Dù Singapore đang vươn lên thành điểm đến ẩm thực của thế giới thì đặc sản của người Peranakan vẫn luôn có sức hút riêng với du khách. Văn hóa Peranakan thực chất có từ Malacca, Malaysia trước cả khi Singapore được thành lập. Theo Peter Wee, chủ tịch Hiệp hội Peranakan ở Singapore, những người Trung Quốc nhập cư vào Malacca từ thế kỷ 15, 16 và dần hòa nhập với văn hóa địa phương. Đàn ông Trung Quốc kết hôn với phụ nữ Malaysia và con cái họ được gọi là Peranakan ("baba" để chỉ đàn ông, "nonyo" để chỉ phụ nữ). Họ không chỉ phát triển ngôn ngữ riêng mà còn sáng tạo nên cả một nền văn hóa khác biệt, từ ẩm thực, đồ gốm, sản phẩm thêu thùa, giày dép cho tới kiến trúc...
Một hũ đựng gia vị trang trí bằng các họa tiết đậm chất Peranakan. Ảnh: Hương Chi
Ẩm thực Peranakan
Mặc dù có nguồn gốc từ hai dân tộc Trung Quốc và Malaysia nhưng người Peranakan vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ Anh, Ấn Độ và Thái Lan. Văn hóa Peranakan chủ yếu dựa trên nền tảng của Trung Quốc nên ẩm thực cũng không là ngoại lệ.
Các món ăn như chap chye (rau hầm), và baibi pongteh (thịt heo hầm với đậu tương non), là những món có nguồn gốc Trung Quốc thường được người Peranakan đặt trên bàn thờ tổ tiên mỗi khi làm lễ cúng.
Theo cuốn sách "Changing Chinese Foodways in Asia" của David Wu và Chee Beng Tan, ẩm thực Peranakan là sự kết hợp của cả văn hóa Trung Quốc lẫn các yếu tố khác như nguyên liệu địa phương. Ban đầu những phụ nữ Peranakan ở Singapore đã dùng các nguyên liệu phổ biến của người Malaysia như nghệ, gừng, lá chanh, cỏ chanh và quả me. Những nguyên liệu này tạo thành một tổ hợp gia vị gọi là rempah, xuất hiện nhiều trong bữa ăn của người Peranakan.
Dưới đây là 3 nhà hàng phục vụ đồ ăn Peranakan lâu đời và ngon nhất ở Singapore mà du khách có thể tham khảo để tới thưởng thức.
Indo cafe the White House
Các món ăn truyền thống của người Peranakan ở nhà hàng Indo Cafe. Ảnh: Hương Chi
Đây là một nhà hàng Peranakan nổi tiếng, nằm trong ngôi nhà có thiết kế thuộc địa trang nhã ở số 35 đường Scotts. Bước vào bên trong du khách sẽ thấy cách bài trí đồ nội thất như bàn ghế, tủ, kệ... cùng nhiều vật dụng của người Peranakan như trang phục truyền thống, bát đũa...
Ngoài món bún laksa mang đậm chất ẩm thực của Thái và Trung Quốc, nhà hàng còn phục vụ nhiều món ăn được chế biến kết hợp đặc biệt như kerabu bok nee (nấm đen và thịt gà nghiền nấu với sốt sambal), Penang otah (trứng nấu với sữa dừa ăn cùng một miếng cá nằm gọn bên trong).
Những món ăn hảo hạng khác của nhà hàng còn có thể kể tới là itek tim, babi pongteh, hay biến tấu của cơm chiên buah keluak.
Một suất Penang otah ở nhà hàng Indo cafe. Ảnh: Hương Chi
Chilli Padi Nonya
Nhà hàng nằm ở số 11 đường Joo Chiat Pl, làm các món ăn có sắc màu hấp dẫn, công thức chế biến chính xác và đội ngũ nhân viên rất nhiệt tình. Khu phố này còn có thể đưa du khách về với một thời xa xưa của Singapore, với những quán hàng truyền thống, quầy bán rong trên phố và cả những nhóm người chơi mạt chược...
Giá cả phải chăng và các món ăn đậm đà hương vị như cuộn cải bắp và cà ri đầu cá... chính là lý do giúp Chilli Padi Nonya thu hút không chỉ người dân bản địa mà cả các du khách khắp nơi. Nhiều thực khách tới đây và quay lại nhiều lần để thưởng thức vị cay cùng với sự kết hợp hài hòa trong ẩm thực mà họ không thể tìm thấy ở nơi nào khác.
Candlenut
Candlenut cũng là một địa chỉ thú vị để du khách thưởng thức và tìm hiểu về ẩm thực Peranakan ở Singapore. Chủ quán là đầu bếp trẻ Malcolm Lee (32 tuổi). Nơi đây phục vụ nhiều món ăn Peranakan nhưng không quá ảnh hưởng bởi của ẩm thực Trung Quốc mà chế biến theo cách của phương Tây.
Các món như sườn bò nấu cùng súp buah keluak, chap chye kết hợp sốt tôm hay bánh chuối hấp với caramel chuối và kem Melaka đều là những điểm nhấn trong thực đơn của quán. Nhà hàng tọa lạc ở số 331, đường New Bridge.
Tác giả bài viết: Hương Chi