Kinh tế

Chỉnh sửa các sai phạm tại dự án Công viên Văn hóa “Ấn tượng Hội An”

TP Hội An (Quảng Nam) yêu cầu chủ đầu tư tiếp thu, chỉnh sửa các sai phạm liên quan Dự án Công viên Văn hóa Chủ đề “Ấn tượng Hội An”.

Liên quan đến dự án này, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, thành phố đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam và Sở Xây dựng tỉnh làm việc lại với Tập đoàn Gami.

Cụ thể, TP Hội An đề xuất giảm độ cao công trình, giảm mật độ xây dựng. Những công trình không cần thiết, theo thiện chí của nhà đầu tư yêu cầu không đầu tư thêm mà phá bớt những công trình có quá nhiều bê tông cốt thép, tăng cường mật độ cây xanh.

Được biết, Dự án Công viên Văn hóa Chủ đề “Ấn tượng Hội An” do Công ty CP Gami Hội An làm chủ đầu tư. Dự án được UBND Tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 8/2016 trên diện tích 10,8 ha, bao gồm sân khấu thực cảnh, nhà hát trong nhà, làng văn hóa, khu thương điếm, khu tâm linh, khu phụ trợ, cảnh quanh…

Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, đây là công trình phục vụ APEC 2017. Năm 2016, sau khi cho tái khởi động dự án thì công trình “Công viên ấn tượng” đăng ký hạng mục sân khấu ngoài trời khoảng 2.000 người để phục vụ cho nội dung Ban tổ chức APEC tổ chức tại Hội An tiếp đón 1.200 phu nhân, phu quân.

Nhiều thông tin trái chiều về Dự án Công viên Văn hóa Chủ đề “Ấn tượng Hội An” và vở diễn “Ký ức Hội An”.


UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập Tổ chuyên trách do Phó Chủ tịch UBND tỉnh là ông Lê Văn Thanh làm Tổ trưởn, với ưu tiên cho xây dựng công trình trong giai đoạn 1, vừa thi công theo thiết kế vừa làm thủ tục cấp phép xây dựng. Do công trình này phục vụ APEC nên không có giấy phép, mà mới hoàn thiện giấy phép vào ngày 20/3.

“Dự án này có hai vấn đề bất cập. Một là sau khi kiểm tra phát hiện sân khấu ngoài trời xây dựng vượt mức cho phép từ 14,5 m lên 16,3 m. Còn mật độ xây dựng thì theo hồ sơ cấp, hiện mới thi công giai đoạn 1 nên chưa nói gì được hết. Hồ sơ của tỉnh cấp phép, công trình cao nhất là 16,5m, đó là công trình nhà hát trong nhà - điểm nhấn của toàn bộ dự án.

Đến lúc này, chủ dự án xây dựng sân khấu ngoài trời đã cao 16,3 m, trong khi thiết kế công trình này chỉ cao 14,5 m. Vì vậy, TP Hội An sẽ buộc nhà đầu tư cam kết nếu lấy công trình sân khấu ngoài trời làm điểm nhấn thì phải phá bỏ nhà hát trong nhà” - ông Nguyễn Văn Dũng nói.

Lãnh đạo địa phương cho biết thêm, khi dự án nằm trong công trình trọng điểm phục vụ APEC thì có ưu tiên trong đầu tư. Nhưng khi triển khai thì chậm, gặp nhiều khó khăn về thời tiết, bão lũ kéo dãn tiến độ.

Từ khoảng tháng 7/2017, xét thấy công trình không đủ điều kiện, không đủ thời gian để phục vụ cho sự kiện APEC 2017, nên Hội An có văn bản đề nghị bỏ dự án này ra khỏi danh mục ưu tiên, và khi đó, dự án này phải trở về quy trình cũ là đúng luật. Nên toàn bộ dự án giai đoạn 2 có giấy phép mới cho xây dựng.

Trước thực trạng trên, theo Ban quản lý dự án và chủ đầu tư thì dự án Công viên Văn hóa Chủ đề “Ấn tượng Hội An” được cấp phép theo đúng quy trình của một dự án đầu tư bao gồm các tiêu chuẩn về xây dựng và báo cáo đánh giá tác động môi trường theo đặc thù của vị trí dự án.

Khi tiến hành xin cấp phép, chủ đầu tư đã lấy đủ ý kiến của các cơ quan ban ngành chuyên môn của tỉnh Quảng Nam cũng như TP Hội An. UBND tỉnh Quảng Nam và Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam đã có công văn đồng ý cho phép chủ đầu tư chuyển đổi công trình điểm nhấn từ nhà hát trong nhà sang nhà hát ngoài trời.

Chủ đầu tư dự án bỏ công trình nhà hát trong nhà có diện tích 8.000 m2

Liên quan việc điều chỉnh các sai phạm, ông Đào Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP GAMI Hội An cho biết: “Trước mắt chúng tôi có thể chia sẻ là sẽ bỏ công trình nhà hát trong nhà có diện tích 8.000 m2 và sẽ dành diện tích đó cho phát triển cụm nông nghiệp trồng bắp, trồng rau.

Mật độ xây dựng giảm xuống khoảng 20%, tăng cường diện tích cây xanh. Về chiều cao công trình chỉ còn một công trình điể.m nhấn 16,5 m, những hạng mục còn lại sẽ cao không quá 10,5 m”-

Phía chủ dự án cho biết thêm, hiện nay chưa có kết luận của cơ quan chuyên môn về tình trạng sạt lở hai bên bờ sông có nguyên nhân từ dự án. Là một doanh nghiệp đầu tư tại địa phương, đơn vị sẽ có tổ chức quỹ hỗ trợ người dân địa phương và sẵn sàng cũng như tự nguyện hỗ trợ người dân khu vực lân cận khi gặp thiên tai, bão lũ.

Trong trường hợp có cơ sở chứng minh việc sói mòn, tổn hại là do ảnh hưởng của công trình, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cũng như tu bổ các công trình về nguyên trạng.

Tác giả: Nguyễn Tuấn

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP