Trước thực tế nhiều trường đại học (ĐH) tuyển sinh các ngành kỹ thuật bằng tổ hợp xét tuyển khối C hay ngành văn học tuyển sinh khối A, ngày 23-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chính thức lên tiếng.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho biết theo quy định hiện hành, các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Các trường được sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất 1 trong 2 bài thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành.
Như vậy, các trường được đảm bảo quyền tự chủ nhưng phải có trách nhiệm giải trình về việc các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển có gắn với yêu cầu của ngành đào tạo hay không và quy trình xác định tổ hợp tuyển sinh như thế nào. Bà Phụng khẳng định, thông thường ít nhất phải có 1 hoặc 2 môn thi trong tổ hợp được coi như là môn kiến thức nền tảng, môn tiên quyết để có thể vào học chương trình đào tạo.
Nhận định về việc các trường xác định những tổ hợp môn thi không liên quan, bà Phụng cho rằng như vậy thì trường sẽ bị bất lợi nhiều hơn, mất nhiều hơn được. Lý do là dư luận xã hội nghi ngờ chính sách chất lượng của trường và khối trường đang đào tạo cùng ngành sẽ đánh giá thấp những trường như thế. Thêm vào đó, thí sinh tốt sẽ không chọn trường này, dẫn đến trường chỉ chọn được những thí sinh kém, không có tinh thần thực học, thực nghiệp, học chỉ để kiếm bằng... Nhiều thí sinh bỏ học giữa chương trình thường rơi vào những trường hợp này, chấp nhận mất học phí, thời gian, công sức...
"Quan trọng hơn là chất lượng đào tạo và uy tín của nhà trường sẽ bị giảm sút khi thấy trường tuyển sinh bằng cách "vơ bèo vạt tép", người sử dụng lao động sẽ nghi ngờ chất lượng đào tạo của trường, không muốn nhận sinh viên của trường. Và như vậy, trường lại tiếp tục không thu hút được sinh viên giỏi, giảng viên giỏi... Nếu điều đó cứ tiếp diễn thì đó sẽ là quá trình "tự sát" vì trong điều kiện thông tin minh bạch như hiện nay, khó có thể "vàng thau lẫn lộn""- bà Phụng khẳng định.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết đơn vị này sẽ theo dõi sát tình hình. "Nếu thấy những tổ hợp quá bất thường, chúng tôi sẽ trao đổi, yêu cầu nhà trường giải trình những nội dung trên. Nếu không có căn cứ thuyết phục, chúng tôi có thể lựa chọn những trường có dấu hiệu tiêu cực này để kiểm tra, thanh tra về các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện các quy định về tuyển sinh, đào tạo, việc đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp... Những trường chất lượng thấp sẽ bị cảnh báo; nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí đến dừng tuyển sinh và công khai cho xã hội biết để phòng ngừa chung"- bà Phụng cho hay.
Trước đó, nhiều trường ĐH đã công bố phương án tuyển sinh và tổ hợp xét tuyển khiến dư luận ngạc nhiên và bức xúc. Tại Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, các ngành khối kinh tế đòi hỏi có kiến thức sâu về toán, xác suất thống kê như kế toán, tài chính ngân hàng… thì trường lại xét tuyển bằng tổ hợp văn - sử - địa. Các ngành khối kỹ thuật như ô tô, kỹ thuật xây dựng, chế tạo máy, công nghệ thông tin - vốn đòi hỏi kiến thức cơ bản liên quan nhiều đến các thuật toán, giải tích… cũng đều tuyển sinh bằng khối C.
Tại Trường ĐH Bình Dương (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), thay vì tuyển sinh ngành Văn học bằng các tổ hợp khối C như thường thấy, trường này lại xét tuyển bằng cả tổ hợp toán, lý, hóa. Còn cách ngành đòi hỏi thí sinh phải giỏi toán - như ngành kế toán, tài chính - ngân hàng - thì lại xét tuyển bằng tổ hợp văn - sử - địa.
Tác giả: Y.Anh
Nguồn tin: Báo Người lao động