“Trước đây em chỉ biết qua sách báo và lời kể của thầy cô giáo, nay em đã có thể nhìn và hình dung cột mốc Trường Sa ngay từ sân trường", em Cao Thị Phương Anh, lớp 6D chia sẻ.
Tranh thủ giờ ra chơi để giới thiệu với các trò về quần đảo Trường Sa cũng như mô hình cột mốc, cô giáo Nguyễn Thị Kim Thương cho biết việc có biểu tượng ở ngay sân trường đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho giáo viên và học sinh trong việc học tập, tìm hiểu về chủ quyền biển đảo tổ quốc.
Cô Nguyễn Thị Kim Thương giới thiệu với học trò mô hình cột mốc Trường Sa vừa được dựng. Ảnh: Hải Bình.
Thầy Nguyễn Vương Linh (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, ý tưởng dựng mô hình cột mốc ở sân trường nảy ra khi muốn giúp các em học sinh đam mê, hứng khởi hơn hơn với môn lịch Sử, địa Lý. Đầu năm học 2014-2015, thầy Linh nói lên ý tưởng của mình và được hầu hết các đồng nghiệp hưởng ứng, cùng nhau thực hiện.
“Việc giáo dục truyền thống đất nước, nhận thức về chủ quyền biển đảo cho học sinh rất quan trọng không chỉ hôm nay mà mãi về sau”, thầy Linh nói.
Mô hình cột mốc có chiều cao 4,8m. Ảnh: Hải Bình.
Ban giám hiệu nhà trường quyết định xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa bằng nguồn kinh phí đóng góp từ các thầy, cô giáo trong trường, hỗ trợ của một số doanh nghiệp trên địa bàn. Cột mốc có chiều cao 4,8m với tổng kinh phí hơn 40 triệu đồng.
Cùng với việc đầu tư xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền, trường THCS Kim Liên còn đặt tên các chi đội gắn với địa danh thuộc quần đảo Trường Sa như: Gạc Ma, Trường Sa Đông, Đá Lát...
Mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa tại trường THCS Kim Liên. Ảnh: Hải Bình.
Thầy hiệu trưởng Linh cho biết, trong thời gian tới, nếu có kinh phí thì nhà trường sẽ đầu tư xây dựng sa bàn quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngay trong khuôn viên trường.
Tác giả bài viết: Hải Bình
Nguồn tin: