Chấm thi THPT 2019 tại Lai Châu Ảnh: Nghiêm Huê |
Năm nay, khâu chấm thi có nhiều đổi mới. Đối với môn thi tự luận, khâu làm phách được cách ly hoàn toàn. Làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT do ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học dẫn đầu, hôm qua 1/7, ông Đinh Trung Tuấn, giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu cho biết với bài thi tự luận, Sở thực hiện làm phách cuốn chiếu, rọc phách đến đâu chấm đến đó. Khu làm phách được Sở GD&ĐT Lai Châu bố trí một nơi riêng biệt, cách ly nghiêm ngặt ba vòng độc lập. Không những thế, riêng khu vực làm phách có bộ phận kỹ thuật thực hiện phá sóng điện thoại. Với hơn 3.000 bài thi, sở huy động 40 giáo viên chấm thi, dự kiến sẽ chấm xong vào ngày 5/7.
Tại Hà Nội, với một lượng bài thi khổng lồ trên 74.000 bài, Sở GD&ĐT cũng dành một khu độc lập, cách ly để làm phách. Không chỉ cách ly, phá sóng khu làm phách mà vì số lượng bài thi lớn nên khu chấm thi trắc nghiệm và khu chấm thi tự luận cũng được tách riêng.
Cô Phùng Thị Kim Oanh, giáo viên môn Ngữ văn trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Lai Châu, trưởng môn chấm thi tự luận cho biết, đề thi ngữ văn năm nay tương đối khó so với học sinh vùng sâu vùng xa. Hôm qua, 10 bài chấm chung ở Lai Châu, có bài thấp nhất là 1,75 và cao nhất là 7,5. Số lượng bài 5,6,7 không có nhiều, chủ yếu bài điểm thấp. Câu nghị luận xã hội vừa sức nhưng phần đọc hiểu lại hơi khó. Cách nói ẩn dụ là khó với vùng sâu vùng xa.
Cũng tại Lai Châu, cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên ngữ văn trường THPT Mường Than, huyện Than Uyên cho biết, câu nghị luận văn học ở đề chính thức có khác so với đề tham khảo của Bộ GD&ĐT. Do đó, khó đạt điểm cao nhưng cũng vừa sức để xét tốt nghiệp. Cô cũng cho biết, trường cô có 124 thí sinh dự thi THPT quốc gia nhưng chỉ có 8 em đăng ký xét tuyển ĐH.
Một giáo viên ở Hà Nội khi chấm thi cũng khẳng định đề thi ngữ văn năm nay rất khó có bài viết hay. Cô Thanh cho biết, trong số 40 giáo viên ngữ văn đi chấm thi, có một số giáo viên ở rất xa. Ví dụ như cô, từ nhà lên đến thành phố Lai Châu để chấm thi là 93km. Nhưng có cô giáo ở tận huyện Ca Lăng, cách thành phố 240km. Chính vì vậy, trong suốt thời gian chấm thi các thầy cô ở xa đến đều ở trọ.
Chấm kiểm tra tất cả những bài Ngữ văn từ điểm 8 trở lên
Tại tỉnh Nam Định, ngày 30/6 bắt đầu chấm thi. Trước khi chấm, Sở GD&ĐT yêu cầu tổ chức cho cán bộ chấm thi môn Ngữ văn thảo luận, nắm vững hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm. Trong quá trình chấm thi, thường xuyên trao đổi, rút kinh nghiệm. Thay đổi hoặc đình chỉ chấm thi đối với những cán bộ chấm thi thiếu trách nhiệm, vi phạm quy chế thi hoặc chấm thi sai sót nhiều.
Theo quy định, Sở sẽ chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi theo tiến độ chấm của Ban Chấm thi tự luận; đồng thời thực hiện quy trình chấm đúng với quy định của Quy chế thi và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, tất cả các bài Ngữ văn điểm cao (từ 8 điểm trở lên) cũng được chấm kiểm tra.
Với chấm thi trắc nghiệm, năm nay, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ chấm các bài thi trắc nghiệm tại Nam Định.
Lạng Sơn cũng là một điểm “nóng” được nhắc đến trong mùa thi 2018. Năm nay, môn thi tự luận được chấm từ ngày 2/7 với hơn 8.000 bài thi, dự kiến ngày 6/7 sẽ hoàn tất. Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn nêu quyết tâm chỉ đạo việc chấm tự luận một cách trung thực, khách quan nhất. Còn bài thi trắc nghiệm của tỉnh này do trường ĐH Sư phạm Hà Nội chấm.
Kiểm tra công tác chấm thi hôm qua, 1/7 tại Lạng Sơn, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ áp lực của kỳ thi năm nay sau những sai phạm chấm thi một số tỉnh của năm ngoái. Quá trình chấm tự luận nếu 2 vòng chênh từ 1,5 điểm trở lên thì bên cạnh việc chấm thêm vòng thứ 3 thì cần phải xem lại nguyên nhân từ phía cán bộ chấm thi. Do nguyên nhân chủ quan hay khách quan? Do nhận thức, năng lực hay có động cơ cá nhân gì của người chấm hay không?
Chênh điểm không chỉ từ thấp thành cao mà có cả hiện tượng chấm chặt quá khiến học sinh bị thiệt thòi. Ông Độ cho rằng việc xem xét này cần thực hiện nghiêm túc để nếu cần thiết phải quyết liệt xử lý ngay. Dừng việc chấm thi của những giám khảo như vậy để tránh thiệt thòi cho các thí sinh.
Theo ông Độ nếu giám khảo làm hết trách nhiệm và năng lực của mình thì mức chênh lệch điểm môn ngữ văn giữa hai vòng chấm chỉ có thể chênh nhau dưới 1 điểm là tối đa. Ông Độ tiếp tục lưu ý các ban chấm thi cần đảm bảo đúng tiến độ chấm nhưng điều quan trọng đặt lên hàng đầu là sự trung thực, khách quan, phản ánh đúng kết quả bài làm của thí sinh.
Đặc biệt lưu ý chấm kiểm tra 5% bài thi ngữ văn ngay trong quá trình chấm, trong đó có những bài có điểm cao. Điểm cao thì tùy thuộc từng hội đồng thi, có nơi 7 điểm đã là cao nhưng có nơi 9 điểm. Ông Độ yêu cầu tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát từ nay đến kết thúc khâu chấm thi. Kịp thời báo cáo trưởng ban chấm thi, ban chỉ đạo thi cấp tỉnh và Bộ GD&ĐT khi xảy ra vấn đề bất thường để có phương án xử lý kịp thời.
Tại Bắc Giang, mức điểm môn Ngữ văn cao nhất đến thời điểm này là 8,25 đến 8,5 điểm; đã xuất hiện điểm liệt với những bài thi được 1 hoặc 0,75 điểm. |
Tác giả: NGHIÊM HUÊ
Nguồn tin: Báo Tiền phong