Bánh cuốn trứng
Bánh cuốn vốn là món ăn sáng thanh nhẹ và được nhiều người lựa chọn. Đặc biệt khi đến với Lạng Sơn, bạn không chỉ được thưởng thức món bánh cuốn thông thường mà còn được thưởng thức món bánh cuốn trứng trứ danh. Cũng được tráng như bột gạo nước nhưng thay vì phần nhân thịt mộc nhĩ thì ở đây người ta lại đập một quả trứng vào giữa nồi hấp rồi đậy nắp vung cho trứng chín hơi, sau đó mới dùng que tre gấp bánh lại và cho ra đĩa. Bên trên dĩa bánh cuốn được rắc chút thịt băm chà nguyễn có màu vàng nâu hấp dẫn.
Bạn có thể dặn ăn trứng chín kĩ hay chín lòng đào.
Nước dùng của bánh cuốn ở đây không phải là nước mắm pha như bình thường mà gồm một chút thịt xay rang khô và bông lên, rắc chút rau mùi thái nhỏ rồi mới rót lên thứ nước mắm chấm mỡ hành pha vừa vị. Đặc biệt theo đúng tinh thần xứ Lạng, mỗi bàn ăn đều có thêm một lọ măng ngâm ớt để khách hàng tùy ý gia giảm vào bát nước chấm của mình.
Nước chấm được giữ nóng trong bình ủ.
Lợn quay
Khác với món thịt quay từng miếng, xăm bì nổ lốp bốp ăn kèm củ kiệu ở dưới xuôi thì lợn quay Lạng Sơn quay nguyên cả con. Để cho ra được miếng lợn quay ăn một lần là nhớ của xứ Lạng rất kì công. Lợn được chọn quay là những con lợn có trọng lượng khoảng 25-30 kg. Cũng như món vịt quay, mắc mật là thứ lá không thể thiếu làm gia vị ướp lợn. Thịt lợn quay khi chín thì thơm nức với lớp bì đỏ au, bóng và giòn tan. Đĩa thịt lợn quay vàng với lớp da phồng giòn, lớp nạc trắng hồng, lớp mỡ mỏng mầu ngà, khi ăn, thịt vừa ngọt vừa giòn sẽ khiến bất kì ai nếm thử một lần đều sẽ nhớ mãi.
Sau khi quay chín, người bán hàng chia con lợn ra làm các phần để người mua dễ lựa chọn.
Vịt quay
Người ta nói đến Lạng Sơn mà không ăn vịt quay thì quả là một sự "lãng phí". Vịt quay ở Lạng Sơn chỉ nhìn và ngửi thôi cũng khiến bạn phát thèm bởi phần da quay đỏ au, bóng nhẫy mời gọi. Miếng thịt mềm, ngọt thơm khi ăn chấm với nước ướp lá mắc mật cùng gia vị được tiết ra trong bụng con vịt trong lúc quay được đổ ra bát, gia giảm xì dầu, ớt. Gắp một miếng thịt trên đĩa chấm với nước chấm đi kèm ấy mới thấy cái mềm, ngọt của thịt hoà cùng vị đậm đà của nước chấm khiến người ăn khó có thể dừng đũa. Ở Lạng Sơn, món vịt quay được bán ở hầu hết các nhà hàng, quán ăn.
Thịt vịt quay Lạng Sơn thơm, ngon và mềm tan nơi đầu lưỡi.
Phở vịt quay
Ngoài vịt quay, phở vịt quay là một món ăn nhất định bạn phải thử khi đến vùng đất của rượu Mẫu Sơn này. Món ăn này hấp dẫn người ăn bởi cái tên cũng như phần nguyên liệu lạ miệng. Thay vì sử dụng thịt bò hay thịt gà để chế biến thì phở ở đây lại sử dụng những miếng vịt quay thơm lừng với da đỏ bóng mỡ màng. Bên cạnh mỗi tô phở còn có một bát nước quay vịt hoặc một bát xì dầu đi kèm. Ngoài ra các quán ăn đều có sẵn lọ măng chua ngâm để ăn kèm giải ngấy.
Khâu nhục
Một món ăn lạ tai, vui miệng mà không kém phần đặc sắc khác của xứ Lạng là thịt khâu nhục. Khâu nhục chính là món ăn độc đáo và được coi là sang trọng của đồng bào người Nùng nơi đây. Món ăn đòi hỏi kĩ thuật nấu nướng phức tạp với rất nhiều loại gia vị đặc trưng như khoai lang, lá tàu soi. Món ăn đạt tiêu chuẩn khi không bị vỡ nát, màu đẹp, thịt ngọt mềm cùng lớp bì vàng rộm ngon mắt tỏa hương thơm ngào ngạt đánh thức vị giác. Khâu nhục ăn kèm với xôi, bánh gật gù hay cơm... đều rất ngon.
Món ăn có cách chế biến cầu kì, mùi vị hấp dẫn
Phở chua
Phở chua là khúc biến tấu thú vị của phở truyền thống và có hương vị đặc biệt hấp dẫn. Một tô phở chua truyền thống của xứ Lạng cần đến hơn 10 loại nguyên liệu đặc biệt như: bánh phở, khoai lang, gan lợn, dạ dày, thịt ba chỉ quay xá xíu, lạp xườn, bột chao, lạc, dưa chuột cùng các loại rau thơm... Phở chua, nhờ cách thức chế biến cầu kỳ như vậy, hội tụ đầy đủ “ngũ vị” với giòn, bùi của khoai, của lạc, vị ngậy của thịt xá xíu, cay của ớt, lại man mát của miếng dưa chuột, chua dịu của nước dùng, cay của thứ măng ớt gia giảm. Đây là một món ăn mang đậm bản sắc Lạng Sơn.
Coóng phù
Nếu muốn tìm một món ngọt ấm nóng ở xứ Lạng thì coóng phù là món ăn không thể phù hợp hơn. Coóng phù vừa giống bánh trôi, vừa giống bánh trôi tàu. Giống bánh trôi ở phần bột nếp với những viên bột tròn nhỏ xinh, giống bánh trôi tàu ở phần nước đường nâu thơm lừng mùi gừng, lại có dừa, lạc ăn kèm. Ăn miếng bánh kèm thứ nước dùng thơm lừng, nóng hổi vào những ngày lành lành, bạn sẽ thấy cái lạnh nơi miền núi dường như trôi đi đâu xa lắm...
Mỗi bát bánh coóng phù có cả viên bánh gấc và viên bánh trắng, chan thứ nước nâu nấu từ đường hoa mai và gừng thơm nức rồi rắc lên chút dừa dạo cùng lạc rang.
Tác giả bài viết: hatran/theo Bleu