Du lịch

Ảnh 360 độ phố cổ Hội An, di sản thế giới

Phố cổ Hội An là một trong những địa điểm du lịch thu hút du khách nhất miền Trung bởi những giá trị lịch sử văn hóa. Zing.vn ghi lại một số hình ảnh qua góc camera 360 độ.


Đô thị cổ Hội An nằm ở ngã ba sông Thu Bồn thuộc thành phố Hội An (Quảng Nam). Chùa Cầu là biểu tượng và điểm nhấn di tích đặc trưng.


Cầu xây dựng vào cuối thế kỷ 16, bắc ngang con lạch chảy ra sông Thu Bồn, giáp ranh giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú, được gọi là cầu Nhật Bản. Ở giữa cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ Huyền Thiên Đại Đế. Cầu có mái che khá độc đáo cùng các kết cấu, họa tiết trang trí thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các phong cách kiến trúc Việt, Hoa, Nhật, và cả phương Tây.


Dọc bờ sông Thu Bồn, bên phố Bạch Đằng là bến tàu thuyền, neo đậu tấp nập đưa đón du khách tham quan phố Hội bằng đường thủy. Đây cũng là nơi người dân thả hoa đăng vào ngày 14 âm lịch hàng tháng.


Hội quán Quảng Đông (hay còn gọi là Hội quán Quảng Triệu) được xây dựng vào năm 1885, ở số 176 Trần Phú. Thoạt đầu, nơi đây thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Khổng Tử, sau năm 1911 chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền.


Nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật bằng gốm sứ, các hình tượng mô phỏng lại các vở tuồng về văn hóa và nhiều văn bản ghi lại cuộc sống của cộng đồng người Quảng Đông ở Hội An.


Nhà cổ Tấn Ký đã được cấp bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia nằm tại số nhà 101 phố Nguyễn Thái Học, xây dựng cách đây 200 năm.


Tượng đài kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski được người dân gọi với cái tên thân mật là KTS Karik nằm trên phố Trần Phú. Kiến trúc sư người Ba Lan được coi là người có đóng góp lớn trong việc bảo tồn các di tích lịch sử tại Việt Nam và góp phần đưa các di tích này được ghi danh trong danh sách Di sản thế giới của UNESCO.


Hội quán học Ngũ Bang (nằm trên phố Trần Phú) còn có tên gọi là Hội quán Dương Thương hay Trung Hoa Hội Quán. Cái tên Ngũ Bang ra đời có lẽ do tại thời điểm này có 5 bang hội người Hoa quy tụ về gồm người Gia Ứng, Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến và Hải Nam cùng sinh sống, thờ cúng, phát triển...


Du khách tham quan phố Hội sẽ có dịp dạo bước khám phá các tuyến phố cổ một cách thảnh thơi nhất vào thời điểm sáng sớm. Nơi đây đặc biệt đông du khách qua lại vào buổi chiều và tối.


Hội quán Phúc Kiến nằm ở số 46 đường Trần Phú. Tương truyền tiền thân của Hội quán là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu (bà chúa phù hộ cho thương nhân vượt sóng gió đại dương) vớt được tại bờ biển Hội An vào năm 1697.


Nằm ở cuối khu vực phố cổ là ngã tư chùa Ông và chợ Hội An.


Miếu Âm Hồn vốn là nơi thờ cúng của Tín Thiên Tộc và những âm linh, cô hồn. Được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829), miếu là một di tích cổ được quy hoạch bảo tồn nhưng 14 năm nay xảy ra tranh chấp giữa những người tạm cư và gia đình cai quản họ Hứa, miếu đã trở lên hoang tàn.


Bản đồ thành phố Hội An, Quảng Nam.

Tác giả bài viết: Tiến Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP