Pháp luật

Chuyện chưa kể về vụ giải cứu 17 con hổ bị người dân nuôi nhốt

Giải cứu 17 con hổ bị người dân nuôi nhốt trong nhà là vụ án lớn nhất đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Rất nhiều điều chưa được bật mí trong hành trình phá án này.

Đảm nhận vị trí Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Nghệ An nên công việc của Thượng tá Nguyễn Bình Hà rất bận. Sau nhiều lần hẹn gặp, phải đến buổi chiều cuối cùng của năm Tân Sửu, chúng tôi mới có thời gian ngồi trò chuyện với vị Thượng tá này.

Năm 2021, Phòng Cảnh sát kinh tế đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các biện pháp, công tác nghiệp vụ để chủ động phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trên địa bàn tỉnh.

Kết quả công tác năm 2021, Phòng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện 85 vụ, 98 đối tượng, khởi tố 17 vụ, 34 bị can, trong đó có 4 vụ, 15 bị can bị khởi tố về hành vi tham nhũng; xử phạt hành chính 52 vụ, 52 đối tượng với số tiền 500 triệu đồng, thu giữ nhiều hàng hóa có giá trị 10 tỷ đồng.

Trong đó, đã khám phá nhiều vụ án lớn, tạo tiếng vang, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Điển hình như vụ án tham nhũng xảy ra tại Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, liên quan đến quá trình triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ - Đu giai đoạn 2016 - 2025 tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương. Hay vụ án về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Xí nghiệp Thuỷ lợi Đô Lương (thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An).

Rất đông người dân theo dõi vụ việc.


Với những thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và triển khai có hiệu quả, sáng tạo trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, tổng kết phong trào thi đua năm 2021, tập thể Phòng Cảnh sát kinh tế vinh dự được nhận Cờ thi đua của Bộ Công an, tập thể Phòng Cảnh sát kinh tế 3 lần được Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen; 17 cá nhân được các cấp khen thưởng về thành tích trong công tác, chiến đấu.

Tuy nhiên, khi nhắc đến vụ án không thể nào quên trong năm vừa qua thì đó là vụ giải cứu 17 cá thể hổ bị người dân nuôi nhốt trong nhà. “Đây là vụ án chưa từng có trên địa bàn tỉnh Nghệ An, bởi số lượng cá thể hổ vô cùng nhiều, các con hổ đều đã trưởng thành nên Ban chuyên án vô cùng vất vả”, Thượng tá Hà kể.

Các cá thể được giải cứu.


Trước đó, vào đầu năm 2021, quan công tác bám nắm địa bàn, lực lượng công an đã phát hiện được thông tin về những con hổ đang bị nuôi dưỡng trái phép trong nhà dân tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Qua xác minh nhận thấy thông tin trên là có cơ sở nên lãnh đạo phòng đã báo cáo cho Ban giám đốc xin được lập chuyên án với sự tham gia của Phòng Cảnh sát Kinh tế, Phòng Cảnh sát Môi trường và nhiều lực lượng, phòng ban để tiến hành triệt phá.

Ngay sau đó, các trinh sát dày dạn kinh nghiệm nhất đã lập tức tỏa nhiều hướng tiến hành thu nhập chứng cứ, tài liệu, làm rõ nơi nuôi giữ trái phép các cá thể hổ này. Phải mất hơn 6 tháng ròng rã, cùng với các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng mới làm rõ được hành vi phạm tội này.

Chuồng trại được cải tạo để nuôi hổ trong nhà.


Một điều tra viên cho biết, để nuôi hổ, các hộ gia đình này xây dựng hệ thống tầng hầm ngay trong khuôn viên gia đình. Trung bình mỗi hầm rộng 80 đến 120m2, được cấu tạo bằng các chuồng sắt kiên cố để nhốt từng con hổ riêng biệt. Muốn vào các hầm này phải qua các lớp cửa sắt có khóa.

“Điều đáng nói, việc này đã tiến hành từ lâu nhưng không ai phát hiện ra. Vì vậy, quá trình theo dõi các trinh sát đã cố gắng không “bứt dây động rừng”, tránh việc các đối tượng phát hiện rồi tiêu hủy vật chứng”, một trinh sát kể.

Khi đã làm rõ được hành vi phạm tội, xác định được nơi nuôi dưỡng, cách thức trốn tránh của các đối tượng, Ban chuyên án quyết định phá án. Tuy nhiên, thời điểm này xuất hiện một vấn đề vô cùng khó khăn, đó là làm sao gây mê được những cá thể hổ này để di chuyển đến nơi khác.

“Số hổ này được đưa từ Lào về nuôi từ khi còn nhỏ, đến nay mỗi con có trọng lượng đạt hơn 200kg. Dù bị nuôi nhốt nhưng chúng vẫn là hổ, nếu không cẩn thận để hổ lọt ra ngoài thì vô cùng nguy hiểm. Mặc dù tính toán rất kỹ nhưng Ban chuyên án không khỏi lo lắng, vì đây là lần đầu tiên chúng tôi bắt giữ động vật nguy hiểm này”, đại diện Ban chuyên án cho biết.

Cơ quan chức năng gây mê để đưa hổ ra khỏi nơi nuôi nhốt.


Quá trình di chuyển đã được lên kế hoạch cẩn trọng, cơ quan chức năng đã mời các lực lượng chuyên môn về động vật hoang dã cùng tham gia. Việc đưa từ nơi chật hẹp về nơi được cấp phép, đủ điều kiện là một trong những giải pháp nhân văn, được các nhà chuyên môn về động vật học ủng hộ.

Sáng 4/8, lực lượng Công an tỉnh Nghệ An đã ập vào cơ sở của Nguyễn Văn Hiền (SN 1982) và Hồ Thị Thanh (SN 1990), ở xóm Nam Vực, xã Đô Thành. Tại đây, cơ quan chức năng đã phát hiện 14 cá thể hổ đã trưởng thành. Cùng lúc, Công an huyện Yên Thành cũng ập vào nhà bà Nguyễn Thị Định, xóm Phú Xuân, cùng xã Đô Thành, phát hiện thêm 3 con cùng loại. Tổng số lượng hổ trong chuyên án là 17 con.

Sau đó, lực lượng chức năng đã tiêm thuốc gây mê, tạm thời chuyển 17 con hổ trên đến Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) để chăm sóc, phục vụ công tác điều tra.

“Do chuồng nuôi giữ rất chật hẹp nên chúng tôi phải gây mê từng con rồi mới mang ra. Quá trình thực hiện việc này xuất hiện một sự cố, đó là một con hổ bỗng nhiên nhảy phốc ra khỏi chuồng của mình, may mà nó nhảy sang chuồng bên cạnh chứ nhảy ra ngoài thì vô cùng nguy hiểm. Sự cố đó khiến cho ai cũng một phen hú vía”, một trinh sát nhớ lại.

Ngoài ra, quá trình di chuyển hổ đến Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm cách đó 10km cũng là một vấn đề. Trước đó, Ban chuyên án đã phải xác định số lượng hổ, rồi hàn chuồng sắt để đưa đi nhằm tránh việc người dân hoang mang. Tuy nhiên, lúc đưa hổ ra xe cũng là một quá trình không hề đơn giản.

Những con hổ được chuyển về khu sinh thái để chăm sóc.


Làm việc với công an, các hộ gia đình khai, số hổ này được đưa về từ Lào lúc đang bé, nuôi nhốt nhiều tháng qua. Trên thị trường, cao hổ có giá 15 - 20 triệu đồng/gram. Những con hổ bị phát hiện có trị giá hàng chục tỷ đồng.

Đại tá Nguyễn Đức Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm là vi phạm pháp luật, được quy định tại Điều 244 Bộ Luật Hình sự. Với hành vi nuôi nhốt, săn bắt, giết thịt từ 6 cá thể hổ trở lên có khung hình phạt từ 10-15 năm tù.

“Đây là chuyên án bắt giữ hổ nuôi trái phép lớn nhất từ trước đến nay ở Nghệ An. Những con hổ được xem là vật chứng của vụ án và buộc phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, Đại tá Hải nói.

Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP