Du lịch

7 danh thắng trên cung đường Bát Xát

Cột mốc 92, ruộng bậc thang, Lao Chải, công viên Y Tý, Kỳ Quan San… từ lâu đã luôn là những điểm đến tuyệt vời và không thể bỏ lỡ trên cung đường phượt Bát Xát (Lào Cai).

1. Cột mốc 92 - Lũng Lô

Nằm trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đánh dấu biên giới Việt Nam và Trung Quốc, đánh dấu cả nơi khởi nguồn của dòng sông Hồng giàu phù sa, cột mốc 92 là nơi ai ai đến với Lũng Pô cũng muốn ghé tới một lần.

Cột mốc đứng đó như người lính yêu nước kiên cường đang đứng để trông, đứng để giữ gìn từng tấc đất của Tổ quốc, nghiêm trang và đầy vững chãi.

Người ta bảo các cột mốc được dựng nên để phân định ranh giới hai đất nước, để đánh dấu hai cái kết thúc nào đó. Nhưng đến đây, mình dường như chẳng hề cảm thấy cái kết nào, chẳng nhìn thấy giới hạn nào, tất cả chỉ là một bức tranh thiên nhiên với không gian rộng lớn, khoáng đạt đang chậm rãi mở ra trước mắt, hoàn toàn bao la và hùng vĩ.

Cột mốc 92 ghi ranh giới Việt Nam và Trung Quốc. Ảnh: Lizliemai.
2. Ruộng bậc thang

Những ruộng bậc thang ở đây rộng lớn, bao lấy cả một vùng, kéo dài qua cả hai xã Y Tý và Ngải Thầu. Đến mới thấy những đồng bào dân tộc khéo léo và canh tác giỏi đến mức nào. Mấy quả đồi thoai thoải với bề mặt thô ráp nay đã biến thành những ruộng bậc thang màu mỡ, với kết cấu hết sức độc đáo và bắt mắt, khi xanh mởn tràn đầy sức sống, khi vàng ươm ấm cả một góc trời.

Đến đây vào mùa lúa chín độ tháng 9, tháng 10, chẳng ai rời mắt khỏi những thửa ruộng vàng óng ánh ấy được. Những cô chú đồng bào dân tộc H’Mông và Hà Nhì hăng say lao động, kệ nắng kệ nóng. Họ nói cười, gánh lúa, chất rạ… tạo nên bức tranh sinh hoạt mùa vụ diễn ra sống động, căng đầy sức sống.

Những ruộng bậc thang với kết cấu độc đáo ở Ngải Thầu. Ảnh: Snowkimvn.
3. Lao Chải

Hãy về với Lao Chải để tận mắt chứng kiến những nét văn hóa hết sức độc đáo của người đồng bào dân tộc Hà Nhì. Họ sống trong từng bản gần nhau, ấm cúng với những ngôi nhà làm bằng đất hết sức lạ mắt và cũng chẳng kém phần chắc chắn.

Quần áo họ mặc nhiều màu sắc sặc sỡ và được thêu dệt công phu dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Hà Nhì. Họ có bộ lịch riêng và có những ngày lễ hội truyền thống độc đáo.

Khác với thành phố bộn bề, Lao Chải mang đến cho chúng ta một cảm nhận đúng nghĩa và sâu sắc về cuộc sống giữa bản làng, một cuộc sống đơn giản, chất phác, thân thiện và bình dị.

Ở đây không có rạp chiếu phim, không trung tâm thương mại, không nhà hát, không siêu thị... và càng không ồn ào, không vồn vã cũng chẳng xô bồ. Cuộc sống dễ chịu, êm và nhẹ nhàng.

Những ngôi nhà làm bằng đất độc đáo và chắc chắn của đồng bào Hà Nhì. Ảnh: Phantheduy.
4. Công viên Y Tý

Chỉ là một mảnh đất trống nằm phía cuối con đường dẫn đến bản Choản Thèn, nhưng “Công viên Y Tý” thực sự có ý nghĩa hết sức to lớn.

Đây là một điểm ngắm mây hấp dẫn, là chốn các phượt thủ dừng chân nghỉ ngơi sau một chặng đường dài, là nơi cho ra những tấm hình selfie với khung cảnh thích mắt vào những ngày nắng vàng với bầu trời xanh ngát.

Nhưng nơi đây còn ý nghĩa hơn khi được xem như là “thiên đường vui chơi”, là chốn trò chuyện, gặp gỡ và gắn kết tuồi thơ của biết bao trẻ em Hà Nhì.

Bọn trẻ chẳng có cầu trượt, chẳng có thú nhún cũng chẳng có xe lửa. "Công viên" chỉ cần là nơi chúng gặp và vui chơi với nhau, đơn giản và bình dị như tâm hồn, như cách sống của các em và của con người Hà Nhì vậy.

5. Ngải Thầu

Đây là một xã nằm gần biên giới phía bắc của huyện Bát Xát. Giống như nhiều xã vùng cao khác, nơi này cũng thường bị bao phủ bởi những lớp sương mù dày đặc. Đây quả thật là một nơi sinh ra để dành cho những người yêu thích khám phá.

Vừa đi xe máy vi vu qua những con đường ngoằn ngoèo, vừa ngắm cảnh, vừa dừng chân check in hay leo núi và thong thả khám phá thiên nhiên trên suốt đoạn hành trình thì còn gì vui bằng. Vì nằm ở trên cao, nơi này thực sự là một địa điểm “săn mây” đáng để thử.
Ngải Thầu hiện ra bí ẩn dưới màn sương mù dày đặc. Ảnh: Nguyen.daido.
6. Kỳ Quan San hay Bạch Mộc Lương Tử

Kỳ Quan San là “cột mốc thiên nhiên” phân định ranh giới 2 tỉnh Lào Cai - Lai Châu, và cũng là đỉnh núi cao nhất trong dãy Bạch Mộc Lương Tử nằm ở xã Sàng Ma Sáo. Ngọn núi cao 3.045 m, nằm trong top 5 ngọn núi cao nhất Việt Nam.

Nghe là thấy mệt rồi, nhìn thấy còn mệt hơn, nhưng trải nghiệm trên con đường này không còn chút mệt mỏi. Trên đường lên đỉnh núi có biết bao nhiêu chỗ check in cực đẹp, hệ sinh vật đa dạng và độc đáo, khám phá mãi không hết.

Đến đây, đi với bạn bè thì vui vẻ náo nhiệt, đi với “người ấy” thì lãng mạn, sâu lắng. Kỳ Quan San giống như một cậu bé ngoan biết cách chiều lòng tất cả vậy.

Cảm giác đứng bên nhau, cùng ngắm nhìn “thành quả leo trèo” của mình quả thật là rất tuyệt. Bạn sẽ thấy núi cao, trời xanh, nắng vàng, thấy cả cái cảm giác se se lạnh, và hơn hết là tận mắt nhìn thấy những đám mây cứ thế bao trùm lên mọi thứ. Đám mây “năng động” thì trôi nhanh theo gió, cái “lười biếng” hơn cứ chầm chậm đi, cái “có tuổi” mau mệt thì đứng yên một chỗ.

Một khi đã lên đến đỉnh núi, có lẽ chẳng ai nghĩ được gì nữa đâu. Họ dường như bị cuốn, bị hút, bị chìm đắm hết vào cái không gian thoáng đạt mà mơ mộng, hùng vĩ và quyến rũ này.

Kỳ Quan San - chốn săn mây lý tưởng. Ảnh: Binhminh.0612.
7. Nhìu Cồ San

Leo núi khó, leo núi với địa hình phức tạp còn khó hơn. Leo núi vào những đợt gió mùa lạnh buốt, khi Nhìu Cồ San đắm mình trong băng giá thì lại còn thách thức hơn nữa.

Khí hậu lạnh, sương mù dày đặc, độ ẩm cao, nhiệt độ thấp là những điều “thiên không thời, mà địa cũng chẳng lợi”. Nhưng một khi đã đến đây, các bạn hãy một lần thử thách chính mình, một lần bước đến và tự chinh phục đỉnh núi này - nơi vốn được mệnh danh là 1 trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam.

Mệt mỏi, vất vả và nguy hiểm, nhưng còn gì vui bằng cảm giác chiến thắng cả giới hạn của bản thân, cảm giác khoan khoái lâng lâng khi đặt chân lên đến đỉnh núi, ngắm nhìn biển mây bên dưới, selfie và mỉm cười tự hào về chính bản thân mình.

Nhìu Cồ San - ngọn núi khó chinh phục. Ảnh: Điệp Mun.

Tác giả bài viết: Phước Bình

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP