Tin địa phương

Ðà Nẵng hướng tới thành phố giàu đẹp, đáng sống

Tròn 45 năm kể từ ngày giải phóng, Ðảng bộ, chính quyền và người dân TP Ðà Nẵng đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách; vừa khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, đối phó những âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch; vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành phố giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại và đáng sống.

Trong ngôi nhà nhỏ trên đường Ðặng Ðình Vân (phường Thanh Khê Ðông, quận Thanh Khê), Ðại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang Mai Phước Liệu tự hào kể: “Tôi sinh ra ở Ðiện Bàn (tỉnh Quảng Nam), nhưng gắn bó với Ðà Nẵng từ thời niên thiếu, tham gia du kích, rồi lên rừng, về phố, ra bắc vào nam chiến đấu. Sau ngày giải phóng, tôi công tác rồi nghỉ hưu ở Ðà Nẵng. 45 năm qua, tôi và đồng đội được chứng kiến biết bao biến chuyển, đổi thay mạnh mẽ. Từ một đô thị nhỏ chủ yếu phục vụ chiến tranh, nhờ cơ chế chính sách của Trung ương, sự nỗ lực của cả thành phố, Ðà Nẵng nhanh chóng phát triển, bộ mặt đô thị đổi mới hoàn toàn, khang trang và hiện đại. Ngay như chỗ tôi đang ở, 20 năm trước còn là bãi cát với rừng dương lúp xúp, từ đường Trần Cao Vân ra biển, đi bộ còn khó... Vậy mà nay phố xá thênh thang, sầm uất và tấp nập. Lớp người chúng tôi tự hào và yêu mảnh đất này vô cùng”.

Ðánh giá về những thành tựu của Ðà Nẵng kể từ ngày giải phóng, nhất là từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (ngày 1-1-1997), Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Ðức Thơ khẳng định: Ðảng bộ, chính quyền và người dân đồng lòng, hợp sức, phát huy truyền thống cách mạng qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập; cùng sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ của Trung ương, Chính phủ, đã xây dựng thành phố không ngừng phát triển về mọi mặt. Từ hàng chục năm trước, Ðà Nẵng được quy hoạch, chỉnh trang quy mô lớn, không gian đô thị được mở rộng, kinh tế tăng trưởng khá cao, liên tục dẫn đầu cả nước nhiều năm liền về GRDP, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (ICT-Index). Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 ước đạt 4.300 USD, tăng hơn 10 lần so với thời điểm bắt đầu trực thuộc Trung ương.

Ðạt được những thành tựu đó là bởi lãnh đạo Ðà Nẵng nhạy bén, chọn những khâu đột phá dựa trên tiềm năng và thế mạnh để phát triển theo hướng nhanh, mạnh, bền vững khi Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW (năm 2003) về phát triển TP Ðà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, để bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 21, Ðà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng loạt khởi công và triển khai các dự án trọng điểm, mang tính động lực. Trong đó, 50 dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố và vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu; bảy dự án đầu tư từ nguồn vốn của các bộ, ngành và 19 dự án đầu tư từ nguồn vốn của doanh nghiệp. Cụ thể như bãi đỗ xe 255 Phan Châu Trinh giai đoạn 1; đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan; tuyến đường vành đai phía tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh; nâng cấp cải tạo các tuyến đường liên xã Hòa Phú - Hòa Ninh, cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý... Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Ðà Nẵng Trần Phước Sơn cho biết, thủ tục đầu tư là nút thắt đầu tiên được gỡ vướng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các dự án trọng điểm; tích cực đền bù, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất có hạ tầng sẵn để phục vụ người dân tái định cư. Các cơ quan chuyên môn tập trung giải quyết thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý, thẩm định hồ sơ; tổ chức đấu thầu trực tuyến để lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực kỹ thuật, tài chính, kinh nghiệm, nhằm triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đẩy mạnh đầu tư công chính là giải pháp để sớm hoàn thành các dự án trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy kinh tế. Hàng loạt dự án lớn đang tích cực được triển khai như cảng Liên Chiểu; khu công viên phần mềm số 2; trung tâm công nghệ sinh học và nuôi cấy tế bào thực vật (mở rộng); nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Khánh Sơn giai đoạn 2... Ngoài ra, Ðà Nẵng cũng triển khai nhiều dự án lớn, nhiều kế hoạch quan trọng như: Ðầu tư nâng cấp, mở rộng Bệnh viện đa khoa Ðà Nẵng; thu hồi các lô đất để làm công viên công cộng, Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn; xây dựng Bệnh viện đa khoa Ðà Nẵng cơ sở 2 tại phường Hòa Quý; xây dựng hạ tầng khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao (giai đoạn 1)…

