Tin địa phương

Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Đà Nẵng: Định vị lại giá trị trong thời đại AI

"Với AI và công nghệ mới, ai không cập nhật, không học hỏi sẽ bị tụt hậu", Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố Đà Nẵng Lê Thị Nam Phương nhấn mạnh khi trao đổi với PV Người Đưa tin về những thách thức và cơ hội của nữ doanh nhân nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.

PV: Thưa bà, trong bối cảnh nền kinh tế đang thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là với sự phát triển của AI và tinh giản nhân sự, bà nhìn nhận như thế nào về cơ hội của nữ giới trong khởi nghiệp?

Bà Nam Phương: Tôi tin rằng mỗi người sẽ có nhiều cơ hội và nhiều phiên bản khác nhau của chính mình. Những thay đổi công nghệ do con người tạo ra cuối cùng sẽ hỗ trợ chúng ta. Thay vì lo sợ, hãy nghĩ đó là công cụ giúp bạn thực hiện ước mơ tốt hơn hoặc xây dựng ước mơ đẹp hơn.

Trong giai đoạn này, tôi có hai lời khuyên: thứ nhất, phát triển năng lực học tập tốt, liên tục học hỏi, quan sát và nâng cao năng lực của mình. Thứ hai, phải tư duy nhanh, chấp nhận thay đổi và xác định rằng phiên bản tốt hay xấu là do quyết định của chính mình.

Một xã hội hiệu quả đòi hỏi những con người có trách nhiệm hơn với bản thân và người khác, hiểu biết hơn, có năng lực hơn. Để phát triển và có cuộc sống thú vị hơn, chúng ta phải đối mặt với những thay đổi này, suy nghĩ tích cực và loại bỏ lãng phí.

Bà Lê Thị Nam Phương cho rằng, những người khởi nghiệp phải chấp nhận cả thành công và thất bại, sẵn sàng làm lại từ đầu nếu cần thiết.


Xu hướng công nghệ và xã hội hiệu quả đòi hỏi những con người có tố chất phù hợp. Trong tương lai, mọi thứ sẽ tinh gọn hơn, ngay ngắn hơn nhờ số hóa dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Hiệu quả là giá trị cốt lõi.

Đối với những người muốn khởi nghiệp, họ cần trang bị kiến thức, nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi và phát triển năng lực của mình. Họ phải chấp nhận cả thành công và thất bại, sẵn sàng làm lại từ đầu nếu cần thiết.

Tư duy phản biện, phát triển quan hệ xã hội, xây dựng hệ sinh thái liên kết là những yếu tố quan trọng. Tôi tin rằng những ngành nghề liên quan đến tinh thần, sáng tạo sẽ phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Cuối cùng, hiệu quả bắt đầu từ bản thân - từ cách chúng ta tập trung, chú tâm vào công việc, biết mình đang làm gì và làm như thế nào. Khi có tỷ lệ quyết định đúng cao, con đường thành công sẽ rộng mở hơn.

PV: Thưa bà, đâu là thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp do nữ làm chủ đang phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số?

Bà Nam Phương: Thách thức lớn nhất trong việc chuyển đổi số đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng là xác định điểm xuất phát. Đây là một hành trình dài, không có chỉ số rõ ràng. Vấn đề nằm ở chỗ phải hiểu rõ doanh nghiệp mình đang ở đâu, quy mô ra sao, dữ liệu hiện tại như thế nào, năng lực đội ngũ ra sao.

Người làm chủ phải tự xác định rõ, quyết tâm và có nội lực mạnh mẽ. Ngoài vấn đề tài chính còn cần nguồn lực con người trong chính đội ngũ của mình. Trong quá trình chuyển đổi, chúng ta cần đến các chuyên gia, nhưng đây là lĩnh vực còn mới mẻ với quá nhiều biến số. Việc chọn đúng chuyên gia phù hợp với doanh nghiệp mình là một thách thức chung.

Thứ hai, công nghệ thay đổi liên tục. Có thể chúng ta chưa hoàn thành một việc thì đã xuất hiện công nghệ mới hơn.

Thứ ba là vấn đề lựa chọn đúng công nghệ. Công nghệ phù hợp thường có chi phí cao, và ngay cả khi chọn đúng công nghệ, thời điểm áp dụng cũng rất quan trọng. Quá trình chuyển đổi số cần sự chung sức và đồng lòng từ trên xuống dưới, mới có thể thực hiện thành công.

Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố Đà Nẵng chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.


PV: Trong khi AI phát triển nhanh chóng, việc áp dụng công nghệ này có thể gặp phải những rủi ro nào đối với doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc bảo mật dữ liệu, thưa bà?

Bà Nam Phương: Vấn đề dữ liệu vô cùng quan trọng. Lâu nay, nhiều doanh nghiệp không quen với việc số hóa, lưu trữ dữ liệu một cách bài bản. Khi bắt đầu chuyển đổi số, chúng ta thường phát hiện ra rằng mình không có dữ liệu để chuyển đổi.

Do đó, nhiều doanh nghiệp phải lùi lại một bước, nhìn xa hơn, xác định lại động lực và mục tiêu của mình trước khi quyết định các bước tiếp theo. Ba yếu tố này liên quan đến tốc độ chuyển đổi của doanh nghiệp, không chỉ là chọn đúng công nghệ mà còn là tốc độ triển khai.

Trong bối cảnh hiện tại, AI đang phát triển với tốc độ chóng mặt, nhưng chúng ta mới chỉ sử dụng một phần rất nhỏ tiềm năng của nó. Điều quan trọng nhất là cách chúng ta tư duy, làm việc và xây dựng niềm tin vào công nghệ.

Mặt khác, chúng ta cũng phải ý thức về các rủi ro, đặc biệt là vấn đề bảo mật dữ liệu. Nếu không bảo mật tốt, dữ liệu - vốn là tài sản quý giá của doanh nghiệp - có thể bị mất hoặc rò rỉ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

PV: Theo bà, doanh nghiệp nên xây dựng lộ trình chuyển đổi số như thế nào?

Bà Nam Phương: Đại dịch COVID-19 đã buộc nhiều doanh nghiệp phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đặc biệt khi chúng ta phải chuyển sang mô hình học tập và làm việc trực tuyến. Điều này đã khiến hành trình chuyển đổi số trở nên cấp bách hơn.

Doanh nghiệp cần phải quyết tâm, nhưng trước tiên phải nghiên cứu kỹ để quyết định chọn đúng giải pháp. Cần phân tích hệ thống hiện tại, đánh giá năng lực nội tại, rồi mới chọn giải pháp phù hợp và thực hiện một cách kiên định.

Mỗi doanh nghiệp cần nhìn rộng, nhìn xa để xác định con đường hiệu quả nhất cho mình. Doanh nghiệp càng lớn, quá trình chuyển đổi càng phức tạp vì có nhiều đội ngũ tương tác khác nhau. Ngược lại, doanh nghiệp nhỏ có thể linh hoạt và quyết định nhanh hơn.

Người đứng đầu doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng - phải có tầm nhìn, quyết tâm và chịu trách nhiệm với từng quyết định. Hệ sinh thái hỗ trợ từ bên ngoài cũng rất quan trọng, nhưng cuối cùng, mỗi doanh nghiệp phải tự tìm ra con đường phù hợp với mình.

PV: Nhiều người lo ngại AI sẽ thay thế lao động con người. Bà có quan điểm gì về vấn đề này?

Bà Nam Phương: Tôi nhìn nhận đây là một xu hướng tích cực. AI sẽ thúc đẩy hiệu quả trong doanh nghiệp, đặc biệt là ở cấp ra quyết định. Hiệu quả ở đây không chỉ là hiệu quả tài chính mà còn là hiệu quả toàn diện, giúp con người thay đổi về năng lực.

Đây là một cuộc chơi giúp con người nhận thức rõ hơn về những gì mình đang làm và tập trung vào hiệu quả. Xã hội sẽ có nhiều giá trị hơn khi mọi người biết mình đang làm gì, có sự rõ ràng, tập trung trong công việc thay vì làm việc một cách mông lung, thiếu định hướng.

Công nghệ sẽ thay đổi hành vi con người, hướng tới sự văn minh và bền vững. Sự bền vững không chỉ về con người mà còn về môi trường sống, tài nguyên thiên nhiên. Đây là những yếu tố nền tảng cho sự thay đổi và cũng là kết quả của sự thay đổi.

Tôi tin rằng công nghệ và AI sẽ giúp xã hội tiến tới một trạng thái có nhận thức đầy đủ hơn, hiểu biết và văn minh hơn. Chúng ta có thể làm ít hơn nhưng hiệu quả cao hơn, khai phóng được nhiều tiềm năng con người hơn.

Xã hội phát triển cao sẽ quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố vô hình như phát triển trí thông minh qua các hoạt động, sức khỏe tinh thần chứ không chỉ là sức khỏe vật chất. Đây sẽ là sự chuyển biến lớn trong tương lai.

Bà Lê Thị Phương Nam (đứng giữa) trong một sự kiện của Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố Đà Nẵng.


PV: Nhiều người lo ngại về việc mất việc làm do AI. Bà có lời khuyên gì cho họ?

Bà Nam Phương: Đây là thời điểm để thiết lập lại giá trị sống, xác định lại mục tiêu và mục đích sống. Mọi người sẽ có những trải nghiệm tốt hơn về cuộc sống, không chỉ gói gọn trong công việc. Họ có thể tham gia các hoạt động khác như du lịch, tham gia vào cộng đồng, hoặc quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe.

Về công việc, sẽ xuất hiện nhiều cơ hội mới phù hợp với sở thích và năng lực của mỗi người. Kinh nghiệm và kỹ năng mới sẽ phát triển nhanh chóng.

Đây cũng là cơ hội để thay đổi cách chúng ta giáo dục thế hệ trẻ. Thay vì chỉ đào tạo họ theo mô hình cũ, chúng ta cần trang bị cho họ khả năng học tập suốt đời, khả năng thích ứng với thay đổi, biết cân bằng sức khỏe tinh thần và thể chất. Giáo dục không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức mà còn là hình thành nhân cách và kỹ năng sống.

Với AI và công nghệ mới, ai không cập nhật, không học hỏi sẽ bị tụt hậu. Đây là một cuộc chơi đòi hỏi mỗi người phải học hỏi, thay đổi và hiểu biết. Nếu mất việc trong lĩnh vực này, chúng ta có thể khám phá cơ hội trong lĩnh vực khác. Không ai có trách nhiệm phải bảo đảm công việc cho chúng ta - chúng ta phải tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình.

PV: Xin cảm ơn bà đã có buổi chia sẻ thú vị!

Tác giả: Nguyễn Duy Cường

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP