Giáo dục

Có nên duy trì một kỳ thi, hai mục đích?

Sau 3 ngày thi THPT quốc gia gây áp lực cho 925.000 thí sinh, nhiều ý kiến cho rằng các trường ĐH cần thoát dần kỳ thi THPT quốc gia

Khi đề cập vấn đề có nên duy trì kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay, nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên cho biết nếu không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cho 2 mục đích thì chỉ có thể quay về 2 kỳ thi như trước đây, chứ không thể xét tốt nghiệp THPT như xét tốt nghiệp THCS.

Đề thi khó phù hợp cho hai mục đích

Một giáo viên Trường THPT Trưng Vương - TP HCM cho rằng có một bộ phận học sinh không xác định được động cơ của việc học là gì. Khác với trước kia, khi trúng tuyển vào ĐH là việc rất khó khăn thì nay vào ĐH rất dễ dàng và chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện vào ĐH. Do đó, học sinh không phấn đấu nhiều trong học tập. Giáo viên này cho rằng dù đã nhập hai kỳ thi vào một nhưng vẫn còn nhiều áp lực và việc đổi mới phải tiến hành đồng bộ từ trên xuống.

Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia ngày 27-6 vừa qua tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, nhận xét một kỳ thi sử dụng cho hai mục đích sẽ là quá khó cho những người ra đề để đánh giá. Điều kiện kinh tế - xã hội ở những khu vực khác nhau cũng ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, trong khi đó đề thi phải được phù hợp cho tất cả khu vực cũng là vấn đề khó khăn tiếp theo.

Vấn đề có nên duy trì một kỳ thi để đánh giá hay không, theo quan điểm của ThS Phạm Thái Sơn thì vẫn phải duy trì vì nếu không có khâu kiểm tra đánh giá, sẽ khó có động lực học tập từ học sinh cũng như không đánh giá được hiệu quả của quá trình dạy học. Theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về việc tự chủ trong tuyển sinh của các trường ĐH thì vấn đề tuyển sinh là của các trường chứ không phải của bộ và vấn đề này đã được nói đến rất nhiều lần, tuy nhiên trong điều kiện thực tế thì không phải trường ĐH nào cũng có thể tổ chức tuyển sinh riêng.

Không nên phụ thuộc vào một kỳ thi

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, đề xuất không nên duy trì kỳ thi THPT quốc gia như mấy năm nay mà vấn đề thi tốt nghiệp THPT do sở GD-ĐT tổ chức với bộ đề thi chuẩn của một tổ chức chuyên về dịch vụ khảo thí, các sở GD-ĐT có thể giám sát chéo. Các trường ĐH có thể tự chủ theo cách tuyển sinh của mình, có thể sử dụng đề thi từ đơn vị dịch vụ cung cấp, trường ĐH cũng có thể sử dụng kết quả từ kỳ thi THPT của các địa phương…

PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP HCM, đánh giá kỳ thi THPT quốc gia phù hợp trong thời điểm hiện nay sau khi thay thế kỳ thi ba chung vì nó giảm áp lực cho thí sinh, từ hai kỳ thi xuống còn một kỳ thi. Tuy nhiên, xét ở góc độ tuyển sinh của các trường ĐH thì có sự khác nhau. Như tại Trường ĐH Luật TP HCM, kỳ thi THPT chỉ là một trong ba thành phần để xét tuyển và kỳ kiểm tra năng lực do trường tổ chức mới là thành phần trọng yếu để đánh giá năng lực thí sinh vào học ĐH và phù hợp với ngành nghề. TS Hải cho rằng nếu chỉ căn cứ vào 1 kỳ thi THPT quốc gia thì mang nhiều tính may rủi làm cho thí sinh bị thiệt thòi. Trong 1 kỳ thi, vấn đề quan trọng là chính xác, an toàn và khách quan. Do vậy, tùy từng kỳ thi, nếu vấn đề khách quan được bảo đảm thì kết quả kỳ thi vẫn được dùng để xét tuyển.

Theo PGS-TS Hồ Thanh Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP HCM, trong 2 năm qua, trường tổ chức kỳ thi kiểm tra năng lực và trong năm 2018, trường dành tới 65% chỉ tiêu cho kỳ đánh giá năng lực. PGS Hồ Thanh Phong cho rằng so với kỳ thi THPT quốc gia, việc sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực có nhiều ưu điểm, trường lựa chọn được sinh viên phù hợp hơn so với sinh viên được tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Sự nhầm lẫn đáng tiếc

Trước việc Bộ GD-ĐT cho rằng năm nay là năm thứ hai bộ sử dụng ngân hàng đề thi chuẩn hóa như nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng như ACT, SAT..., một phó hiệu trưởng trường ĐH miền Tây Nam Bộ phản biện: "Không được quên rằng kỳ thi trong mấy ngày vừa rồi là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mặc dù điểm của kỳ thi này được dùng để xét tuyển vào ĐH, CĐ nhưng mục đích chính của nó là dùng để đánh giá năng lực học sinh để xét tốt nghiệp THPT. Do đó, nội dung câu hỏi thi phải bám sát chương trình học của bậc THPT; so sánh như vậy là sự nhầm lẫn đáng tiếc" - ông cho hay.

Ông lấy dẫn chứng ở Mỹ học sinh không phải thi tốt nghiệp THPT, hầu như tất cả học sinh học hết lớp 12 đều được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Em nào có điểm trung bình cả năm đủ mức quy định của trường ĐH thì sẽ được nhận vào học, không phải thi tuyển ĐH. Em nào dưới mức điểm đó thì phải đăng ký thi ACT hoặc SAT do một đơn vị độc lập là ETS tổ chức. Khi điểm ACT được 18 điểm trở lên thì có thể vào học ĐH.

"Thực chất ACT và SAT là kỳ thi dùng để đánh giá năng lực của người học có đủ để học ĐH hay không chớ không phải dùng để đánh giá năng lực học sinh có đủ để tốt nghiệp THPT hay không. Do đó, so sánh đề thi THPT của ta với đề thi ACT và SAT là quá khập khiễng" - chuyên gia khẳng định.

L.THOA

Tác giả: HUY LÂN

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: thi THPT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP