đây gần như toàn bộ hệ thống thoát nước thải và xử lý nước thải của thành phố được Ngân hàng Thế giới WB hỗ trợ vốn đầu tư. Hiện nay, do tốc độ tăng dân số, lượng khách du lịch đến với thành phố đông nên lượng xả thải tăng nhanh. Trong khi đó, hệ thống thoát nước thải, nước mưa đều sử dụng chung 1 đường ống, rất khó xử lý. Thành phố đang triển khai xây dựng hệ thống thu gom nước thải.
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, đối với những khu vực quá tải thì Công ty đề nghị ngành chức năng không đồng ý cấp phép xả thải ra những khu vực này. Tuy nhiên, quá trình thi công công trình, nhiều doanh nghiệp vẫn lén lút xả thải: “Chỉ có 1 giải pháp là đối với những công trình quy mô nhỏ, lưu lượng xả thải dưới 200m3 ngày/ đêm thì có thể dùng biện pháp cừ vây sẽ hạn chế nước ngầm vào hố móng; quy mô ở giới hạn dưới 200m3 ngày/đêm thì cũng có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai thi công hố móng.
Còn đối với quy mô vượt quá giới hạn này thì đơn vị thi công phải chuyển nguồn nước thải về lưu vực khác. Công ty lâu nay cũng rất bức xúc về việc phối hợp của doanh nghiệp thực hiện thi công hố móng, họ không tuân thủ theo quy định của Sở Xây dựng ban hành trước khi cấp phép”./.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo VOV