Thời gian gần đây, tốc độ phát triển của Ðà Nẵng đang có xu hướng chậm lại, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt so kế hoạch đề ra. Hai năm 2018 và 2019, các chỉ tiêu cơ bản như GRDP; giá trị gia tăng về dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông lâm thủy sản, xuất khẩu hàng hóa… đều tăng chậm hơn so mục tiêu đặt ra từ đầu năm. Tiến sĩ Trần Ðình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Kinh tế Ðà Nẵng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Cơ cấu kinh tế thành phố dù chuyển dịch đúng hướng, nhưng có độ trễ trong quá trình chuyển đổi cơ cấu và giá trị đóng góp của từng ngành kinh tế mũi nhọn. Công tác rà soát, điều chỉnh, khắc phục những bất cập trong quy hoạch phát triển thời gian qua chưa hiệu quả đã ảnh hưởng kết quả thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ. Ðiều kiện hiện nay dù khó khăn nhưng lại là thời điểm cần thiết để Ðà Nẵng điều chỉnh các mục tiêu, định hướng một cách phù hợp, bảo đảm tốc độ tăng trưởng bền vững, thực chất, đúng với Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển Ðà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị (khóa XII). Trước hết là thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường đại học Ðông Á Nguyễn Thị Anh Ðào cho rằng, một trong những điểm cần tháo gỡ để phát triển là đổi mới giáo dục, đào tạo. Do đó phải có chính sách ưu tiên đầu tư về cơ chế, cơ sở vật chất, hạ tầng, nhất là sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục với các ngành kinh tế mũi nhọn của Ðà Nẵng cũng như Vùng kinh tế trọng điểm miền trung (Du lịch, công nghệ thông tin, công nghệ cao, hóa dầu, sắt thép, đóng tàu…). Một thí dụ điển hình là Làng đại học Ðà Nẵng, dự án đặt ra mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, lại là dự án treo từ năm 1996 đến nay, khiến kỳ vọng biến Ðà Nẵng thành trung tâm giáo dục - đào tạo hàng đầu ở miền trung - Tây Nguyên chậm đi 20 năm.

Không chỉ chất lượng giáo dục và đào tạo, nguồn nhân lực chưa đồng đều; các lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật cũng chưa được đầu tư để phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố; tình hình trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp; công tác xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị trên một số mặt còn hạn chế. Ðáng chú ý là vai trò động lực, liên kết khu vực và sức lan tỏa của Ðà Nẵng đối với các tỉnh, thành phố khu vực miền trung - Tây Nguyên còn yếu. Ðánh giá về những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, Bí thư Thành ủy Ðà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng: Thành phố đã có những bài học vô giá về phát huy dân chủ, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng bộ, sự đồng thuận xã hội; đánh giá, nhận định đúng, đầy đủ, kịp thời tình hình, nhất là các “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển để có những quyết sách và hành động quyết liệt, phù hợp; về giữ đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm người đứng đầu; quyết liệt, kiên trì trong đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Thực tế cho thấy, bài học “Thế trận lòng dân” trong những ngày đầu thành lập Ðảng bộ TP Ðà Nẵng và trong suốt hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc vẫn còn nguyên giá trị để thành phố tiếp tục có bước phát triển “đi lên nhanh và mạnh hơn, vững chắc hơn”. Tiếp thu, rút kinh nghiệm nhiều bài học thực tế, Ðảng bộ TP Ðà Nẵng kịp thời điều chỉnh, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch; điều hành có trọng tâm, trọng điểm, sát tình hình thực tiễn, tạo đà cho thành phố phát triển đi lên trong những năm tới.

Tác giả: THANH TÙNG

Nguồn tin: Báo Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP