Người Hàn Quốc tiêu thụ nhiều cà phê nhưng không biết xuất xứ Việt Nam - Ảnh: SHUTTERSTOCK |
Bộ Công thương dẫn số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Hàn Quốc cho biết: Trong 4 tháng đầu năm 2019, Hàn Quốc nhập 53.232 tấn cà phê, trị giá 208 triệu USD, tăng 1,7% về lượng và tăng 1,5% về trị giá so với 4 tháng đầu năm 2018. Giá nhập khẩu bình quân cà phê của Hàn Quốc 4 tháng đầu năm 2019 đạt mức 3,9 USD/kg, giảm 0,2% so với 4 tháng đầu năm 2018.
Việt Nam xuất khẩu nhiều cà phê nhất nhưng giá trị thu về cũng thấp nhất - Ảnh: Bộ Công thương |
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất vào thị trường Hàn Quốc, đạt gần 11.000 tấn. Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân cà phê Việt Nam chỉ đạt mức rất thấp 1,8 USD/kg, Brazil là nước đứng thứ 2 về sản lượng với gần 10.600 tấn với mức giá 2,6 USD/kg; Colombia đứng thứ 3 với trên 9.000 tấn, giá bình quân 3,2 USD/kg.
Thị phần cà phê Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc cũng giảm từ 21,8% của 4 tháng đầu năm ngoái xuống còn 20,3% trong 4 tháng đầu năm nay. Brazil và Colombia là 2 nước có thị phần tăng trưởng trong thời gian qua.
Đáng chú ý, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Hàn Quốc từ Mỹ đạt mức cao nhất tới 11 USD/kg. Xét về lượng, Mỹ chỉ xuất gần 3.000 tấn cà phê vào Mỹ và xếp thứ 4; nhưng nếu so về giá trị Mỹ là nước đang chiếm lĩnh thị trường Hàn Quốc.
Nguyên nhân chính là do Hàn Quốc nhập khẩu chủ yếu cà phê đã qua chế biến từ Mỹ, trong khi nhập khẩu chủ yếu cà phê dạng thô từ các thị trường Việt Nam, Brazil.
Như vậy, trong 4 nước xuất khẩu cà phê lớn nhất vào Hàn Quốc, Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất nhưng giá trị thu về thấp nhất. Để giải bài toán này, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần xây dựng hệ thống mã số vùng trồng cà phê nhằm quản lý ngành hàng và đánh giá mức độ áp dụng thực hành bền vững trong sản xuất cà phê.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường cà phê toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn do giá liên tục giảm và ở mức thấp, để ngành cà phê Việt Nam xuất khẩu ổn định và chinh phục các thị trường khó tính thì đòi hỏi phải có truy xuất nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa phục vụ cho phát triển bền vững theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, an toàn thực phẩm.
Tác giả: Chí Nhân
Nguồn tin: Báo Thanh niên