Đến Đà Lạt, thực khách sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều món ăn dân dã nhưng lại đậm đà hương vị. Trong những món ngon bình dân ấy không bao giờ thiếu được bánh căn nổi tiếng ở phố núi.
Bánh căn du nhập vào Đà Lạt từ các vùng miền khác, chế biến không quá cầu kỳ. Bánh được đổ khuôn bằng bột gạo, nhưng lại trở nên đặc biệt và để lại ấn tượng với thực khách khi nhân bánh biến tấu với nhiều vị đa dạng.
Bánh căn du nhập vào Đà Lạt từ các vùng miền khác, chế biến không quá cầu kỳ. Bánh được đổ khuôn bằng bột gạo, nhưng lại trở nên đặc biệt và để lại ấn tượng với thực khách khi nhân bánh biến tấu với nhiều vị đa dạng.
Món ăn không dùng dầu mỡ mà được đúc chín trên khuôn đất nung tạo ra mùi thơm của bánh với chút cháy cạnh. Ảnh: Phong Vinh
Nhân bánh là điểm nổi bật của món ăn, gồm có trứng cút, trứng gà ta hay trứng vịt, được đổ trên mặt bánh khi bột bánh đã se gần chín. Nếu muốn thay đổi khẩu vị, bạn có thể chọn nhân hải sản như: tôm hoặc mực.
Mỗi loại nhân đem lại một mùi vị khác nhau. Trong tiết trời giá lạnh của Đà Lạt, đĩa bánh căn nóng hổi nghi ngút khói sẽ khiến bạn không khỏi xuýt xoa. Điều làm nên hương vị thơm ngon của món ăn này chính là nước chấm được pha chế rất khéo gồm nước mắm pha với mỡ hành và ớt hoặc sa tế. Đôi khi là mắm nêm pha chế nhẹ nhàng theo đúng vị của người Đà Lạt.
Phố núi có rất nhiều địa chỉ cho bạn tìm đến để thưởng thức món ăn này. Nhưng nếu muốn tìm một quán ăn thú vị, bạn có thể ghé qua quán cô Thúy ở ấp Ánh Sáng. Không chỉ người dân địa phương mà nhiều du khách cũng tới đây.
Ở chỗ cô Thúy, bạn sẽ được ngồi sưởi ấm bên lò đúc để chờ bánh căn chín. Ảnh: Phong Vinh
Quán tuy nhỏ, khoảng 4 - 5 bàn nhưng lúc nào cũng tấp nập khách. Bánh căn được cô Thúy nướng trên bếp than chứ không phải lò điện như nhiều nơi khác. Nước chấm được cho thêm vài viên xíu mại, tạo vị khác lạ. Ngồi ở quán, bạn có thể phóng tầm mắt ra cánh đồng hoa tươi mát phía ngoài được trồng thay đổi theo mùa cùng dòng xe tấp nập.
Quán thu hút nhiều người với loại bánh đổ trứng gà có vị riêng. Bánh sau khi nướng có mùi thơm phức, trứng chín đều và xốp chứ không khô. Một phần gồm 10 chiếc bánh có giá khoảng 40.000 đồng. Ngoài ra, quán còn bán sữa chua phô mai với giá 5.000 đồng một hũ.
Tuy bánh căn phổ biến ở nhiều nơi, nhưng ở Đà Lạt món ăn này cũng chiếm được tình cảm của những ai từng thử qua. Bạn sẽ cảm nhận được hương vị thanh đạm, nhẹ nhàng khác lạ và cả sự khéo léo rất riêng trong ẩm thực của người dân địa phương.
Tác giả bài viết: Phong Vinh