Cà phê Đức Lập
Đức Lập là tên cũ của huyện lỵ Đắk Mil, một địa phương có đất đai, thổ nhưỡng rất phù hợp với cây cà phê. Hiện nay, Đắk Mil có diện tích cà phê lớn nhất của tỉnh. Do thuận lợi về tự nhiên; mặt khác, người dân địa phương đã có kinh nghiệm chăm sóc, thu hoạch, sơ chế… nên hạt cà phê Đắk Mil có chất lượng cao.
Thời gian qua, ngoài việc cung cấp nguồn nguyên liệu xuất khẩu, một số đơn vị đã đầu tư sản xuất cà phê bột mang thương hiệu Cà phê Đức Lập đã tạo ra dấu ấn riêng trên thị trường.
Hạt tiêu Đắk N’rung
Hạt tiêu ở Đắk Nông được trồng nhiều ở xã Đắk N’rung, huyện Đắk Song cách thị xã Gia Nghĩa khoảng 45 km, chất lượng cao và được xem là vựa tiêu Đắk Nông.
Hạt tiêu là gia vị khó thiếu trong bữa ăn hàng ngày, có tác dụng kích thích tiêu hóa, chống chứng táo bón, buồn nôn và bệnh viêm khớp mãn tính, diệt vi khuẩn ngăn ngừa một số bệnh ung thư và tim mạch. Hạt tiêu đen được dùng chữa cảm hàn do nó làm toát mồ hôi, tan khí lạnh ở ngoài và làm ấm bụng, tăng sức nóng ở trong. Còn tiêu sọ (tiêu trắng) chuyên trị tiêu chảy, thổ tả, có tác dụng sát vi khuẩn
Khoai lang Tuy Đức
Nhiều năm nay, người tiêu dùng đã biết đến khoai lang Tuy Đức. Xuất xứ của sản phẩm này là từ những năm đầu mới thành lập tỉnh, người dân xã Đắk Búk So (huyện Đắk R’lấp nay thuộc địa bàn huyện Tuy Đức) đã đưa giống khoai lang Benzen có nguồn gốc từ Nhật Bản về trồng.
Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên khoai lang ở Tuy Đức đạt năng suất cao, mang hương vị đặc trưng riêng: thơm ngon, bùi, ngọt, hàm lượng tinh bột và dinh dưỡng cao; được người tiêu dùng ưa chuộng, nhiều doanh nghiệp thu mua để sản xuất ra các mặt hàng như bánh, mứt, kẹo… và xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Singapore, Malaysia.
Bơ sáp Đắk Mil
Đắk Nông nổi tiếng với bơ sáp và được xem là thương hiệu của vùng đất Tây Nguyên. Trái thường dài dạng như quả lê, quả đu đủ; vỏ trái mỏng thường trơn tru; khi chín có màu xanh, vàng xanh hay đỏ tím, đỏ sẫm tùy giống; vỏ hạt mỏng, mặt ngoài hạt trơn láng. Bơ là một trong những loại trái cây không chứa cholesterol mà lại có nhiều chất béo (hàm lượng chất béo rất cao 15-30%) tốt cho cơ thể con người. Mùa thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 9, Bơ sáp được trồng nhiều tại huyện Đắk Mil.
Ổi Đắk Glong
Đắk Glong là địa phương có nhiều trang trại trồng cây ăn trái như cam, quýt, bơ, thanh long ruột đỏ, dưa, chuối… Những năm gần đây, nhiều người dân huyện Đắk Glong đã đưa giống ổi ứng dụng công nghệ cao vào trồng.
Đây là giống “ổi siêu sạch” với nhiều khâu chăm sóc cây được tiến hành một cách chặt chẽ đúng quy trình kỹ thuật, nhất là đảm bảo cách ly một cách tốt nhất với các loại thuốc như trừ sâu, bón lá… Khi trái ổi lớn bằng ngón chân cái, đã được bọc bằng bao xốp và bao ni lông để tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tránh thuốc trừ sâu, thuốc cỏ, côn trùng hại quả… Nhờ thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất Đắk Glong nên ổi phát triển tốt, trái bóng đẹp, giòn, ngọt dịu và cho trái quanh năm.
Xoài Đắk Gằn
Ở xã Đắk Gằn, cây xoài được trồng tập trung các thôn: Tân Lập, Tân Lợi, Trung Hòa và Bắc Sơn. Đây là vùng đồi đất dốc cát pha, sét pha cát có nhiều sỏi đá, rất cằn cỗi, không phù hợp với các loại cây trồng khác.
Cây xoài trồng ở Đắk Gằn sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, chi phí đầu tư chăm bón ít, không vất vả. Khi đưa vườn cây vào kinh doanh, cây xoài cho năng suất cao và chất lượng thơm ngon hơn ởnhiều địa phương khác.
Sầu riêng Đắk Mil
Sầu riêng Đắk Nông có hương thơm, vị béo ngọt khiến cho ai đã thưởng thức một lần thì nhớ mãi và ngon nhất vẫn là sầu riêng được trồng tại huyện Đắk Mil. Sầu riêng Đắk Mil được nhiều người biết đến với mệnh danh là “ông vua” của các loại cây ăn quả. Sầu riêng Đăk Mil đem lại năng suất cao, hương vị đậm đà, đặc trưng của vùng đất đỏ bazan.
Rượu cần
Bất kể lễ hội, lễ tết nào trong năm, người Tây Nguyên nói chung và người dân Đắk Nông nói riêng đều quây quần bên nhau bên ché rượu cần, say điệu cồng chiêng và nhảy múa dưới ánh lửa bập bùng. Rượu được cho một sản vật được Trời (Yang) sai thần linh mách bảo con người làm ra để cúng tế.
Người Tây Nguyên uống rượu bằng cần và chụm nhau vào uống chung trong một ché rượu mà không sợ mất vệ sinh. Cách làm ra loại rượu đặc trưng này cũng rất đơn giản. Người ta chỉ việc cho men vào cơm và ủ trong ché rượu trong khoảng 5-6 ngày thì thành rượu cần. Song cũng có những người thích hạ thổ đến hàng năm mới đem ra uống. Ở nhiều vùng khác nhau rượu cần còn có nhiều phiên bản khác như rượu kê, bo bo, mì, bắp…
Cà đắng
Cà đắng vốn là loại cà mọc dại. Sau được người dân đem về trồng và tạo ra một giống cà đắng ít đắng hơn. Cà có quả thon dài, trái có vằn dọc trắng xanh như trái dưa. Vị cà đắng đăng đắng như khổ qua rừng rất hấp dẫn. Người trong buôn thường dùng cà để nấu canh, kho cá khô hoặc kho tép. Món ăn nào cũng đặc trưng vị đắng, vị cay khiến ai ăn một lần cũng muốn dùng nữa.
Măng chua rừng
Trong những miếng ngon của rừng, măng chua cũng là một món ăn khoái khẩu của đồng bào dân tộc. Măng tươi giã dập với ớt rồi đem ủ trong chộ sành, khoảng hai tuần sau, măng chua đến độ vừa dùng. Miếng măng giòn tan, cả nước lẫn cái đều có vị chua, cay, đắng, ngọt. Măng chua nấu với cá trê, măng chua nấu gà khiến bạn ăn quên no…
Tác giả bài viết: Tùng Anh