Kinh tế

Báo cáo Chính phủ: Dư luận ủng hộ xử lý vụ AVG, đất đai tại Đà Nẵng...

Báo cáo của Chính phủ cho biết, công tác thanh tra được tập trung triển khai theo kế hoạch; quyết liệt chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm, được dư luận đồng tình, ủng hộ (như các vụ việc: AVG, đất đai tại Đà Nẵng,…

Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khai mạc ngày 21/5, dự kiến bế mạc vào 14/6/2018.

Tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV sáng nay (21/5), thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình trình bày trước Quốc hội và cử tri cả nước về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước thời gian qua.

Theo báo cáo, tổng hợp kết quả đạt được cả năm 2017 cho thấy, những nhận định, đánh giá đã báo cáo Quốc hội cơ bản phù hợp, trong đó có 7/13 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, kim ngạch xuất khẩu tăng 21,2% và xuất siêu 2,9 tỷ USD.

Bước vào năm 2018, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; hỗ trợ kịp thời các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống.

Mặt bằng lãi suất ổn định; tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỷ USD. Tăng cường năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng, mở rộng quy mô, mạng lưới, phát triển các dịch vụ thanh toán, tín dụng bán lẻ, tiêu dùng; có giải pháp kiểm soát hoạt động liên quan đến tiền ảo...

Một trong những ”điểm sáng” của nền kinh tế đất nước được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề cập là tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I/2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Đáng chú ý là xuất khẩu tiếp tục đà tăng mạnh trong những tháng đầu năm, nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đã được ký kết; tổng kim ngạch 4 tháng đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%.

Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 10,1%, chủ yếu là nhập nguyên, vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Tăng cường kiểm soát hoạt động thương mại biên giới và các biện pháp phòng vệ phù hợp với cam kết quốc tế. Xuất siêu 3,4 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 4 tháng ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3%. Thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng tăng, có thời điểm vượt đỉnh 10 năm (1.170 điểm), hiện đang dao động trong khoảng 1.000 - 1.100 điểm; vốn hóa thị trường cổ phiếu và trái phiếu niêm yết đạt trên 96% GDP.

Thu ngân sách nhà nước 4 tháng tiếp tục tăng cao với 12,1% so với cùng kỳ, đạt 33,8% dự toán; đáp ứng kịp thời các khoản chi theo kế hoạch và các nhiệm vụ cấp bách, mới phát sinh. Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường; bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, nhất là trong dịp lễ, Tết.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ. Trong 4 tháng có trên 41.000 doanh nghiệp thành lập mới và trên 11.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại; tổng vốn đăng ký mới, bổ sung đạt trên 1,16 triệu tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại yếu kém được kiểm soát chặt chẽ, tập trung xử lý theo nguyên tắc thị trường. Đến cuối tháng 3/2018, tỉ lệ nợ xấu còn 2,18%. Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được nhiều bộ ngành, địa phương triển khai tích cực; bán cổ phần lần đầu tại một số doanh nghiệp lớn đạt kết quả tốt.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng cho biết, việc xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, thất thoát lớn đạt kết quả bước đầu, giảm lỗ và một số dự án đã có lãi.

Đáng lưu ý, công tác thanh tra được tập trung triển khai theo kế hoạch; quyết liệt chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm, được dư luận đồng tình, ủng hộ (như các vụ việc: AVG, đất đai tại Đà Nẵng,…); việc xử lý sau thanh tra được tăng cường. Công tác phòng chống tham nhũng được chú trọng.

Bên cạnh đó, tập trung điều tra, truy tố, xét xử công khai, nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn, dư luận quan tâm (như vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên internet, các vụ án liên quan đến sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, tập đoàn Dầu khí…).

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP