Kinh tế

Chủ tịch Thaco: “Không nên chạy theo thương hiệu ô tô Việt khi chưa đủ giá trị”

“Không nên chạy theo thương hiệu ô tô Việt Nam khi chúng ta không thực sự được làm chủ, khi thương hiệu không thực sự có giá trị”, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco nhận định.

Chia sẻ với báo chí bên lề lễ khánh thành nhà máy sản xuất xe Bus mang nhãn hiệu Thaco tại khu phức hợp Chu Lai (Quảng Nam), ông Dương cho rằng nếu chúng ta có được sản phẩm ô tô thương hiệu quốc gia thì đó là điều đáng tự hào.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco trả lời báo chí chiều hôm qua (8/12). (Ảnh: Hồng Vân)

Tuy nhiên, theo ông Dương, xu thế hiện nay là hội nhập thì nên tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và làm những chi tiết, phụ tùng rồi mới nên tính đến có thương hiệu riêng.

Điều này được hiểu rằng, khi Việt Nam mong muốn có sản phẩm mang thương hiệu Việt chinh phục được trong nước và nước ngoài là quyền và mơ ước chính đáng.

“Đối với ngành ô tô, làm nên một thương hiệu xe Việt được khách hàng tin dùng, có khả năng xuất khẩu thì đó chính là khát vọng của tôi. Nhưng để làm được điều đó thì phải có người dẫn dắt và chinh phục được khách hàng mới là điều kiện tiên quyết”, ông Dương cho hay.

Đáng nói, khi chúng ta sử dụng một sản phẩm thì chúng ta vẫn có niềm tin về giá trị thương hiệu. Điều này thể hiện ở việc giá thành của sản phẩm này có thể cao hơn rất nhiều so với các sản phẩm khác ngay khi cả 2 sản phẩm đều dùng một chất liệu.

Do vậy, chúng ta có làm được thương hiệu xe con Việt Nam hay không, có định vị được thương hiệu này ở đâu khi mà xe con đã được định vị các cấp phổ thông, trung cấp, xe sang, xe siêu sang bắt nguồn từ các quốc gia có tiềm lực công nghệ và lịch sử phát triển xe như Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu,... là điều mà ông Dương suy nghĩ.

Dù rằng, thương hiệu ô tô Việt Nam là mong muốn thiết thực và đáng quý nhưng “theo xu thế thị trường cùng với yêu cầu và mong muốn của khách hàng về mặt thương hiệu thì quan điểm của tôi vẫn là nên tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Dương nói.

Cụ thể, ông Dương lấy ví dụ rằng trong một thương hiệu nước ngoài mà chúng ta làm được bao nhiêu phần trong đó thì cũng có giá trị rồi. Và đến một mức nào đó khi chúng ta có thể làm chủ được công nghệ, tự tin làm được thương hiệu một cách dài hơi, không vay mượn thì mới nên xây dựng thương hiệu để đáp ứng sự tin tưởng của người dân Việt Nam.

Bên cạnh đó, tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco) đã tổ chức lễ khánh thành nhà máy sản xuất xe Bus mang nhãn hiệu Thaco.

Nhà máy Bus Thaco có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng. (Ảnh: Hồng Vân)

Với công suất thiết kế lên tới 20.000 xe/năm, gồm 8.000 xe bus và 12.000 xe bus mini, nhà máy đã trở thành nơi sản xuất xe bus lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Đây là nhà máy sản xuất xe buýt đầu tiên tại Việt Nam mà trang thiết bị do đội ngũ kỹ sư Thaco thiết kế có tỉ lệ nội địa hóa trang thiết bị nhà máy đến 80%.

Thêm nữa, nhà máy này được đầu tư với các dây chuyền sản xuất hiện đại và bán tự động. Dây chuyền sơn tĩnh điện của nhà máy là dây chuyền duy nhất tại Đông Nam Á và là một trong 22 dây chuyền đang có trên toàn thế giới.

Cũng trong buổi lễ, Thaco đã tổ chức ký kết các thỏa thuận thương mại xuất khẩu bước đầu sang Thái Lan, Đài Loan, Philippines, Campuchia với tổng số 1.150 xe và trong năm 2018 ít nhất là 550 xe.

“Sự kiện xuất khẩu mà chúng tôi ký kết hôm nay minh chứng về thành quả của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mặc dù thị trường trong nước còn nhỏ, ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ. Mặt khác, nếu với tỉ lệ nội địa hóa cao và doanh số xuất khẩu khá thì chúng ta sẽ tự chống được nhập siêu và cân bằng cán cân thương mại trong ngành sản xuất kinh doanh ô tô tại Việt Nam”, ông Dương nói thêm.

Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng cũng cho rằng: “Với tỉ lệ nội địa hóa cao, Thaco chinh phục được người tiêu dùng trong nước và ở cả các nước. Hôm nay chúng ta đã chứng kiến sự kiện trọng đại ký kết xuất khẩu ô tô của Việt Nam”.

Tác giả: Hồng Vân

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP