Trong nước

Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ với 7 chính sách cụ thể

Cổng thông tin điện tử Chính phủ đang lấy ý kiến góp ý vào Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, do Bộ Công an đề xuất.

Trách nhiệm quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ chưa phù hợp

Theo Bộ Công an, với nhiệm vụ được giao, hàng năm Bộ Công an đều có báo cáo tổng kết về công tác quản lý, điều hành của Bộ, trong đó có kết quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và thấy rằng các văn bản hiện hành liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ còn những vấn đề bất cập nhất định.

Dựa trên kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và tham khảo kinh nghiệm của quốc tế về các chính sách quản lý trật tự, an toàn giao thông, Bộ Công an nghiên cứu và xác định 7 chính sách cơ bản được đánh giá, bao gồm: Quy định cụ thể về hệ thống báo hiệu đường bộ, tốc độ và khoảng cách giữa các xe; Quy định về đi đường bộ; Thống nhất việc quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; Quy định cụ thể về tổ chức, chỉ huy, điều khiển và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; Quy định về giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; Quy định về giám sát việc thi hành pháp luật và trách nhiệm pháp lý; Vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông.

Đáng quan tâm, theo Bộ Công an, việc phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa phù hợp.

Cụ thể, ở hầu hết các nước trên thế giới lực lượng Cảnh sát đều đảm nhiệm việc đăng ký, quản lý phương tiện giao thông, kiểm tra kỹ thuật an toàn giao thông của phương tiện giao thông, tổ chức giao thông, cưỡng chế thi hành Luật Giao thông, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, tuyên truyền, hướng dẫn Luật Giao thông.

Còn ở nước ta, theo Luật Giao thông đường bộ hiện hành thì Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ; Bộ Công an thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phối hợp với Bộ GTVT bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Bộ Công an, Bộ GTVT có trách nhiệm phối hợp trong việc cung cấp số liệu đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, dữ liệu về tai nạn giao thông và cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe; Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ GTVT thực hiện quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ; UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan trong phạm vi địa phương…

“Do việc phân công nhiệm vụ chồng chéo như trên nên trách nhiệm về trật tự, an toàn giao thông được cho là trách nhiệm chung, không có ngành nào chịu trách nhiệm chính. Xuất hiện tình trạng đùn đẩy, né tránh, cục bộ ngành”, Báo cáo nêu rõ.

Vì vậy, Bộ Công an đề xuất quy định trách nhiệm cụ thể cho một Bộ, ngành thực hiện để đảm bảo chuyên sâu, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, lợi ích cục bộ, đùn đẩy trách nhiệm.

Theo Bộ Công an, phương tiện giao thông đường bộ tăng nhanh, bình quân từ 10% đến 15%/năm. Ảnh: P.Thảo

Bổ sung, quy định cụ thể về 7 chính sách lớn trong luật

Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ hiện hành cũng chưa quy định về giám sát việc thi hành pháp luật và trách nhiệm pháp lý trong thực thi Luật Giao thông đường bộ; chưa quy định cụ thể về công tác giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; chưa quy định cụ thể về tổ chức, chỉ huy, điều khiển và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ.

Qua đánh giá tác động, Bộ Công an cho rằng, cần bổ sung quy định cụ thể về công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính đường bộ; quy định giám sát việc thi hành pháp luật qua trung tâm thông tin chỉ huy giao thông đường bộ; trách nhiệm pháp lý của người tham gia giao thông, của chủ phương tiện, của cơ quan tổ chức có liên quan và của người, cơ quan thi hành công vụ về bảo đảm trật tự, an toàn gia thông đường bộ để tạo hành lang pháp lý cho lực lượng thực thi công vụ thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể về công tác giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; về tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc...

Ở Việt Nam hiện nay, hoạt động giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ trên 90% các loại hình tham gia giao thông và loại hình vận tải. Phương tiện giao thông đường bộ tăng nhanh, bình quân từ 10% đến 15%/năm và thực trạng tham gia giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay là giao thông hỗn hợp với rất nhiều các loại phương tiện giao thông cơ giới, thô sơ, xe 3 bánh, 4 bánh, xe tự chế…, có từ nhiều nguồn khác nhau.

Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng chưa có các quy định để quản lý, kiểm soát sự gia tăng của phương tiện, nhất là yêu cầu kiểm soát bảo đảm sự phù hợp, tương xứng với tốc độ phát triển về cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ. Từ đó đã dẫn đến hệ quả là mất trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ và ùn tắc giao thông đã diễn ra nghiêm trọng tại các đô thị lớn…

Để khắc phục những bất cập trên, Bộ Công an cho rằng, việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết. Qua đó, sẽ tạo hành lang pháp lý thống nhất hoạt động quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, công khai, minh bạch trong xử lý vi phạm giao thông đường bộ, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phòng, chống tham nhũng trong quản lý trật tự, an toàn giao thông…

Báo cáo của Bộ Công an cho biết, từ năm 2009 đến tháng 5-2019 đã lập biên bản xử lý 53.561.721 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc Nhà nước 23.939 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 3.444.919 trường hợp, tạm giữ 15.286.388 phương tiện. Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện, bắt và giao cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền 5.228 đối tượng phạm pháp hình sự; thu nhiều tang vật gồm 14,6 kg, 367 bánh hê rô in, 473.189 viên ma túy tổng hợp; 3.290 kg thuốc nổ, 7.250 kg pháo, 127 súng quân dụng, 1128 vũ khí thô sơ (dao, kiếm, mã tấu); 280 xe ô tô, 700 xe mô tô.

Từ năm 2009 đến nay số phương tiện giao thông tăng nhanh chủ yếu là phương tiện cá nhân, trung bình mỗi năm sự gia tăng số lượng phương tiện giao thông khoảng 10% đến 15%, tăng nhanh tại các TP lớn như: TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Tính đến 15-5-2019 số phương tiện đã được đăng ký, quản lý toàn quốc được nâng lên 4.155.276 ô tô, 60.137.950 mô tô.

Từ năm 2009 đến tháng 5 - 2019 toàn quốc đã xảy ra 326.299 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 97.721 người, bị thương 329.756 người. Riêng năm 2018 tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 18.490 vụ, làm chết 8.079 người, bị thương 14.732 người. Trung bình mỗi năm tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người, trong đó đa số là lực lượng đang trong độ tuổi lao động, gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội.

Tác giả: Phương Thảo

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP