Bạn muốn nghỉ ngơi giữa những ngày tháng làm việc mệt mỏi nhưng lại không có quá nhiều thời gian cho chuyến du lịch dài ngày. Vì thế, thay vì tiếp tục chịu stress, sao bạn không thử “trốn” khỏi thành phố đông đúc kia và cùng bạn bè đi cắm trại ở những địa điểm giản dị nhưng lại hứa hẹn rất nhiều thú vị.
1. Núi Trầm
Núi Trầm nằm ở xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ – trên con đường QL6 hướng Hà Nội, Sơn La. Vừa là một di tích vừa là danh lam thắng cảnh, khi tham quan Núi Trầm bạn còn có thể khám phá những hang động, đường mòn với cảnh vật kỳ vĩ, hoặc hòa mình vào chốn linh thiêng với các ngôi chùa cổ như Chùa Trầm, Chùa Vô Vi, Chùa Long Tiên,..
Cảnh quan hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng khi đứng trên đỉnh núi Trầm nhìn xuống.
Nhờ địa hình núi đá, bạn có thể có được những bức ảnh “diễn sâu” ảo diệu. Mặt khác thiên nhiên núi trầm tháng 4 còn có những bông hoa gạo đỏ rực trời mà chắc chắn không dân nghiền du lịch nào muốn bỏ lỡ.
Nhờ địa hình thú vị mà bạn có thể "để đời" bức ảnh nghệ thuật không kém gì những tay trekking chuyên nghiệp.
Lịch trình chi tiết:
Ngày 1: Hà Nội – Núi Trầm
Chiều tối: Xuất phát đi Núi Trầm theo hướng Sơn La (20km)
Tối: Đến núi Trầm, gửi xe và leo lên núi chọn chỗ cắm trại. Vì địa hình đặc trưng nhiều đá và cây bụi nên bạn tránh đi vào khoảng thời gian nhiều mưa và chọn chỗ bằng phẳng, hướng nhìn thoáng.
Ngày 2: Núi Trầm – Xuân Mai – Hà Nội
Sáng: Dậy sớm ngắm bình minh, thu dọn đồ đạc và bắt đầu leo, khám phá núi Trầm, chùa Trầm, chùa Long Tiên…
Trưa: Ăn trưa tại núi Trầm, từ đây bạn có thể xuất phát về Hà Nội hoặc xuôi tiếp theo QL 6 xuống Xuân Mai thăm ĐH Lâm Nghiệp (trường ĐH có khuôn viên cực rộng và đẹp gần Hà Nội), ăn vặt.
Chiều: Có mặt ở Hà Nội.
Một số hình ảnh cắm trại tại Núi Trầm. Vì là một cuộc du hành về với Mẹ thiên nhiên thực thụ nên bạn cần chuẩn bị cho mình đầy đủ dụng cụ và thức ăn để có thể tự nấu nướng cho chuyến đi của mình.
Chi phí:
Ăn sáng, trưa, tối: 100k
Thuê lều bạt, dụng cụ nướng: 50k
Gửi xe: 15k
Tổng chi phí: 165k (190k nếu gồm xăng xe)
Hình ảnh: Trung Hiếu (hieuht28)
2. Núi Hàm Lợn (Sóc Sơn)
Được dân phượt biết đến nhiều trong khoảng 3 năm trở lại đây, núi Hàm Lợn đã trở thành một trong các địa điểm cắm trại “tủ”của người trẻ dịp cuối tuần bởi sự mát mẻ, trong lành, nhất là không quá xa Hà Nội (chỉ khoảng gần 40km), đường đi dễ tìm lại có thể kết hợp hoạt động leo núi dã ngoại.
Hàm Lợn là địa điểm mới nhưng lại khá hot với giới trẻ.
Lịch trình chi tiết:
Ngày 1: Hàm Lợn – Hà Nội
Chiều: xuất phát Hà Nội đi hướng Nội Bài . Nên xuất phát từ khoảng 1h chiều, khoảng 14:30, 15:00 sẽ đến núi Hàm Lợn.
Các bạn nên đặt thuê lều, mua củi và than đốt lửa luôn tại đây mà không cần lỉnh kỉnh đem từ nhà đi vì hiện tại Hàm Lợn đã có nhiều nhà làm dịch vụ.
Tối: Thuê lều và leo lên núi cắm trại. Để di chuyển lên núi các bạn sẽ cần thêm khoảng 30p và nhớ hỏi thông tin cẩn thận, đồng thời đi theo cung đường có nhiều dấu chân, vì địa hình Hàm Lợn nhiều cỏ cây, lá rụng không cẩn thận sẽ bị lạc.
Đêm: Đốt lửa trại & ăn đồ nướng.
Đây cũng được coi là một địa điểm cắm trại thú vị.
Ngày 2: Hàm Lợn – Tây Thiên – Hà Nội
Dậy sớm thu dọn lều trại sau đó ăn sáng, dọn lều và bắt đầu leo lên đỉnh Hàm Lợn ngắm bình minh và TP Hà Nội từ trên cao. Từ đây là khoảng thời gian dễ bị lạc đường nhất vì có nhiều ngã rẽ, hãy chuẩn bị sẵn bản đồ hoặc hỏi người dân để nhờ trợ giúp khi cần thiết. Cả quãng đường leo và về mất từ 2 – 2,5h.
Khung cảnh trữ tình chắc chắn sẽ xua tan được mệt mỏi trong bạn.
Trưa: Trả lều, nghỉ ngơi lấy đồ và chuẩn bị xuất phát về Hà Nội.
Từ đây, các bạn có thể tiện thể ra chơi hồ Hàm Lợn ở ngay dưới chân núi, hoặc đi thêm 45km khám phá thiền viện Trúc Lâm trong ngày.
Tối: Trở về Hà Nội, kết thúc hành trình.
Chi phí:
Ăn sáng, trưa, tối: 100k (bánh mì, pate hộp, hoa quả, gà để nướng)
Thuê dụng cụ nướng, lều bạt: 50k
Phí gửi xe: 10k
Lưu ý:
* Nên mang thêm thuốc chống côn trùng vì địa hình nhiều cây nên bạn dễ gặp muỗi, vắt
* Nên mang áo khoác lót bên dưới khi nằm vì thời tiết về đêm rất lạnh và ẩm
* Tổng chi phí: 160k (200k nếu gồm xăng xe)
3. Đồng cao – Bắc Giang
Nằm ở cách Hà Nội khoảng 170km có một địa điểm cắm trại tuyệt đẹp là Đồng Cao. Đúng với cái tên của nó, Đồng Cao tựa như một thảo nguyên giữa miền trung du với những quả đồi nhấp nhô chỉ có cỏ, cây bụi và khoảng trời rực rỡ đầy sao về đêm. Dù quãng đường di chuyển có khoảng 10km khá khó đi (đường đất nhỏ và rất lầy lội khi có mưa) nhưng điều đó cũng không ngăn cản được các bạn trẻ tìm đến đây để “trốn” sự nóng nực của Hà Nội mỗi cuối tuần.
Cảnh tượng khiến người ta liên tưởng đến những bộ phim vùng thảo nguyên mênh mông.
Ngày 1: Hà Nội – Đồng Cao
Trưa: Xuất phát đi Đồng Cao. Quãng đường Hà Nội – Đồng Cao đi qua TP Bắc Giang lên phía bắc, qua QL 1A và QL 31, đường khá đẹp nhưng nhiều xe và hay có kiểm soát tốc độ. Các bạn nên chuẩn bị đủ các giấy tờ cũng như tuân thủ luật giao thông. Đặc biệt không nên đi theo các đường nhỏ trên google maps sẽ bị kéo dài thời gian.
Quá trình di chuyển mất khoảng 3,5 tiếng. Sau khi đi được khoảng 150km nên hỏi tiếp người dân vì từ đây google sẽ không thể định vị được.
Tối: Tới Đồng Cao, bạn gửi xe tại nhà dân ngay dưới điểm cắm trại (nhớ dắt xe vào trong nhà nếu không có thể mất), mua luôn củi để họ mang lên.
Các bạn di chuyển lên khu vực cắm trại trên Đồng Cao, tự do chọn địa điểm đặt lều, nhưng lưu ý nên đặt quay mặt về hướng Đông để có thể ngắm mặt trời buổi sáng.
Đêm: Ăn nướng, đốt lửa trại và ngắm bầu trời đầy sao ở Đồng Cao.
Các bạn trẻ không chỉ được thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên nơi đây mà còn có thể tổ chức những trò chơi tập thể bởi không gian đồng cỏ rộng lớn.
Ngày 2: Đồng Cao – Hà Nội
Sáng: Dậy sớm leo lên đỉnh đồi phía sau để ngắm bình mình. Từ khoảng 6h đến 6h30 là thời điểm ngắm bình minh đẹp nhất với cảnh mặt trời nhô lên từ sau dãy núi và rải nắng xuống thung lũng nhỏ bên dưới. Hãy chuẩn bị máy ảnh sẵn sàng vì bạn sẽ không muốn bỏ lỡ khoảnh khắc kỳ diệu này đâu.
Sau khi ngắm mặt trời, các bạn nên di chuyển ra cột sóng Vinaphone để ngắm hết cảnh vật Đồng Cao, chụp ảnh với trảng cỏ xanh ngắt rồi quay về trại thu dọn đồ đạc.
Trưa: Thu dọn đồ đạc trở về Hà Nội, trên đường về các bạn có thể ghé qua TP Bắc Giang hay dừng lại mua các sản vật đặc trưng của nơi này như vải, táo, củ đậu, bánh đa,…
Chiều: Về tới Hà Nội, trả đồ đạc.
Chi phí:
Ăn sáng, trưa, tối: 100k
Thuê lều bạt, dụng cụ nướng, mua củi: 60k (1 bó củi 50k nhóm 5 – 6 người đốt thoải mái, lều bạt giá chỉ khoảng 180k/lều 6 người có 2 lớp)
Gửi xe: 10k
Tổng chi phí: 170k (250k nếu gồm xăng xe)
Lưu ý:
* Nên mang áo khoác vì ở đây chênh lệch nhiệt độ khá cao giữa ngày và đêm
* Nên cắm trại ở chỗ thấp và không hút gió
* Nên thuê trước đồ tại Hà Nội
Tác giả bài viết: E.D