Trong nước

Bộ GTVT "tuýt còi" việc ồ ạt xây nhà, trồng cây chờ đền bù

Hiện trên tuyến cao tốc Bắc Nam đang trong quá trình chuẩn bị dự án nhưng đã xuất hiện tình trạng người dân xây dựng, cơi nới công trình, trồng cây trái phép.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025

Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nêu rõ: Hiện nay tuyến cao tốc đang trong quá trình chuẩn bị dự án nhưng đã xuất hiện tình trạng người dân xây dựng, cơi nới công trình, trồng cây trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích thuộc phạm vi dự án cao tốc để trục lợi, gây phức tạp cho công tác giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Dự án.

Do vậy, Bộ GTVT đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn; tuyên truyền vận động người dân ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc và chấp hành nghiêm các quy định về xây dựng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các Ban quản lý dự án bàn giao hồ sơ khảo sát và hình ảnh hiện trạng tại thời điểm khảo sát để các địa phương làm căn cứ quản lý, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Tình trạng người dân xây dựng nhà cửa, làm trang trại, tường rào, trồng cây để đón đầu dự án, chờ đền bù xảy ra phổ biến ở các huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị; Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.


Bên cạnh đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, để bảo đảm hoàn thành Dự án theo đúng các mốc tiến độ đề ra, tuân thủ các quy định, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ khác.

Cụ thể, có văn bản thỏa thuận với Bộ GTVT về hướng tuyến, các công trình trên tuyến thuộc dự án trên nguyên tắc đã được nêu tại văn bản hướng dẫn của Bộ GTVT.

Sớm thành lập Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng hoặc đơn vị đầu mối triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.

Chỉ định đơn vị tư vấn (khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư,...) để triển khai thực hiện ngay sau khi Bộ GTVT bàn giao hồ sơ thiết kế, cắm cọc giải phóng mặt bằng.

Tập trung hoàn thành thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước 31/3/2022; tổng hợp nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/3/2022.

Bộ GTVT cũng cho biết trên tinh thần chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (Dự án) đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ khẩn trương triển khai các công việc chuẩn bị đầu tư để phê duyệt Dự án trước 30/6/2022 và khởi công trong năm 2022.

Từ ngày 13-15/3/2022, Bộ GTVT đã phối hợp với các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 của các dự án thành phần với tổng chiều dài 133,8 km.

Bộ GTVT sẽ tiếp tục bàn giao cho địa phương các đoạn còn lại trước ngày 30/6/2022. Theo kế hoạch, dự kiến đến ngày khởi công Dự án, các địa phương sẽ bàn giao khoảng 70% diện tích mặt bằng.

"Để đạt được các mục tiêu nêu trên, các địa phương cần phải triển khai rất nhiều công việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cần có sự quyết liệt trong chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp của các sở, ban ngành và chính quyền địa phương cũng như sự đồng thuận của nhân dân", Bộ GTVT nhấn mạnh.

Thông tin từ Cục Quản lý xây dựng & Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), đến này việc triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản đang bám sát theo kế hoạch.

Hiện nay đã có 9/12 tỉnh đã có văn bản thỏa thuận hướng tuyến và công trình trên tuyến; 3 tỉnh Bình Định, Hậu Giang, Kiên Giang; Quân khu 4, Quân khu 5 đang xin ý kiến Bộ Quốc phòng để có văn bản trả lời về hướng tuyến đi qua các khu vực đất và công trình quốc phòng.

Ngoài ra các Ban quản lý dự án cùng tư vấn lâm nghiệp đã làm việc với Sở Nông nghiệp &Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên & Môi trường, Chi cục Kiểm lâm của 7/7 tỉnh có rừng và 12/12 tỉnh có đất lúa để cung cấp hướng tuyến, ranh giải phóng mặt bằng.

Dự kiến sẽ hoàn thành hồ sơ chuyển mục đích cử dụng rừng và trình thẩm định trước ngày 20/3/2022. Các công tác khảo sát địa hình, địa chất và thủy văn đươc yêu cầu hoàn thành trước 31/3/2022.

Công tác thống kê diện tích đất rừng và đất trồng lúa nước 2 vụ cho dự án dự kiến hoàn thành 18/3/2022 đồng thời hoàn thành báo cáo gửi Bộ Tài nguyên & Môi trường thẩm định trước 31/3/2022.

Đến nay các Ban quản lý dự án đã trình hồ sơ thiết kế cơ bản khoảng 174,8 km/12 dự án. Tới ngày 15/3/2022, Bộ GTVT đã chấp thuận kết quả thẩm định và bàn giao cho địa phương được 133,8 km/12 dự án. Còn lại 41km trình nhưng chưa đủ điều kiện để chấp thuận về số liệu địa hình, địa chất, thủy văn, thỏa thuận công trình,...Đối với các đoạn còn lại, các Ban quản lý dự án kiểm soát chặt chẽ tiến độ để bàn giao theo các mốc tiến độ Đợt 2 (trước 30/4/2022) và Đợt 3 (trước 30/6/2022).

Tác giả: Lê Mạnh Quốc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP