Mắt Rồng xứng đáng được gọi là "hoang đảo đẹp nhất vịnh Bắc Bộ", phù hợp với những người thích chỗ vắng vẻ và cắm trại ở bãi biển.
Đó là một hòn đảo nhỏ, hình dáng một con bạch tuộc, đầu to, với những xúc tu dài vặn xoắn. Giữa đảo - giữa "đầu" của "bạch tuộc" có một hồ nước rất tròn. Vì vậy, đảo có tên gọi là Mắt Rồng, dù tên Mắt Bạch Tuộc có vẻ chính xác hơn.
Gia đình tôi tới Cẩm Phả, ra cảng Vũng Đục, hỏi dân bản địa - những người cả đời ngang dọc các luồng lạch từ Bái Tử Long, qua Hạ Long, vòng sang vịnh Lan Hạ…, chẳng ai biết có hòn đảo nào tên là Mắt Rồng. Tôi tả lại như những gì được chia sẻ trên mạng. Họ cười phá lên, cho biết chưa từng nghe tên đó bao giờ, nhưng chỗ hồ nước tròn đó là ở hòn đảo cách bờ chừng hơn 20 km, đi tàu gỗ chừng hơn một tiếng.
Sau hơn 30 phút đi bằng tàu cao tốc, gia đình tôi lọt vào một vụng nước hình trăng khuyết, với bãi cát dài chừng hơn 30 m khi chưa tới đỉnh triều, ba mặt là núi đá. Cả nhà reo lên sung sướng vì sự diễm lệ hoang vắng của hòn đảo. Anh chàng chủ tàu ái ngại, hỏi tôi đã suy nghĩ kỹ về quyết định cắm trại trên đảo chưa, vì nơi đây không có nước ngọt, sóng điện thoại, và có thể không an toàn. Lời đề nghị ấy lập tức bị gạt đi. Tàu vừa dừng lại, lũ trẻ đã hò nhau nhảy xuống đảo, chia nhau tìm chỗ hạ trại.
Vị trí hạ trại được chọn là một vạt đất bằng đầy cây muống biển, chỉ dấu cho thấy thủy triều ít khi ngập tới. Trại dựng sát chân núi, chỗ bắt đầu con đèo thấp để tránh lũ nếu có mưa to. Vị trí này còn đắc địa bởi có những tán cây rừng râm mát để chống nắng.
Vượt qua con đèo nhỏ um tùm cây lá là một thế giới khác. Bên trong đảo cũng không có đất, mà là một hồ nước tròn như miệng một chiếc giếng khổng lồ, đường kính chừng hơn 100 m. Đây đúng là một cái giếng khổng lồ, có thành đá cao vút dựng xung quanh. Sát mặt nước là những tán cây lòa xòa xanh mướt chìa ra từ vách đá. Một cảnh tượng vô cùng kỳ vĩ, và bí hiểm bởi màu nước xanh kỳ lạ. Nước mặn, dù không có màu như nước biển, và nhạt hơn, chắc thông với đại dương bởi hang ngầm. Mép giếng có những loài rong kỳ lạ, không thường thấy ở biển cũng như ở những vùng đầm lầy nước ngọt.
Hòn đảo này có lẽ hàng triệu năm trước là một đỉnh đá vôi trù phú. Thời gian, mưa gió và sóng biển đã rỉa rói bằng sạch. Mặt ngoài hòn đảo cơ bản không còn đất. Chất vôi trong đá cũng đã bị bào mòn, chỉ còn lõi đá đen cứng như thép với những mảnh sắc chồng lên nhau lớp lớp. Những loại cây còn tồn tại ở đây cũng cứng như thép, bám rễ sâu vào các khe nứt và cành lá đều se sắt lạ thường. Men theo chân đá là một bờ cát nhỏ, chỉ lộ ra khi triều xuống.
Con tàu rời đi, hòn đảo và vịnh nước xanh trở nên yên tĩnh lạ thường. Bà nội bọn trẻ nhà tôi mắc võng nghỉ ngơi dưới bóng cây. Các em trai sửa soạn đồ nghề câu cá, chuẩn bị nhóm lửa nấu bữa trưa. Tôi dẫn các con khám phá hòn đảo.
Ăn uống no say, nằm dưới tán cây xanh mát trong làn gió tinh khiết lách qua cánh núi, nghe tiếng chim rừng hòa ca, cảm giác thật khoan khoái. Đảo nhiều chim, ríu ran hót trong lùm cây. Quạ và diều hâu bay lượn không ngừng nghỉ.
Buổi chiều, nước khá lạnh, nhưng bọn trẻ vẫn tắm biển hào hứng. Bãi tắm như của riêng, tuyệt đối tự do. Ánh sáng yếu ớt của buổi chiều khiến đàn dĩn ùa ra tấn công như những phi đội Thần Phong tấn công Trân Châu Cảng. Chúng tôi đốt những đống lửa to được đốt lên để tạo vùng an toàn. Tuy nhiên, mong muốn tiếp tục khám phá đảo đã tiêu tan vì lũ hung thần bé nhỏ ấy.
Sau bữa chiều với gà luộc và mì tôm, buổi tối kinh hoàng bắt đầu với những tiếng sấm từ ngoài xa. Gió ngừng, không khí oi nồng trước cơn giông, và đàn dĩn trong bóng tối trở nên vô cùng hung hãn. Không ai dám đi xa đống lửa quá 2 m dù buổi tối mới bắt đầu. Nằm trong lều thì oi, ở ngoài thì dĩn đốt, dù đã xịt thuốc chống côn trùng khắp người nhưng lũ dĩn đói quá đông, hết lớp này đến lớp khác lao vào, thậm chí vừa hút máu vừa tranh thủ dựa vào đám lông chân, lông tay người. Chúng tôi đành lùa trẻ con vào lều, quạt cho chúng ngủ với hy vọng đêm sẽ chóng qua.
Gió mạnh dần, mưa bắt đầu rơi. Mọi người tất tả vào lều, phủ bạt kín, chặn đá các góc lều, chăng dây chống gió giật. Nằm trong lều, tôi nghe mưa xối xả mỗi lúc một to hơn. Gió giật ầm ầm như chỉ muốn hất tung cả lều và người lên đỉnh núi. Cố gắng trấn an bọn trẻ, nhưng trong lòng tôi không khỏi lo sợ, nhất là khi thủy triều vẫn tiếp tục dâng lên, tiếng sóng đã rất gần ngoài cửa lều mà vẫn còn hơn hai giờ nữa mới đến đỉnh triều. Sự lo lắng kéo dài đến 2h. Thủy triều bắt đầu rút, gió cũng giảm dần, mưa đã bớt xối xả hơn, và giấc ngủ mệt mỏi kéo đến.
Gần 5h, trời đã tạnh hẳn mưa và nền trời phía đông đã hừng lên sắc hồng. Còn 3 tiếng nữa, con tàu cứu hộ mới ra theo lịch hẹn. Nhưng không ai còn muốn tiếp tục cuộc khám phá dở dang trên hòn đảo này vì đã quá mệt mỏi. Chúng tôi tìm những cành củi khô trong vách đá kín, nhóm một đống lửa to để phòng dĩn, và chờ. Đúng 8h tàu đến, cuộc phiêu lưu trên hòn đảo kinh dị đã nhanh chóng kết thúc.
Trở về, tôi hẹn lần sau trở lại với sự chuẩn bị kỹ càng hơn, ít nhất là phải có tàu lớn để có thể trú ẩn khi dông gió, thuyền nhỏ để khám phá Mắt Rồng, quần áo dài và hóa chất để chống côn trùng.
Tác giả bài viết: Độc giả Phạm Trung Tuyến