Cầu Glienicke, Berlin, Đức: Cầu Glienicke ở vùng ngoại ô phía tây Berlin vẫn còn giữ vạch trắng ngang giữa, ranh giới giữa đông và tây Berlin thời Chiến tranh lạnh. Năm 1962, gián điệp người Nga, Rudolf Abel, và phi công lái máy bay do thám của Mỹ, Francis Gary Powers, được trao đổi ở đây. Cây cầu đã trở thành điểm trả một số gián điệp bị bắt trong thời kỳ này.
Biệt thự Schöningen, Berlin, Đức: Nằm không xa cầu Glienicke, biệt thự Schöningen từng là nơi ở của một đại tướng Phổ, một giám đốc ngân hàng người Do Thái, trung tâm chăm sóc trẻ em Đông Đức. Hiện tại, nơi đây trưng bày các hiện vật về lịch sử của cây cầu, các sự kiện trong thời kỳ căng thẳng nhất của Chiến tranh lạnh.
Khách sạn Athenee Palace, Buc-harest, Romania: Khách sạn ở thủ đô của Romania nổi tiếng với vai trò là “hang ổ” gián điệp vào Thế chiến II và Chiến tranh lạnh. Được xây dựng vào năm 1914 và cải tạo vào năm 1937, Athenee Palace là nơi các gián điệp Anh và lực lượng Gestapo (cảnh sát ngầm của Đức Quốc xã) thường lui tới. Sau khi quốc hữu hóa vào năm 1948, chính phủ đã gài máy nghe lén vào mọi phòng, điện thoại, cho người đưa tin làm nhân viên. Năm 1994, Hilton đã mua lại Athenee Palace.
Teufelsberg, Berlin, Đức: Ngọn đồi nhân tạo Teufelsberg được đắp từ gạch đá vụn của thành phố Berlin sau Thế chiến II. Nơi này có vị trí và độ cao lý tưởng để Mỹ bắt sóng radio của Nga ở Đông Đức và các vùng khác.
Le Meurice, Paris, Pháp: Nhà hàng Pháp này là nơi Felix Bloch, cựu nhân viên của Bộ ngoại giao Mỹ, gặp Reino Gikman, một điệp viên KGB. Các nhân viên phản gián Pháp đã chụp ảnh Bloch tới nhà hàng với một vali đen và rời đi tay không, còn chiếc vali đã theo Gikman rời khỏi nhà hàng. Bloch khẳng định trong đó chỉ có một bộ sưu tập tem.
Khách sạn The Park, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ: Istanbul được coi là “thủ đô gián điệp” của châu Âu vào Thế chiến II. The Park là địa điểm quen thuộc của các gián điệp khét tiếng như Elyeza Basna, gián điệp của Đức Quốc xã, hay điệp viên hai mang Kim Philby.
Số 54 Broadway, London, Anh: MI6 (Tình báo quân đội-phòng 6) của Anh đã chuyển trụ sở về đây vào năm 1926, dưới chức danh “Công ty thiết bị chữa cháy Minimax”. Tuy nhiên, nhiều tài xế taxi London đã nhanh chóng nhận ra vai trò gián điệp của tòa nhà. Giữa những năm 1930, tình báo Đức đã cho một nhân viên giả làm người bán diêm mù đứng đối diện để giám sát hoạt động ra vào.
Hộp đêm In and Out, London, Anh: Ngoài vai trò là địa điểm tuyển dụng cho MI5 và MI6, hộp đêm còn là nơi MI6 tạo dựng thành địa điểm xảy ra cái chết của một sĩ quan người Anh trong Thế chiến II. Xác của sĩ quan này được thả xuống ngoài khơi Tây Ban Nha. Điều này khiến Đức Quốc xã tin rằng cuộc đổ bộ Normandy sẽ diễn ra ở nơi khác.
.Tòa nhà Leconfield, London, Anh: Đây là trụ sở của MI5 vào đầu năm 1945. Ban đầu, tòa nhà có các cửa sổ đặc biệt để đỡ súng máy, phòng trường hợp quân Đức tới được London. Bên trong, quán bar Pig and Eye từng đón tiếp nhiều gián điệp nổi tiếng như Peter Wright, tác giả cuốn Spycatcher
Tác giả bài viết: Hoàng Linh