Tin địa phương

Công trình hiện đại vây quanh khiến lòng hào Thành Điện Hải khô cạn!

Theo Sở VH – TT Đà Nẵng, chính các công trình hiện đại như Trung tâm Hành chính TP, bãi đỗ xe ngầm, Công viên phần mềm… bao chung quanh khiến nước trong lòng hào Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải thường khô cạn!

Ngày 14/4, Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng đã chính thức lên tiếng phản hồi, giải thích các vấn đề mà gần đây một số bài viết trên mạng xã hội đặt ra chung quanh việc việc thi công hạng mục công trình tu bổ, phục hồi, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải giai đoạn 1, phục hồi nguyên trạng hệ thống tường thành, kè hào, hạ tầng cấp thoát nước

Các công trình hiện đại bao chung quanh khiến lòng hào Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải thường xuyên khô cạn (Ảnh: HC)


Theo đó, quy mô dự án (giai đoạn 1) bao gồm giải phóng mặt bằng phía Tây, Tây Nam khu vực dân cư đang lấn chiếm. Phục hồi phần kè, hào phía Bắc, Tây, Nam như nguyên trạng. Và tu bổ phần kè, hào hiện trạng.

Cụ thể, sẽ xây dựng hệ thống kỹ thuật, cấp thoát và giữ nước cho hệ thống hào; xây dựng khuôn viên xung quanh, tạo lập không gian đệm cho khu vực di tích… (và nhiều yếu tố khác nữa như phục hồi các yếu tố kiến trúc gốc, phát huy giá trị di tích, tôn tạo tổng thể hạ tầng, cảnh quan sân vườn, xây dựng nhà văn hóa…).

“Như vậy trong quy mô dự án, chúng tôi đã tính đến phương án cấp và giữ nước cho lòng hào bởi trên thực tế lòng hào thường khô cạn. Một con hào đầy nước sẽ giúp cân bằng hệ sinh thái lòng hào và làm tôn vẻ đẹp của thành Điện Hải. Điều này là mong mỏi và yêu cầu cấp thiết đặt ra khi lập dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải”!” – Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng cho hay.

Đáng chú ý, thực tế khảo sát lòng hào của các đơn vị chuyên môn cho thấy, hiện nay cốt cao độ lòng hào cao hơn nhiều so với các tầng hầm của các tòa nhà xung quanh như Trung tâm Hành chính TP; bãi đỗ xe ngầm ở khu vực phía Nam; Công viên phần mềm.

Mặt khác khi tu bổ lòng hào ở các lần tu bổ trước chưa đặt ra mục tiêu và xử lý triệt để vấn đề giữ nước cho lòng hào vì Thành Điện Hải được xây dựng từ năm 1813, tức là có trước rất nhiều so với các công trình Trung tâm Hành chính TP; bãi đỗ xe ngầm ở khu vực phía Nam; Công viên phần mềm.

Ông Huỳnh Văn Hùng nhấn mạnh: “Chính những công trình hiện đại này cùng với các tầng hầm sâu nhiều cấp là nguyên nhân khiến nước trong lòng hào thường khô cạn (chỉ có một ít vào mùa mưa) bởi nguyên lý “nước chảy chỗ trũng” và bởi hai bên thành hào được xây bằng gạch vồ (một loại gạch cổ) và vữa vôi rất dễ thẩm thấu và mất nước.

Đơn vị thi công đang nạo vét, làm sạch lòng hào Di tích Thành Điện Hải (Ảnh: HC)

Mặt khác, đáy hào được đổ bê tông nhưng phần liên kết giữa đáy hào và tường thành không được xử lý chống thấm tốt (thực tế khảo sát cho thấy rõ điều này) nên đây cũng là nguyên nhân gây thẩm thấu và mất nước. Đó là chưa kể đến một góc tường hào phía ngoài (góc đông - nam) gần cửa tầng hầm bãi đỗ xe ngầm ở khu vực phía Nam và tòa nhà Công viên phần mềm bị sụt lún gây nứt vỡ tường hào và sụt lún phần bê tông đáy hào làm mất nước lòng hào”.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, để giải quyết triệt để vấn đề giữ nước cho lòng hào, Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng đã yêu cầu đơn vị thiết kế tìm giải pháp giữ nước cho hào và đảm bảo các yêu cầu trong công tác tu bổ bảo tồn công trình di tích.

Đơn vị tư vấn thiết kế đã đưa ra phương án đục tỉa lớp gạch phía dưới đáy hào sâu 28cm; đục phần bê tông đáy hào (tiếp giáp với tường thành 30cm) để đổ bê tông đáy, tường bê tông, trát vữa xi măng mác 100#, dày 20mm chống thấm cho tường thành.

Sau đó trát tiếp lớp vữa xi măng chống thấm mác 100# và phụ gia chống thấm dày 20 cho tường bê tông (có bản vẽ minh họa kèm theo) trước khi xây bù gạch vồ vào phần tường đã đục nhằm đảm bảo mỹ quan (phía ngoài vẫn là tường gạch liền khối từ trên xuống).

"Biện pháp thi công này đảm bảo các nguyên tắc trong tu bổ di tích mà quốc tế đã thừa nhận trong đó Việt Nam chúng ta là thành viên (Hiến Chương Athens về trùng tu di tích lịch sử cho phép điều này)!" - Ông Huỳnh Văn Hùng khẳng định.

Cũng theo ông Huỳnh Văn Hùng, chất liệu và kích cỡ gạch xây thành đảm bảo đúng quy chuẩn theo tỉ lệ 1/1 của gạch cũ xây Thành Điện Hải và gạch được đặt làm thủ công tại Bình Định. Sau khi hoàn thành công trình, toàn bộ lòng hào sẽ luôn giữ được mực nước 60cm và thả hoa súng tạo mỹ quan. Tường thành sau khi phục dựng sẽ không phân biệt giữa tường thành cũ với phần trùng tu.

Tác giả: HẢI CHÂU

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP