Trong nước

Bật đèn xe cả ban ngày: ‘Chính sách mới thường bị phản ứng’

Đề xuất của Bộ GTVT về việc xe máy phải bật đèn suốt cả ngày là phù hợp với Công ước quốc tế.

LTS: Những ngày qua, Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều ý kiến trao đổi của bạn đọc xung quanh đề xuất của Bộ GTVT về việc xe máy phải bật đèn cả ban ngày. Đại diện Bộ GTVT cho rằng các quy định vừa nêu được tham khảo từ Công ước quốc tế Viên 1968 (gọi tắt là Công ước) về giao thông đường bộ (GTĐB).

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Bành Quốc Tuấn, chuyên gia về luật quốc tế; Phó Trưởng Khoa luật, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, về những vấn đề pháp lý xung quanh đề xuất của Bộ GTVT.

Phù hợp với pháp luật quốc tế

. Phóng viên: Thưa ông, Công ước Viên 1968 về GTĐB mà Việt Nam là thành viên quy định như thế nào về việc bật đèn xe máy?

+ PGS-TS Bành Quốc Tuấn: Tại khoản 6 Điều 32 “Quy tắc sử dụng đèn” của Công ước quy định: “Vào ban ngày, xe gắn máy lưu thông trên đường phải bật ít nhất một đèn vượt phía trước và một đèn đỏ ở sau. Pháp luật nội địa có quyền cho phép sử dụng đèn chạy ban ngày thay cho đèn vượt”. Như vậy, Công ước Viên 1968 có quy định về việc xe máy khi tham gia giao thông phải bật đèn, kể cả lưu thông ban ngày.

. Có phải nước nào tham gia Công ước cũng phải làm theo tất cả quy định trong đó? Quy định vừa nêu có bắt buộc Việt Nam phải tuân theo?

+ Đến thời điểm hiện tại, có khoảng 78 quốc gia là thành viên Công ước Viên; Việt Nam là thành viên từ ngày 20-8-2014. Về nguyên tắc, quốc gia thành viên của một điều ước quốc tế có nghĩa vụ phải tôn trọng những quy định của điều ước đó.

Tuy nhiên, để áp dụng quy định của điều ước vào thực tiễn nước mình, quốc gia thành viên có thể chọn một trong hai cách: Áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế nếu quy định của điều ước quốc tế đã chi tiết hoặc ban hành văn bản pháp luật quốc gia để thi hành điều ước quốc tế đó trong trường hợp còn lại. Điều này cũng đã được quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Điều ước quốc tế 2016 do Quốc hội Việt Nam ban hành.

Mặt khác, khoản 5 Điều 54 Công ước cũng cho phép các quốc gia được quyền bảo lưu đối với Công ước và phụ lục của Công ước. Ngoài ra, Điều 53 của Công ước cũng cho phép các quốc gia thành viên có những hành động cần thiết khác với Công ước nhằm bảo đảm an ninh quốc gia hoặc đối nội, đối ngoại.

Từ các lý do trên, đến thời điểm hiện tại, không phải tất cả quốc gia thành viên Công ước đều đã làm theo tất cả quy định trong đó mà tùy tình hình cụ thể, thực tế của từng quốc gia sẽ xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp.

Đối với Việt Nam, với tư cách là một thành viên của Công ước nên phải thực hiện các quy định của Công ước.

Đề xuất của Bộ GTVT về việc xe máy phải bật đèn cả ban ngày nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hầu hết các nước đã áp dụng

. Vậy thông lệ các nước như thế nào, thưa ông?

+ Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,… xe máy đều bật đèn vào ban ngày. Một số dòng xe máy sản xuất và lưu thông ở nội địa Nhật Bản của Công ty Honda như Spacy, SH thì không có công tắc để tắt đèn phía trước, nghĩa là cứ nổ máy là sáng đèn. Tại Trung Quốc thì chưa có văn bản bắt buộc bật đèn vào ban ngày nhưng khuyến khích theo từng vùng, từng mùa (vùng núi nhiều sương mù, mùa đông). Tuy nhiên, cần chú ý Trung Quốc đã không cho đăng ký mới xe máy ở các đô thị lớn từ lâu nên ở các khu vực đô thị gần như không còn xe máy. Ở Đông Nam Á thì Singapore cũng tương tự. Các nước Bắc Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ, theo thông tin được biết đã áp dụng quy định này từ rất lâu.

. Ông thấy việc bật đèn xe cả ngày có ảnh hưởng như thế nào đến giao thông, môi trường? Khí hậu, hạ tầng giao thông ở Việt Nam,... có phù hợp để áp dụng đề xuất của Bộ GTVT?

+ Một chính sách pháp luật mới chuẩn bị được ban hành phải có cơ sở vững chắc. Phải là kết quả của quá trình khảo sát, đánh giá, tổng kết tình hình thực tiễn. Mặt khác, nó phải đảm bảo tính phù hợp cùng sự thuyết phục đối với xã hội. Bên cạnh đó, chính sách pháp luật mới phải mang lại những hiệu quả nhất định về mặt kinh tế, xã hội so với hiện hành để đảm bảo tính khả thi.

Vào cuối năm 2015, trong một hội nghị về giao thông, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia từng đề xuất xe máy phải bật đèn (đèn position light hay gọi là đèn đờ mi), phía trước hoặc sau xe trong suốt quá trình lưu thông. Tuy nhiên, thời điểm đó có quá nhiều ý kiến phản đối nên đề xuất này dường như bị bỏ ngỏ.

Vừa qua, Chính phủ giao cho Bộ GTVT chủ trì soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật GTĐB 2008, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và một số thành viên ban soạn thảo tiếp tục có nghiên cứu, kiến nghị về đề xuất trên và thống nhất đưa vào dự luật để lấy ý kiến.

Vì vậy, tôi tin rằng ban soạn thảo dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) đã phải nghiên cứu kỹ các vấn đề trên khi quyết định đề xuất đưa ra quy định: Trong suốt cả ngày, mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.

. Vậy là ông ủng hộ đề xuất của Bộ GTVT? Ông có “hiến kế” gì thêm không?

+ Một chính sách mới thường dễ bị phản ứng khi mọi người chưa thích ứng. Tuy nhiên, nếu đó là một chính sách hợp lý thì sự phản ứng sẽ nhanh chóng qua đi. Quy định bật đèn ban ngày đối với xe máy lưu thông trên đường nếu thật sự góp phần tránh va chạm, nâng cao mức độ an toàn cho người đi xe máy, sớm hay muộn, sẽ được người dân chấp nhận và tuân thủ tương tự như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm trước đây. Và trong thời gian đầu, khi mới ban hành cần chú ý công tác tuyên truyền cho người dân hiểu được nội dung và ý nghĩa của quy định mới cũng như cần có kế hoạch đánh giá kết quả của quy định này đối với tình hình tai nạn giao thông liên quan đến xe máy trên phạm vi cả nước.

. Vấn đề pháp lý nào khác được xem là quan trọng và cần phải tính tới xung quanh đề xuất của Bộ GTVT, theo ông?

+ Về mặt pháp lý, cần chú ý, vì các dòng xe máy được sản xuất trước đây không thiết kế đèn nhận diện mà chỉ thiết kế đèn chiếu sáng, chỉ có các dòng xe máy được sản xuất gần đây mới thiết kế đèn nhận diện. Do vậy, quy định mới của Luật GTĐB (sửa đổi) không nên áp dụng hiệu lực hồi tố với các loại xe cũ chưa được thiết kế đèn nhận diện mà chỉ áp dụng với các xe sản xuất mới thay vì buộc các dòng xe máy cũ sử dụng đèn chiếu sáng thay cho đèn nhận diện. Lộ trình thay thế các dòng xe máy cũ sẽ tiến hành dần dần, hợp lý, thông qua các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo sự thích ứng của xã hội.

. Xin cám ơn ông.

Rất nhiều nước đã bắt buộc xe máy bật đèn ban ngày

Ở châu Á, Malaysia đưa quy định bật đèn ban ngày (DRL - daytime running light) cho xe máy vào luật từ năm 1992. Theo khảo sát sơ bộ năm 1996 của một nhóm nghiên cứu về tác động ngắn hạn của việc bật đèn xe máy, số tai nạn xe máy do hạn chế trong quan sát của nước này giảm đến 29%.

Singapore bắt buộc xe máy bật đèn ban ngày từ năm 1995. Một nghiên cứu của Yuan năm 2000 ghi nhận các tai nạn xe máy chết người trong 14 tháng tại quốc gia này giảm 15% sau khi luật này được thông qua.

Tại Philippines, vùng đô thị Manila bắt buộc xe máy phải bật đèn ban ngày từ năm 2007. Hàn Quốc cũng có sự bắt buộc tương tự từ năm 2014, Ấn Độ và lãnh thổ Đài Loan thì từ năm 2017, Brunei thì từ năm 2019.

Về tác động tới môi trường, theo Wikipedia, tiêu thụ điện năng của đèn ban ngày rất khác nhau tùy thuộc vào từng công nghệ. Các loại đèn hiện tại có công suất từ 5 W (hệ thống đèn LED chuyên dụng) đến hơn 200 W (đèn pha và tất cả đèn đỗ xe, đuôi và đèn báo bên hông). Tiêu thụ nhiên liệu của đèn ban ngày có thể được giảm đến mức không đáng kể bằng cách sử dụng các hệ thống 8-20 W dựa trên đèn LED hoặc bóng đèn dây tóc hiệu suất cao.

Liên quan đến lo ngại đèn ban ngày gây chói mắt, đèn ban ngày được các nhà sản xuất thiết kế để các xe khác có thể nhìn thấy nhau chứ không phải để chiếu sáng đường. Do vậy, nếu được thiết kế đúng về mặt kỹ thuật thì đèn xe ban ngày không gây chói mắt.

LAN PHƯƠNG

Tác giả: HOA THI

Nguồn tin: Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP