Giáo dục

Bộ GD-ĐT: "Đề không khó, chỉ một số câu khó"

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định kỳ thi THPT quốc gia đã diễn ra an toàn, đúng quy chế. Cả nước có 77 thí sinh bị xử lý kỷ luật, không có cán bộ coi thi nào vi phạm quy chế

Ngay sau khi kết kỳ thi THPT quốc gia 2018, chiều 26-6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức họp báo tổng kết kỳ thi dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ.

Sẽ có đáp án mở

Liên quan đến vấn đề được xã hội hết sức quan tâm là đề thi bị cho là quá dài, quá khó, quá sức thí sinh (TS), ông Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho rằng hội đồng ra đề tuân thủ đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia. Độ khó của đề thi phải căn cứ nội dung mà nội dung thi năm nay đều năm trong chương trình lớp 12, và 11 (lớp 12 chiếm 80%-85%), không vượt quá chương trình các em đã học.

Cũng theo ông Hồng, một số ý kiến cho rằng bộ thay đổi trong ra đề thi là không chính xác, vẫn có 60% cơ bản, 40% nâng cao. Phần nâng cao vẫn nằm trong chương trình học. Phó cục trưởng cục Quản lý chất lượng khẳng định đề thi chia làm 4 cấp độ từ dễ đến khó. Ở đề trắc nghiệm, nhóm câu hỏi dễ nằm ở trên, khó ở dưới, giúp TS lần lượt làm từ dễ đến khó."Năm 2018, để tăng độ phân loại thí sinh, đề thi phải có một số câu hỏi được tăng độ khó lên. Không phải đề thi khó, chỉ là một số câu khó" - ông Hồng khẳng định. Cũng theo cục phó này, nếu so sánh với năm 2017, độ khó tăng lên là hiển nhiên vì nội dung kiến thức được mở rộng cả phần kiến thức lớp 11.

Nói thêm về đề thi ngữ văn, ông Hồng cho rằng đề tự luận cũng có các câu hỏi được chia ra làm 4 cấp độ, từ nhận biết đến vận dụng cao. Năm nay, bộ ra đề ngữ văn mở và sẽ có đáp án mở. Liên quan tranh luận câu chữ ở đề ngữ văn (khái niệm thành phần tự nhiên và yếu tố tự nhiên), tổ ra đề khẳng định dùng khái niệm thành phần tự nhiên hoàn toàn chính xác.

Nhiều thí sinh áp lực trước đề thi quá dài và khó. Ảnh: Kim Anh

Sớm đánh giá lại kỳ thi

Trước băn khoăn của các phóng viên về việc đề thi môn vật lý, hoá học lọt ra ngoài khi thời gian làm bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên chưa kết thúc, ông Mai Văn Trinh cho hay Bộ GD-ĐT đã phối hợp chặt chẽ với công an nhưng chưa phát hiện được trường hợp cụ thể. Ông Trinh cho rằng nếu đề thi ra ngoài trước khi thí sinh làm bài là lộ đề. Thực tế, đề được đưa lên mạng khi giờ làm bài thi môn đó đã kết thúc, nên không phải lộ đề, không ảnh hưởng kết quả kỳ thi.

Trả lời câu hỏi liệu phương thức thi trắc nghiệm có phù hợp với kỳ thi có mục đích tuyển sinh ĐH, và có ảnh hưởng tới tư duy toán học với học sinh vì hiện nay đã có một số trường ĐH ở Mỹ không áp dụng bài thi tiêu chuẩn SAT để tuyển sinh theo cách "đồng loạt", liệu đề thi có độ khó như năm nay có phù hợp hai mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, ông Mai Văn Trinh cho biết hiện Bộ GD-ĐT đang làm tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, trong đó kỳ thi THPT quốc gia. Việc đánh giá về kỳ thi cũng là một nội dung và bộ sẽ sớm đưa ra trong thời gian tới. Ông Trinh cũng khẳng định đến thời điểm này kỳ thi hai mục đích vẫn còn phù hợp. Sau khi có sơ kết và chương trình sách giáo khoa mới, bộ sẽ có phương án thi phù hợp.

Đánh giá sau khi kỳ thi kết thúc, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tiếp tục đạt được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng.

Tác giả: YẾN ANH

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: Bộ GD-ĐT , thi THPT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP