Xã hội

Cứu sống cụ ông ở Quảng Bình bị 'ho ra máu sét đánh'

Người nhà tá hỏa khi phát hiện cụ ông nôn ra máu ồ ạt và đã nhanh chóng đưa đưa ông vào bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân 'ho ra máu sét đánh' do vỡ động mạch.

Các bác sĩ tiến hành can thiệp cho bệnh nhân. Ảnh: VNExpress

Chiều ngày 18/9, thông tin từ Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, các bác sĩ tại bệnh viện này vừa tiến hành can thiệp bằng phương pháp "nút (bít) tắc động mạch phế quản" và kịp thời cứu sống cho bệnh nhân bị chứng "ho ra máu sét đánh".

Theo đó, bệnh nhân là ông Cao Xuân K. (71 tuổi, ngụ xã Thuận Đức, TP Đồng Hới). Trước đó, người nhà tá hỏa khi phát hiện ông K. nôn ra máu với số lượng lớn và đã đưa ông vào bệnh viện cấp cứu.

Kết quả kiểm tra tại bệnh viện phát hiện bệnh nhân bị lao phổi tiến triển, giãn ngoằn nghèo nhánh động mạch phế quản thùy trên phổi phải. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân lại ho ra máu với số lượng khoảng một lít, mạch nhanh, huyết áp tụt, rất nguy kịch.

Sau hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị "ho ra máu sét đánh" do vỡ động mạch, quyết định can thiệp xử lý bằng kỹ thuật nút tắc động mạch phế quản cầm máu. Sau hơn 30 phút can thiệp, bệnh nhân không còn ho ra máu, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Hiện tại bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, ổn định và ăn được cháo.

Trao đổi với NLĐ, bác sĩ Nguyễn Đức Hùng - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới cho biết, ho ra máu sét đánh là tình trạng bệnh diễn biến đột ngột, nhanh như sét đánh, máu có thể ộc ra ồ ạt không cầm được.

Máu chảy đóng đông thành từng cục gây bít tắc đường thở, dẫn đến suy hô hấp cấp trong thời gian ngắn, trụy tuần hoàn, bệnh nhân có thể tử vong ngay sau đó khiến các bác sĩ không kịp trở tay.

Theo BS Hùng, có nhiều nguyên nhân ho ra máu, trong đó do lao phổi chiếm hơn 75% trường hợp. Ho ra máu có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Ở mức độ rất nặng gọi là ho ra máu sét đánh, trường hợp này nguy cơ tử vong ngay lập tức do hít phải máu vào bên phổi lành hoặc vì mất máu quá nhanh với số lượng lớn. Những ca này cần chẩn đoán nhanh, đúng bệnh và cấp cứu kịp thời thì mới còn cơ hội sống sót.

Tác giả: Nguyệt Hà (T/h)

Nguồn tin: doisongplus.vn

  Từ khóa: sét đánh , cứu sống

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP