Trung thu năm nay vào thứ hai, ngày 24/9 bởi vậy, ngay từ dịp cuối tuần (22-23/9), ở Hà Nội đã có nhiều nơi tổ chức hoạt động vui chơi cho các gia đình và em nhỏ. Dưới đây là một số điểm chơi Trung thu chính ở Thủ đô:
Đêm rằm xuống phố tại vườn hoa Lý Thái Tổ
Diễn ra vào tối 23/9, chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ được nhiều người yêu thích như Xuân Bắc, Tự Long, Isaac, Ái Phương và Nhà hát múa rối Thăng Long, Liên đoàn xiếc Việt Nam....
Một con đường đèn lồng rực rỡ sắc màu sẽ là điểm check-in lung linh cho các bạn trẻ, em nhỏ và gia đình. Đội múa rồng, lân, rước đèn sẽ đi qua những con phố ở trung tâm. Bên cạnh các nhân vật quen thuộc trong truyện cổ tích Việt Nam như chú Cuội, chị Hằng, ông Bụt... sẽ có thêm các nhân vật hoạt hình hiện đại như công chúa Elsa, Anna, người Nhện, siêu nhân Gao...
Ở khu vực sân khấu chính - vườn hoa Lý Thái Tổ, sẽ có tiết mục chú Cuội bay từ trên cao xuống mặt đất, Bờm trổ tài cùng quạt mo...
Các buổi biểu diễn múa rối nước được nhiều em nhỏ yêu thích. Ảnh: Hồng Giang. |
Tết Trung thu phố cổ 2018
Từ nay tới 23/9, tại khu vực đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc), các nghệ nhân sẽ giới thiệu nghệ thuật rối cạn Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức); hướng dẫn cách làm đồ chơi dân gian, như đèn ông sao, tiến sĩ giấy, diều, tò he...
Tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây có không gian Tết Trung thu truyền thống của gia đình Hà Nội và triển lãm ảnh “Trung thu Hà Nội xưa”. Ở Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) giới thiệu 3 dòng tranh dân gian và trình diễn, hướng dẫn cách làm tranh Kim Hoàng, Đông Hồ. Tại đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào) giới thiệu nghệ thuật làm mặt nạ giấy bồi.
Từ 21 tới 23/9, tại không gian bích họa phố Phùng Hưng có các trò chơi dân gian như ô ăn quan, cà kheo, kéo co, nhảy sạp, nhảy bao bố, bịt mắt bắt dê, mèo đuổi chuột... Các nghệ nhân cũng dạy cách làm đồ chơi Trung thu truyền thống.
Triển lãm các trò chơi dân gian Trung thu ở đình Kim Ngân. Ảnh: Lê Bích. |
Hoàng thành Thăng Long
Từ ngày 21 tới 23/9, chương trình Vui tết Trung thu có các hoạt động múa rối nước, trình diễn diều, múa sư tử... Ngoài ra các em nhỏ còn được dạy tô mặt nạ giấy bồi, làm và trang trí diều - chong chóng, nghệ thuật gấp giấy Origami (một nét đặc sắc trong nền văn hóa Nhật Bản), nặn tò he, làm gốm...
Các gia đình có thể tham quan không gian trưng bày những hình ảnh và tư liệu quý về Trung thu; các gian hàng Trung thu truyền thống. Trẻ nhỏ có thể tham gia nhiều trò chơi dân gian như bập bênh, đánh đu, cầu trượt, leo núi tam giác...
Bảo tàng Dân tộc học
Chương trình Trung thu 2018 - Sắc màu văn hóa Ninh Thuận diễn ra vào ngày 22 và 23/9. Bảo tàng Dân tộc học sẽ kết hợp cùng tỉnh Ninh Thuận giới thiệu về vùng đất này qua các màn trình diễn văn nghệ dân gian, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực Ninh Thuận và trò chơi của người Chăm, người Raglai.
Các nghệ nhân của Ninh Thuận sẽ trình diễn các tiết mục múa hát dân gian như: trống Ginăng, kèn Saranai, đàn Kanhi, khèn bầu, đàn Chapi...
Khu văn hóa và ẩm thực Việt bên bờ sông Hồng
Ở Hà Nội có nhiều không gian ngoài trời tổ chức vui Trung thu cho trẻ nhỏ. Ảnh: Hồng Giang. |
Với các gia đình muốn chơi Trung thu ở một không gian rộng rãi, Làng Văn hóa ẩm thực Nắng sông Hồng rộng 8,5 ha là lựa chọn phù hợp. Khu vui chơi tái hiện không gian kiến trúc của vùng Bắc Bộ. Ở đây có Thủy Đình được sử dụng làm sân khấu múa rối nước với khả năng đón 300 khách xem. Đèn kéo quân chủ đề tranh Đông Hồ cao hơn 2 m cùng hàng trăm đèn lồng Hội An đã được trang trí ở đây.
Sự kiện đón Trung thu được tổ chức từ 21 tới 23/9 được đầu tư hơn nửa tỷ đồng. Các hoạt động gồm trò chơi dân gian, vẽ mặt nạ bồi, làm đèn ông sao... nhận quà tò he từ các nghệ nhân, bóng gập từ những chú hề khéo tay. Các em nhỏ có thể đón trăng cùng chú Cuội, chị Hằng với rất nhiều trò chơi có quà hấp dẫn, xem biểu diễn ảo thuật, múa sư tử và thả đèn hoa đăng.
Tác giả: Yến Anh
Nguồn tin: Báo VnExpress