Thể thao

Bác sỹ CLB Sông Lam Nghệ An: 'Người lữ hành lặng lẽ'

Anh, người có mặt trong tất cả các buổi tập, mỗi trận thi đấu của CLB Sông Lam Nghệ An.

Làm đủ tất cả mọi việc, từ pha thực phẩm bổ sung vitamin cho cầu thủ đến massage phục hồi, kịp thời sơ cứu khi có chấn thương trong lúc luyện tập; thậm chí phải tư vấn cả tâm lý, dinh dưỡng… cho từng cá nhân một. Đó là bác sỹ Trần Ngọc Mạnh, người được ví như bà mẹ tảo tần chăm lo cho những “đứa con” trong ngôi nhà Sông Lam Nghệ An.
Bác sỹ Mạnh (áo đen) đang chăm sóc sức khỏe cho cầu thủ trong một buổi tập - Ảnh: Sỹ Hòa

Bác sỹ Mạnh (áo đen) đang chăm sóc sức khỏe cho cầu thủ trong một buổi tập - Ảnh: Sỹ Hòa

Duyên nghề

Chúng tôi gặp Mạnh trong buổi tập đầu tiên năm 2017 của CLB Sông Lam Nghệ An tại “chảo lửa” thành Vinh. Tiết trời lạnh, thi thoảng lại lất phất vài hạt mưa xuân. Trong sân, các cầu thủ cùng ban huấn luyện vẫn miệt mài luyện tập, phía ngoài Mạnh vừa sắp xếp mấy bình nước vừa chăm chú quan sát các cầu thủ.

Mạnh sinh năm 1984, trong một gia đình nghèo ở huyện miền núi Anh Sơn. Lớn lên, theo nghiệp họ hàng bên mẹ, anh chọn nghề y để học. Từ năm 2003 - 2008, anh học một mạch y đa khoa rồi y học cổ truyền tại Trường Cao đẳng Y khoa Vinh (nay là Đại học Y khoa Vinh). Ra trường với hai tấm bằng, Mạnh xin về làm ở Bệnh viện Quân y 4. Với năng lực và sức trẻ, năm 2009, anh được bệnh viện điều đi chăm sóc đoàn cán bộ phát triển kinh tế ở Xiêng Khoảng (Lào).

Trong lúc mọi thứ đang suôn sẻ và trên đà phát triển thì Mạnh bước sang một ngã rẽ về nghề nghiệp. Cuối năm 2009, trong một lần về phép, Mạnh nghe bạn bè thông tin CLB Sông Lam Nghệ An đang tuyển bác sỹ thể thao. Thế là anh nộp hồ sơ, rồi trúng tuyển và được gọi đi làm.

“Dù công việc ở Bệnh viện Quân y 4 đang rất tốt nhưng từ nhỏ, em đã đam mê bóng đá, nên khi nghe tin đội bóng tuyển bác sỹ em đã quyết định nộp hồ sơ. Em rất hạnh phúc khi được ban lãnh đạo đội bóng cân nhắc, tuyển dụng”, Mạnh tâm sự.

Đầu năm 2010, Mạnh được đội bóng cho đi học thêm về y học thể thao. Gần 10 năm gắn bó, giờ đây Mạnh đã cứng cáp hơn, trở thành điểm tựa vững chắc cho các cầu thủ trong mỗi buổi tập hay lúc thi đấu.

Bền bỉ, thầm lặng

Nhiều người nhìn vào, nói nghề của Mạnh nhàn, nhưng tìm hiểu kỹ mới biết đó chỉ là phần nổi. Một mình Mạnh chăm sóc sức khỏe cho 35 cán bộ, vận động viên là minh chứng cho sự bận rộn, vất vả của bác sỹ thể thao. Từ việc pha thực phẩm bổ sung vitamin cho cầu thủ, massage phục hồi, kịp thời sơ cứu khi có chấn thương trong lúc luyện tập; thậm chí phải tư vấn cả tâm lý, dinh dưỡng rồi đưa các cầu thủ đi bệnh viện để phẫu thuật nếu chấn thương nặng. Mạnh như con ong bền bỉ, quần quật giữa ngổn ngang công việc.

“Làm bác sỹ thể thao không chỉ phải giỏi về chuyên môn mà còn phải hiểu kỹ từng cầu thủ một. Mỗi cầu thủ có một cơ địa khác nhau nên cách chăm sóc, điều trị cũng khác nhau. Rồi phải hiểu tâm lý cầu thủ đó, có nhiều cầu thủ trẻ, muốn cống hiến nên nhiều lúc đau nhưng họ vẫn nói không đau, do vậy phải thật hiểu từng người một, mình mới kiểm tra, xử trí được”, Mạnh cho biết.

Ăn, ở, ngủ nghỉ và có mặt trong mọi buổi tập, trận thi đấu của đội bóng, Ngọc Mạnh có rất nhiều kỷ niệm với các cầu thủ xứ Nghệ. Sự cố nhỏ trong một chuyến du đấu, một chấn thương của các cầu thủ… luôn đọng lại trong tâm trí người bác sỹ có vóc dáng nhỏ nhắn này.

Mạnh kể, kỷ niệm mà Mạnh nhớ nhất đó là lần cùng CLB đi du đấu ở Singapore: “Lúc đó em đang cầm giấy tờ vào làm thủ tục nhập cảnh cho anh em đội bóng. Vì hải quan nước bạn kiểm tra kỹ nên vào hơi lâu, lúc ra thì không thấy anh em đội bóng đâu nữa, hành lý cũng không còn. Vì ngoại ngữ còn kém nên em hỏi cũng không ai hiểu, ai biết.

Đang nghĩ bụng là bị bỏ rơi ở nước người thì anh Phạm Anh Tuấn - trợ lý huấn luyện viên chạy đến gọi đi theo cho kịp đội bóng. Hay như mùa giải V.League 2011, Sông Lam Nghệ An mua ngoại binh Fagan. Cầu thủ người Jamaica gầy và cao lênh khênh nhưng chạy rất nhiều.

Khi trọng tài vừa thổi còi kết thúc trận đấu thì Fagan gục ngay trên sân. Ngoại binh được tiếp sức bằng máy chạy oxy rồi được chuyển lên bệnh viện để kiểm tra. Nhớ lại, Mạnh nói: “Lúc đó ai cũng rất lo lắng, bởi cầu thủ ngoại có tiền lệ đột quỵ trên sân nhiều. Nếu có chuyện gì xảy ra với Fagan, trách nhiệm đầu tiên là của em bởi mình là người kiểm tra sức khỏe cho cầu thủ”.

Một chấn thương khác cũng để lại kỷ niệm đáng nhớ với Ngọc Mạnh. Mùa giải 2012, trong trận đấu nảy lửa giữa Sông Lam Nghệ An và HN.T&T trên sân Vinh. Huy Hoàng bị cầu thủ đội bạn phạm lỗi, cú va chạm khiến bờ trên của mí mắt rách. Sau khi sơ cứu, Mạnh yêu cầu anh Hoàng nghỉ để đưa đi bệnh viện khâu vết thương.

Dù rất đau nhưng Huy Hoàng vẫn nói: “Đội đang khó khăn, cứ để anh đá tiếp”. Tinh thần của “người anh cả” đã tiếp thêm nghị lực cho các cầu thủ trẻ trên sân. Trận đó, Sông Lam bị HN.T&T cầm hòa nhưng tinh thần chiến đấu của Huy Hoàng và các đồng đội được bác sỹ Mạnh xem là kỷ niệm đáng nhớ.

HLV trưởng Nguyễn Đức Thắng cho biết: Do kinh phí hạn chế nên khâu chăm sóc sức khỏe của CLB Sông Lam Nghệ An ít nhiều còn hạn chế. Điều này dẫn tới việc người đảm nhận công việc này và kể cả cầu thủ bị thiệt thòi. Dù vậy, hiểu những hy sinh, cố gắng của bác sỹ Mạnh nên đội bóng nói riêng và Công ty CP Sông Lam Nghệ An nói chung đều quan tâm và đảm bảo tối đa quyền lợi. Ví dụ như việc, cả đội nếu được thưởng sau một trận thắng, thì cũng sẽ có phần dành cho bác sỹ.

Thường thì kết thúc một trận đấu, một mùa giải; khi có chiến thắng, người ta thường ca tụng cầu thủ ghi bàn, tài nghệ của HLV hay thậm chí là cả cổ động viên. Thế nhưng, phía sau ­­­­những chiến công ấy còn có sự hy sinh thầm lặng của rất nhiều lực lượng khác mà không phải ai cũng biết.

Tác giả bài viết: Sỹ Hòa - Vĩnh Xuân/ Lao động Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP