Tình trạng xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em gái cũng có chiều hướng gia tăng. Đây là điều đáng lo ngại trong nỗ lực xây dựng “thành phố 4 an” mà Đà Nẵng đã và đang triển khai.
Báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng cho thấy, trong 5 năm qua, trên địa bàn thành phố xảy ra 21 vụ hiếp dâm, cưỡng dâm phụ nữ, hơn 120 vụ xâm hại trẻ em.
Trung tá Lê Thị Thu Huyền, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TP Đà Nẵng đề xuất cách tiếp cận khác về bạo lực gia đình |
Theo bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng, con số này chỉ là bề nổi, bởi còn nhiều vụ việc chưa được phát hiện hoặc có phát hiện nhưng người bị hại hoặc gia đình nạn nhân ngại làm đơn tố cáo.
Bà Tám nêu lại một thực tế đau lòng cách đây 4 năm ở huyện Hòa Vang. Đó là trường hợp cháu gái 11 tuổi bị người hàng xóm 22 tuổi xâm hại tình dục nhiều. Đến khi đối tượng xâm hại cả 2 mẹ con thì người mẹ mới lên tiếng tố cáo.
Khi đơn tố giác gởi lên chính quyền địa phương thì lại bị “ngâm” cả mấy tháng liền.
Đích thân bà Lê Thị Tám đứng ra làm đơn tố cáo gửi Trưởng Công an quận, vụ việc mới được xử lý.
Đại diện ngành Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, đa số các vụ xâm hại tình dục trẻ em do ảnh hưởng bởi các trang mạng xã hội.
Nhiều vụ đối tượng xâm hại tình dục với trẻ em gái độ tuổi từ 13 đến 15 tuổi có sự đồng tình của người bị hại.
Một nguyên nhân nữa là nhận thức của người dân về luật pháp còn hạn chế. Đối tượng phạm tội chưa đến tuổi vị thành niên thường rất “mù mờ” về pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Cảnh, Chánh Tòa Hình sự, Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết: “Các đối tượng giao cấu với trẻ em thường là giới trẻ. Nhiều người cứ nghĩ quan hệ với những bé gái từ 13 tuổi đến 16 tuổi là yêu nhau nên có quyền thực hiện hành vi đó. Có người không biết gì về pháp luật, đến khi ra phiên tòa tuyên án rồi mới đứng khóc. Cũng có nhiều người tuổi trưởng thành rồi mà không hiểu kỹ về mức hình phạt khi bị phạm tội sẽ xử lý như thế nào”.
Tình trạng bạo bạo lực gia đình mà người bị hại là phụ nữ và trẻ em đang ở mức báo động.
Tại Diễn đàn đối thoại phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng tổ chức mới đây, có ý kiến cho rằng, nguyên nhân của bạo lực gia đình do người chồng nghiện rượu.
Trung tá Lê Thị Thu Huyền, Chủ tịch Hội phụ nữ Công an thành phố Đà Nẵng nhìn nhận ở một khía cạnh khác, sâu xa hơn: “Nguyên nhân sâu xa là bất bình đẳng giới dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình. Chính vì vậy, chúng ta phải giải quyết được nhận thức cho những đối tượng gây bạo lực gia đình. Đó chính là nam giới. Vấn đề đầu tiên trong truyền thông, chúng ta phải lựa chọn đối tượng phù hợp hơn. Đối với phụ nữ và trẻ em gái, chúng ta phải nâng cao hơn nữa khả năng tự tin đối với bản thân. Riêng đối với trẻ em gái thì các cháu cần phải dạy nhiều hơn về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình”.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng, để hạn chế bạo lực gia đình, bên cạnh việc tăng cường nhận thức, cần xử lý theo đúng quy định của pháp luật để răn đe.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, trong văn hóa gia đình, văn hóa làng xã thường “dĩ hòa vi quý”. Do đó, để hạn chế bạo lực gia đình, chấm dứt tình trạng xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái cần giáo dục từ gốc rễ.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị có biện pháp mạnh để giáo dục, răn đe các hành vi phạm tội |
Bên cạnh đó là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và liên ngành về việc thực hiện các hoạt động bình đẳng giới, xử lý phù hợp, kịp thời các trường hợp bạo lực, gây ra bạo lực.
"Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm vận động nguồn lực, trao đổi, học tập kinh nghiệm với các nước, các tổ chức quốc tế trong việc phát hiện, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới”, ông Đức Thơ nói./.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo VOV