Cơm cháy
Món ăn mộc mạc này có mặt trong 10 đặc sản của Việt Nam được công nhận là món ngon kỷ lục châu Á. Cơm được nấu từ gạo nếp hương, hạt nào hạt nấy tròn mẩy, khi nấu sử dụng bếp gang và điều chỉnh lửa thích hợp để cơm cháy đều ở đáy. Phần cơm cháy này được phơi hai ba lượt nắng rồi mới mang chiên trước khi ăn.
Cơm cháy thường được ăn kèm với thịt dê hoặc tim cật xào hành tây. Món ăn này rất phổ biến và được đóng gói, tiện mua làm quà. Ảnh: Đoàn Thương
Tái dê
Dê núi Ninh Bình săn chắc, ngọt thịt, đã thử một lần thì rất khó quên. Dù được chế biến thành hàng chục món hấp dẫn nhưng tái dê vẫn là món ăn độc đáo với hương vị nổi bật nhất. Thịt dê nhúng sôi cho chín tái rồi thái mỏng, trộn chung với lá chanh, ớt tươi, gừng, sả, vừng rang, nước cốt chanh là hoàn thiện. Chấm tương gừng và ăn kèm với lá mơ, lá sung, khế, chuối chát, món ăn này không chỉ ngon mà còn rất bổ dưỡng. Ảnh: triipbook
Nem dê
Loại thịt giòn, dai, thơm, ít mỡ từ dê núi lại được người dân Ninh Bình khéo léo sử dụng làm món nem vốn phổ biến trong đời sống. Không lẫn với hương vị của bất cứ loại nem nào khác, nem dê rất đắt hàng và được bán với giá khoảng 100.000 đồng/quả nem hai lạng. Ảnh: Trang Trần
Gỏi cá nhệch
Kim Sơn là nơi được xem có món gỏi cá nhệch ngon nhất. Cùng họ với lươn, cá nhệch không hề dễ bắt. Món ăn này cũng được sơ chế cầu kỳ, do đó thực khách không còn cảm thấy vị tanh khi thưởng thức. Cắt thịt cá thành lát, trộn với thính làm bằng gạo nếp rang, dùng da cá rán giòn cuộn với gỏi, tận dụng xương cá để nấu dấm. Dấm được pha chế với nhiều nguyên liệu khác để làm nên nước chấm gỏi có màu cam sậm đẹp mắt, thơm nồng, hương vị có một không hai. Ảnh: Tùng Việt
Cà niễng
Hương vị đồng quê thể hiện rõ nét trong món ăn làm từ những con cà niễng cư trú trong các bãi gò chuyên trồng lạc, ngô, khoai. Cà niễng rang với gia vị nêm nếm vừa miệng là món ăn giản dị được đặt trong mâm cơm cùng các món canh rau. Ảnh: vietq
Xôi trứng kiến
Công cuộc thu hoạch trứng kiến khi vào mùa (từ rằm tháng hai âm lịch) không hề đơn giản, do đó món xôi trứng kiến của vùng Nho Quan càng thêm phần nổi tiếng. Nếp dẻo thơm quyện lẫn với những hạt trứng kiến béo tròn. Thậm chí không cần món ăn kèm nào, thực khách cũng có thể nhón hết cả đĩa xôi từ lúc nào không hay. Ảnh: dulichninhbinh365
Cá kho gáo
Nguyên liệu làm nên hương vị của món ăn này là quả gáo, được tìm thấy ở cây gáo mọc ven chân đồi hoặc khe suối. Quả gáo dùng để nấu các món chua, tương tự như quả sấu ở Hà Nội. Cá kho với gáo không còn mùi tanh, lại nổi bật hương vị khác lạ, ăn rất đưa cơm. Ảnh: dulichninhbinh365
Ốc núi
Ốc núi được tìm thấy nhiều nhất trên các vùng núi đá vôi ở Nho Quan. Người ta săn ốc núi vào mùa mưa, khi ốc bắt đầu bò ra từ các hang hốc để đi kiếm ăn. Ốc sống trên núi nên thường ăn lá rừng, trong đó có nhiều loại lá thuốc, bởi vậy người ta còn gọi đây là ốc thuốc. Ốc được để nguyên ruột và chế biến thành các món gỏi, xào sả ớt, hấp gừng… Thịt ốc dai, giòn và nhiều dinh dưỡng. Ảnh: vubao
Mắm tép
Những con tép riu bé xíu được trộn chung với thính gạo và muối, đổ nước đun sôi để nguội và ủ trong vòng nửa năm. Mẻ mắm tép ngon có màu sắc hấp dẫn, thơm, vị mặn ngọt kích thích vị giác, dùng để chấm rau hoặc thịt luộc rất hợp. Mắm tép của huyện Gia Viễn đã trở thành đặc sản thường xuyên được du khách đặt mua. Ảnh: citinews
Rượu cần Nho Quan
Loại rượu này không cần nấu mà ủ trong vò sành trên ba tháng để rượu chín rồi mới mang ra dùng. Khi muốn uống, người ta đổ nước vào trong vò rượu, dùng thân cây trúc làm cần rượu và hút, không dùng chén. Nước rượu đầu bao giờ cũng đậm và thơm nhất. Uống rượu cần trong không khí quây quần, chuyện trò, múa hát là trải nghiệm đáng nhớ của nhiều du khách khi đến đây. Ảnh: ngaynay
Tác giả bài viết: Phiêu Linh