Buôn Đôn cách trung tâm thành phố Buôn Mê Thuật hơn 40 km, đường ô tô đi lại rất thuận tiện. Cũng như tôi, tới đây bạn sẽ thỏa chí khám phá, chèo thuyền độc mộc hái sen trên Hồ Lăk, tận mắt cưỡi voi chụp ảnh tự sướng, mục sở thị những sợi lông voi may mắn, ngắm dòng Serepok hùng vĩ chảy qua những cầu tre lắt lẻo và biết rượu Amakong hấp dẫn thế nào…
Cưỡi voi thăm thú bản ở Buôn Đôn
Buôn Ðôn, nơi chung sống của cộng đồng các sắc tộc Ê Ðê, M’nông, Gia rai, Lào, Thái. Buôn Ðôn là tên gọi theo tiếng Lào, nghĩa là làng Ðảo, vì nó được lập bên cạnh con sông Serepok có nhiều đảo nhỏ nổi giữa dòng nước ngày đêm cuồn cuộn chảy. Một bên sông là cuộc sống cộng đồng buôn làng êm ả, một bên là rừng đại ngàn Yok Ðôn đầy bí ẩn, kỳ thú với truyền thuyết hào hùng của các cuộc săn voi từ ngàn xưa.
Buôn Ðôn có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác cả hai loại hình du lịch, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Nơi đây còn có Vườn quốc gia Yok Ðôn rộng hơn 100 ngàn ha là bảo tàng phong phú về động thực vật tự nhiên. Đến ĐăkLăk mà chưa đến Buôn Đôn thì coi như chưa lên ĐăkLăk, điều đó nói rằng khu du lịch Buôn Đôn có một vị trí rất quan trọng trong các danh lam, thắng cảnh của tỉnh ĐăkLăk.
Cháu gái Amakong bán rượu amakong ngay tại nhà của Vua Amakong
Từ Trung tâm huyện Buôn Đôn đi vào khoảng 15km, bạn sẽ gặp những cảnh đẹp tuyệt vời của Làng Đảo. Đó là những chiếc cầu treo lắt lẻo cùng thác bảy nhánh và những ngôi nhà dài hàng trăm mét của đồng bào Tây Nguyên. Thú vị nhất ở đây là được cưỡi voi tham quan cuộc sống buôn làng, hay cưỡi voi vượt sông Serrepok. Bên cạnh cảm giác thú vị ngồi lắc lư trên lưng voi, bạn còn được thưởng thức một cảm giác mạnh khác là trên trên những cầu tre lắc lư, liêu siêu trên những cây cầu treo bắc ngang lưng chừng những rặng si già vượt qua dòng sông Serepok…
Thú vui cưỡi voi vượt sông Serrepok
Nếu đam mê khám phá lịch sử, bạn còn được sẽ tham quan nhà trưng bày các vật dụng sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số và các dụng cụ săn bắt voi; được nghe thuyết trình về lịch sử hình thành Buôn Đôn, các phong tục tập quán và nghệ thuật săn bắt và thuần dưỡng voi rừng rất nổi tiếng. Tiếp đó là tham quan nhà sàn cổ được xây dựng theo kiến trúc Lào đã tồn tại trên 120 năm qua hiện nay vẫn còn người sinh sống; được tham quan mộ Vua săn voi “KhunJuNốp”, giao lưu văn hóa cồng chiêng với người dân tộc bản địa và thưởng thức các đặc sản ẩm thực Tây Nguyên như rượu cần, cơm lam, gà nướng, canh chua cá sông...
Không gian thiên nhiên núi rừng hùng vĩ rất đáng để bạn phải thử, rất nhiều cảnh đẹp để tự sướng cùng sông nước, cầu tre vắt vẻo thật đẹp và giản dị. Cưỡi voi là thú vui không thể bỏ qua khi đến đây, từ trên lưng voi, khung cảnh yên bình, thơ mộng sẽ được thu vào tầm mắt, tuy nhiên bạn cũng phải chấp nhận mùi hôi rình của chúng…
Chúng tôi đã cùng nhau chụp ảnh dưới bóng cây Kơ nia, chèo thuyền độc mộc ra giữa Hồ Lắk ngắm sen, uống café trong Dinh Bảo Đại, cùng cười vang, chui qua những cầu tre lắt lẻo, cưỡi voi qua dòng Serepok, nghe các cô gái Tây Nguyên kể lại truyền thuyết ngàn đời nơi đây với những nhân chứng lịch sử như cháu gái của Vua Amakong giờ đang bán rượu Amakong trong chính ngôi nhà của Vua Amakong để lại, chỉ một ngày khám phá Buôn Đôn nhưng ấn tượng để lại rất khó có thể quên. Hãy đến với Buôn Đôn để thưởng thức trọn vẹn những gì mà thiên nhiên và ông cha ban tặng.
Chuyện tình bên Hồ Lắk
Theo truyền thuyết của người M’Nông, thuở xa xưa, thần lửa đã chiến thắng thần nước sau một cuộc chiến quyết liệt kéo dài nhiều mùa rẫy, khiến buôn làng của người M’Nông chìm trong đại hạn. Khi đó, có một chàng trai được sinh ra giữa cuộc tình của cô gái người M’Nông với thần lửa đã đi tìm nguồn nước để cứu dân làng nhằm chuộc lại lỗi lầm của cha chàng.
Thú vui chèo thuyền độc mộc và ngắm sen bên Hồ Lăk
Sau nhiều ngày đêm vượt qua núi non hiểm trở đầy thú dữ, một lần ngồi nghỉ chàng chợt nhìn thấy chú lươn nhỏ nằm kẹt trong khe đá đang chờ chết khô. Để trả ơn, lươn đã dẫn chàng trai đến một hồ nước mênh mông và người M’Nông đã đến định cư tại đây. Hồ nước và vùng đất đó chính là Hồ Lak ngày nay.
Hồ Lắk là một hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đăk Lăk và lớn thứ hai Việt Nam sau Hồ Ba Bể. Hồ Lắk nằm trên tuyến đường giao thông giữa thành phố Buôn Ma Thuột và Ðà Lạt, thuộc thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 56km về phía nam theo quốc lộ 27. Hồ Lắk rộng chừng 5km, thông với sông Krong Ana và khởi nguồn từ dãy Chư Yang Sin hùng vĩ tạo nên cảnh quan vô cùng độc đáo, huyền diệu. Hồ Lắk là một thắng cảnh đẹp của vùng Tây Nguyên. Hồ vừa là nơi cung cấp nhiều cá, vừa là hồ chứa nước ngọt khổng lồ cung cấp nước cho hàng trăm héc ta ruộng nương, đồng thời còn làm cho khí hậu ở đây thêm phần mát hơn.
Chèo thuyền độc mộc trên hồ Lắk
Hồ Lắk nằm cao hơn mặt nước biển khoảng 500m, vào mùa khô hồ có diện tích khoảng 500ha, đến mùa mưa mặt nước hồ mở ra khoảng 700-900ha. Du lịch hồ Lắk, nếu thích cảm giác mạnh, du khách không thể bỏ qua thú vui ngất nghểu trên lưng voi khổng lồ lội qua hồ hay thong thả, lúc lắc dạo qua buôn khám phá những nét văn hóa, đời sống sinh hoạt thường nhật của đồng bào dân tộc M’Nông sống ven hồ…Nếu muốn thư thái, yên bình, tận hưởng sâu, bạn có thể chọn thuyền độc mộc để khám phá Hồ Lawsk, câu cá thưởng ngoạn hoa sen hoa súng, ngắm chính mính trên mặt nước treo veo… Sen ở Hồ Lắk rất đẹp, che kín một dải dài trên mặt nước làm cho cảnh hồ càng thêm thơ mộng.
Tôi sẽ chẳng bao giờ quên chuyến tham quan, dạo chơi hồ Lắk bằng thuyền độc mộc đầy kỳ thú. 5 người chúng tôi ngồi trên hai thuyền độc mộc dạo chơi trên hồ, đã thấy những chú cá bơi lượn dưới hồ, đã nghe tiếng nước khua róc rách hai bên mạn thuyền giữa không gian trong lành, tĩnh mịch, cảm giác trút bỏ hết ưu tư, phiền muộn của cuộc sống đời thường nhiều tạp sạn…
Hồ Lắk không chỉ mang lại nguồn nước tưới tiêu dồi dào cho nhân dân quanh vùng mà còn đem lại nguồn lợi thủy sản lớn cho người dân trong vùng. Cá ở hồ Lắk có rất nhiều loại chế biến thành nhiều món đặc sản nhưng món đặc sản được chế biến từ cá thác lác là ngon nhất. Thiên nhiên dường như ban tặng cho hồ Lắk nguồn cá thác lác dường như vô tận. Nhiều người dân quanh vùng giải thích, sở dĩ cá thác lác ở hồ Lắk nhiều, to và thơm ngon hơn các vùng khác là do nguồn nước và nguồn thức ăn dồi dào là xác thực vật mục được đổ về từ thượng nguồn sông Krông Ana bắt nguồn từ ngọn núi Chư Yang Sin hùng vĩ.
Cá thác lác hồ Lắk có thể chế biến được nhiều món khác nhau, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là món chả cá thác lác. Đặc trưng nhất của chả cá thác lác là đem vo viên sau đó chiên giòn, ăn với một ít lá thì là, rau húng; cũng có thể đem vo viên bỏ nồi lẩu, hoặc đơn giản hơn là dùng để nấu canh rau tập tàng, đều rất tuyệt. Hồ Lắk đã trở thành điểm đến không thể thiếu trong các tour du lịch Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
Biệt điện Bảo Đại nhìn ra hồ Lắk
Khu vực Hồ Lắk còn có khu Biệt điện Bảo Đại, qua đèo Lạc Thiện khoảng 10km, đến thị trấn Liên Sơn, rẽ tay phải vài trăm mét đã thấy ngôi nhà nghỉ mát của cựu hoàng đế Bảo Ðại ngày xưa. Ðây là nơi ông thường đến ngắm cảnh, săn bắn, nghỉ ngơi mỗi khi có dịp lên thành phố Buôn Ma Thuột. Ngôi nhà nằm trên đỉnh đồi cao nhìn ra mặt nước của hồ Lắk.
Uống coffee sân biệt thự Bảo Đại
Từ Biệt điện Bảo Đại, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh hồ Lắk mênh mông nước. Xa xa dưới tán những khu rừng nguyên sinh là các buôn làng của nhiều dân ở Tây Nguyên. Biệt Ðiện Bảo Ðại nằm trong khuôn viên thoáng rộng và rợp bóng cổ thụ, ngôi nhà được xây dựng lại theo lối kiến trúc Tây Nguyên kết hợp hiện đại. Mái ngói, sàn gỗ, phía dưới là tầng hầm bê tông. Khung cảnh yên ả , với cây xanh và hương hoa, những cây cổ thụ vươn cánh tay khổng lồ làm bóng mát. Cảnh thiên nhiên vẫn mang bóng dáng của ngàn xưa đã góp phần làm cho Biệt Ðiện mang đậm nét lịch sử của mảnh đất cao nguyên đầy huyền thoại.
Nằm giữa vòng ôm của núi đồi, rừng Tây Nguyên xanh, hồ Lăk như một sơn nữ ngái ngủ đẹp một cách hoang dã. Nơi ấy đã không lọt qua tầm ngắm của Bảo Đại, để ông cùng Hoàng hậu Nam Phương xây dựng khu ăn chơi cho mình…
Thưởng ngoạn coffee và ngắm sen Hồ Lăk
Khu biệt điện này là một tòa nhà ba tầng tương đối đồ sộ, được xây theo lối kiến trúc hiện đại vào năm 1951 để làm nơi dừng chân khi Quốc trưởng Bảo Đại và gia đình lên Buôn Ma Thuột nghỉ mát và săn bắn. Khu biệt điện xa hoa này do đích thân Hoàng Hậu Nam Phương chịu trách nhiệm đứng ra cho thi công và trả tiền cho công trình kiến trúc nằm giữa vùng hẻo lánh, địa hình hiểm trở này.
Các căn phòng ở biệt điện đều có cửa sổ rộng với góc nhìn tuyệt đẹp về 4 phía. Khu biệt điện này nay nằm ở địa phận thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk, trên một quả đồi đặc biệt nằm soi bóng xuống mặt hồ Lăk huyền thoại. Trên đỉnh ngọn đồi ven hồ và bao phủ bởi một vườn sứ trắng cổ thụ ngát thơm hàng trăm năm tuổi. Bao quanh hồ là những rừng thông vi vút, những cánh rừng nguyên sinh với hệ thực vật phong phú và đa dạng. Nơi đây còn có những loài hoa phong lan đẹp và quý hiếm.
Trước tòa biệt thự chen giữa vườn cây ven đồi có vết tích của một phòng tắm lộ thiên. Người dân địa phương truyền tụng đó là nơi tắm của bà thứ phi. Từ đỉnh đồi này có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn đỉnh núi Cư Yang Sin mây phủ
Biệt điện hồ Lăk từng rơi vào tình trạng hoang phế trong suốt nhiều thập niên. Phải đến đầu những năm 2000 công trình này mới được trùng tu và đưa vào phục vụ du lịch. Ngày nay, biệt điện là một tổ hợp nhà hàng – khách sạn sang trọng, nơi mà âm hưởng của một cuộc sống đế vương vẫn còn hiện hữu sau hơn nửa thế kỷ.
Tác giả bài viết: Hồ Thu Thủy