Hủ tíu cá Nam Lợi
Những người sành ăn món Hoa ở Sài Gòn không ai không biết quán hủ tiếu cá Nam Lợi hơn 60 năm tuổi trên đường Tôn Thất Đạm (quận 1). Chủ quán là người Việt gốc Hoa, chính vì thế hương vị của tô hủ tiếu là sự hòa trộn những tinh hoa ẩm thực Việt và Trung. Quán mở cửa từ 6h đến 12h và từ 14h đến 21h. Giá cho một phần hủ tiếu cá hoặc gà là 70.000 đồng.
Bún nước cô Sáu
Nằm tách biệt trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Kế Xương (quận Phú Nhuận), quán bún nước cô Sáu với hơn 20 năm kinh nghiệm hấp dẫn nhiều thực khách tìm đến bởi hương vị khác lạ của món ăn. Tô bún nghi ngút khói sau khi được chế biến bưng ra bắt mắt với màu xanh của hành lá, màu trắng của sợi bún, màu đo đỏ của tôm kèm theo mùi nước dùng thơm phức.
Cơm tấm Ngô Tất Tố
Quán cơm tấm nằm ở đầu một con hẻm trên đường Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh), nổi tiếng khi có cả 3 đời trong một gia đình cùng đứng ra buôn bán. Miếng thịt được nướng cạnh bên dậy mùi thơm phức ăn chung với miếng chả mềm, sợi bì dai dai quyện cùng vị mắm mặn vừa phải. Giá một đĩa từ 25.000 đồng.
Cháo bò viên Tám Hói
Quán chỉ đơn giản là những chiếc ghế nhựa trải dọc vỉa hè và một không gian trong nhà nhưng suốt 20 năm qua vẫn đông khách, đặc biệt vào chiều cuối tuần. Gọi là cháo bò viên nên nguyên liệu chính rất đơn giản gồm cháo và bò viên. Cháo sánh vừa phải, không loãng cũng không đặc có thêm vài miếng gừng cay tạo vị đậm đà. Tô cháo sẽ ngon càng ngon nếu có thêm ít tiêu đen xay nhuyễn. Quán chỉ bán từ 11h30 đến chập tối, giá trung bình 25.000 đồng một tô.
Bánh mì Hòa Mã
Chủ nhân của tiệm bánh mì này là hai vợ chồng người Bắc di cư vào Nam từ những trước những năm 50. Đối với nhiều người, bánh mì là thức ăn nhanh, rất thích hợp đối với cuộc sống vội vã ở đất Sài Gòn. Nhưng ở góc bánh mì Hòa Mã (đường Cao Thắng, quận 3), bạn vẫn có thể cảm nhận được sự chậm rãi của thời gian và đôi chút hoài niệm về quá khứ.
Chè Đình Tiên Hoàng
Tồn tại hơn 40 năm qua, xe chè của cô Lộc dù nắng mưa vẫn đứng tại góc đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1). Với nhiều loại chè khác nhau như: chè đậu xanh, đậu đen, đậu trắng, chè bưởi, chè thưng, chè trôi, sâm bổ lượng,... thực khách thoải mái lựa chọn cho mình những vị yêu thích. Giá cho một ly chè khoảng 10.000 đồng. Giữa cái nắng hanh hao của thành phố, đến đây thưởng thức ly chè mát lạnh sẽ mang lại cho bạn cảm giác thư thái.
Cà phê vợt 330 Phan Đình Phùng
Có mặt ở thành phố đã hơn 60 năm, quán cà phê không tên của ông Đặng Ngọc Côn và bà Phạm Ngọc Tuyết nằm trong một con hẻm trên đường Phan Đình Phùng. Chiếc vợt được nhúng vào nước sôi để vệ sinh, sau đó cho vào một lượng vừa đủ bột cà phê đã xay, kế đến đổ nước sôi vào chờ cho nở rồi nhúng thêm vài lần nữa mới bỏ vào chiếc ca bằng nhôm để sẵn. Cà phê nhờ đó mà có màu đen đậm, tỏa mùi thơm nức. Giá một ly cà phê chỉ 15.000 đồng.
Kem nhãn chú Tám
Quán có nhiều loại kem khác nhau, nhưng nổi tiếng nhất là loại kem nhãn. Ly kem chỉ vỏn vẹn một phần kem nhỏ, vài trái nhãn kèm chút đậu phộng rang nhưng hơn 30 năm qua đã trở thành ký ức của nhiều cô cậu học sinh lớn lên ở Sài Gòn. Xắn một miếng kem nhỏ cho vào miệng, bạn sẽ cảm nhận ngay được mùi nhãn tự nhiên kèm theo độ béo mà không ngấy của đậu phộng. Giá trung bình là 20.000 đồng.
Tác giả bài viết: Phong Vinh