Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) ngày 26-7, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết tình hình tội phạm tín dụng đen diễn biến rất phức tạp.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, các doanh nghiệp, kể cả hoạt động tội phạm cũng rất muốn có tín dụng đen để hoạt động. "Nhiều hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại sử dụng tín dụng đen, bởi tiền vay nóng là có ngay, còn vay ngân hàng khó khăn hơn. Do đó, tội phạm tín dụng đen đang rất lộng hành"- Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết tội phạm tín dụng đen đang diễn biến rất phức tạp |
Người đứng đầu ngành công an tỏ ra lo ngại bởi tín dụng đen đi liền sau đó là tội phạm hình sự. Hầu hết các cơ sở cho vay tín dụng đen đều cho thế chấp nhà cửa, đất đai, ruộng vườn. Nếu 1-2 tháng không trả được là sẽ dở giấy cam kết ra, nhiều người dân bức xúc về tình trạng này.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết tình trạng này nhức nhối ở khu vực nông thôn, cho vay nặng lãi đang hoành hành. Từ tình trang này nảy sinh ra các tệ nạn cướp của, giết người.
Bộ trưởng Bộ Công an dẫn báo cáo của tỉnh Gia Lai cho biết trong 6 tháng đầu năm tại địa phương này đã xuất hiện 500 đầu mối cho vay tiền với lãi suất cao. Nhiều trường hợp rơi vào cảnh nợ nần, không có khả năng chi trả.
Đối với hoạt động đánh bạc, cá độ qua mạng, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết báo cáo sơ bộ trong mùa World Cup 2018 vừa qua, có 49/63 địa phương đã ngăn chặn, triệt phá các vụ việc cá độ bóng đá.
"Rất nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào việc cá độ bóng đá mùa World Cup với số tiền hàng ngàn tỉ đồng. Công an đã triệt phá 403 vụ, bắt giữ nhiều đối tượng, thu nhiều tỉ đồng mặt, còn tiền trên mạng chưa thể thu hồi được"- Tư lệnh ngành công an nói.
Các đối tượng trong đường dây cá độ bóng đá mùa World Cup bị công an tỉnh Đắk Lắk triệt phá |
Tại hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết thêm, tội phạm sử dụng công nghệ cao xảy ra nhiều với các thủ đoạn.
Cụ thể, tình trạng làm quen qua mạng, tạo lòng tin rồi lừa đảo. Hay tình trạng sử dụng cuộc gọi trên Internet giả danh các cơ quan pháp luật gọi điện đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của chúng để chiếm đoạt.
Đáng báo động là tình trạng lắp đặt thiết bị tại các máy ATM để trộm cắp thông tin, làm thẻ giả để rút tiền gây thiệt hại nghiêm trọng. Các đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng Internet diễn ra công khai, dưới nhiều hình thức.
Triệt phá hơn 1.000 băng nhóm tội phạm Báo cáo của Bộ Công an – Cơ quan Thường trực của BCĐ 138/CP cho biết: Kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm đã xác lập hơn 2.000 chuyên án, khám phá và kết thúc 900 chuyên án; quần chúng nhân dân cung cấp trên 58.000 tin có giá trị phục vụ công tác phòng, chống tội phạm. Khám phá hơn 2.500 vụ phạm pháp hình sự, triệt phá trên 1.000 băng nhóm tội phạm. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã bắt, vận động đầu thú và thanh loại hơn 2.600 đối tượng truy nã; phát hiện gần 9.000 vụ phạm tội về kinh tế, hơn 200 vụ phạm tội tham nhũng và chức vụ; trên 1.100 vụ buôn lậu; phát hiện hơn 12.800 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, xử phạt hành chính gần 9.000 vụ; phát hiện và bắt giữ gần 12.000 vụ, hơn 18.000 đối tượng phạm tội về ma tuý. Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hành quyền công tố, kiểm tra điều tra trên 51.000 vụ với hơn 74.000 bị cáo. Toà án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm gần 32.000 vụ với trên 55.000 bị cáo, đã giải quyết, xét xử gần 26.000 vụ với hơn 43.000 bị cáo.
|
Tác giả: Minh Chiến
Nguồn tin: Báo Người lao động