Du lịch

12 địa danh không chào đón khách tới ồ ạt

Lo ngại tổn hại đến môi trường và xáo trộn cuộc sống của người bản xứ, một số địa danh du lịch nổi tiếng xem xét việc hạn chế số lượng du khách.


Santorini, Hy Lạp: Hòn đảo nổi tiếng với tông màu xanh và trắng sẽ thay đổi đáng kể trong thời gian tới, nhằm hạn chế làn sóng du khách đi tàu biển với số lượng lên tới 10.000 người mỗi ngày trong mùa cao điểm từ tháng 5-9. Vào năm 2017, hòn đảo sẽ bắt đầu giới hạn số lượng du khách xuống 8.000 người/ngày.

Nauy: Theo tờ The Local, Norsk Friluftsliv, Nauy đang kêu gọi giới hạn du khách trekking tới các điểm nổi tiếng bao gồm Preikestolen (Pulpit Rock) và Trolltunga (Troll Tongue - Lưỡi Quỷ). Đội cứu trợ của Nauy đã thực hiện 34 cuộc giải cứu khẩn cấp ở Pulpit Rock năm nay. Do số lượng tai nạn và chấn thương khá nhiều, Hiệp hội Du lịch Nauy hồi tháng 8 đã kêu gọi ban hành điều luật mới, cấm du khách trèo lên địa điểm này.

Venice (Italy): Ngoài việc mực nước tăng lên đe dọa cơ sở hạ tầng, thành phố của tình yêu còn chứng kiến lượng du khách đổ về đây mỗi lúc một tăng. Một số học giả cho rằng người Venice gốc sẽ hoàn toàn không còn sống ở đây vào năm 2030 do du khách tăng, giá thuê tăng khiến người bản xứ không còn khả năng chi trả.

Để giảm lượng khách du lịch, nhóm Italia Nostra đề nghị chính quyền cấm tàu thuyền trong cảng, và các nhóm khách đông phải đặt từ trước khi đến thành phố.


Koh Tachai, Thái Lan: Hòn đảo này thuộc công viên quốc gia Similan, phải đóng cửa từ tháng 10/2015 sau khi đón quá đông khách du lịch. Ba hòn đảo gồm Koh Khai Nok, Koh Khai Nui, và Koh Khai Nai ở Phuket cũng noi gương. Các hãng lữ hành phải tuân theo quy định nghiêm chỉnh về việc du khách đến vào thời gian nào, ở đâu, và đi các đảo như thế nào. Các loại ghế và dù bên bờ biển cũng bị rời đi.

Công viên quốc gia Zion, Utah, Mỹ: Zion dự kiến đón con số kỷ lục năm nay, với 4 triệu du khách. Tuy nhiên, để tránh tình trạng đất bị xói mòn, các phương tiện bị quá tải, lãnh đạo công viên đang xem xét hạn chế số lượng khách du lich qua hệ thống đặt chỗ mới.

Barcelona, Tây Ban Nha: Kế hoạch của các nhà quản lý là cân bằng giữa lợi ích của du khách và dân địa phương, ra chính sách hạn chế trước khi mọi việc trở nên mất kiểm soát. Tháng 5/2016, thành phố xem xét áp dụng loại thuế du lịch mới dành cho du khách vào thành phố mà không ở qua đêm, và du khách đi tàu thuyền.

Bhutan: Nằm ở phía tây dãy Himalaya, vương quốc Phật giáo Bhutan tự hào về du lịch “ít mà chất”. Tất cả du khách nước ngoài, trừ những người mang hộ chiếu Ấn Độ, Maldives, Bangladesh, đều phải xin visa và đặt tour qua một hãng lữ hành của Bhutan.

Du khách còn phải trả trước gói tour ngày tối thiểu với mức 200-250 USD một ngày, tùy theo tháng do Chính phủ hoàng gia Bhutan quy định, trả bằng cách chuyển tiền qua Ủy ban Du lịch Bhutan. Mức phí bao gồm nơi ở, các bữa ăn, hướng dẫn viên, phương tiện đi lại, chăm sóc sức khỏe, xóa đói giảm nghèo. Chỉ 155.121 du khách đến Bhutan năm 2015, trong đó 57.537 du khách quốc tế, còn lại là du khách Ấn Độ, Bangladesh và Maldives.


Iceland: Vào tháng 5/2015, số lượng du khách đến Iceland tăng 76% so với cùng kỳ năm 2014, và vào năm 2017, Iceland sẽ có nhiều du khách Mỹ hơn cả số dân của nước này. Hiện tại, Ban Du lịch Iceland và Trung tâm Nghiên cứu Du lịch đang tìm hiểu về sự quá tải của các địa danh trước khi thực hiện biện pháp xử lý.

Machu Picchu, Peru: UNESCO đang khuyến khích áp dụng các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ số du khách đến Machu Picchu. Du khách nước ngoài phải thuê hướng dẫn viên, theo một trong 3 lối vào khu quần thể, và giới hạn về thời gian thăm thú để tránh tình trạng quá tải. Năm 2014, khoảng 1,2 triệu du khách ghé thăm thành Inca, vượt con số giới hạn ngày là 2.500 do Peru và UNESCO quy định. Thành cổ đã bị liệt vào danh sách “nguy hiểm” của UNESCO hồi đầu năm.

Cinque Terre, Italy: Cụm 5 làng đẹp như tranh dọc biển Liguria, Cinque Terre là một trong những địa điểm nổi tiếng nhất ở Italy. Tuy nhiên, các nhà chức trách mới đây đã công bố kế hoạch giới hạn số người được phép đến du lịch với lo ngại về vấn đề môi trường. 2,5 triệu du khách đến Cinque Terre trong năm 2015, con số này sẽ được giới hạn còn 1,5 triệu từ giờ trở đi.

Nam Cực: Vào năm 2009, lượng du khách đột biến dẫn tới việc phê chuẩn Hiệp ước Nam Cực. Trong đó, tàu biển trên 500 khách không được cập bến, số lượng du khách trên bờ chỉ giới hạn 100 người. Du khách tới môi trường hoang sơ sẽ phải đăng ký qua hãng lữ hành và các nhà tổ chức được chính quyền phê chuẩn. Thời gian trên bờ cũng như chèo thuyền đều bị kiểm soát nghiêm ngặt.

Đỉnh Everest: Chính phủ Nepal thực hiện các bước kiểm soát khách du lịch như tăng phí cho du khách ngoại quốc leo núi từ 10.000 lên 11.000 USD, và thành lập văn phòng liên lạc tại base camp để kiểm tra kinh nghiệm, tình trạng sức khỏe và khả năng leo núi của du khách. Tháng 9/2015, Nepal cấm những người mới tập leo núi, đồng thời xem xét quy định giới hạn tuổi. Ngoài ra, các nhóm cũng giảm về số lượng để tránh bị quá tải.

Tác giả bài viết: Thúy Nguyễn, Ảnh: Getty

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP