Hàng ngàn người dân miền Trung đứng trước nguy cơ mất trắng vì hình thức huy động vốn kinh doanh “đa cấp” tài chính của GFDI - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG |
Tại sao trong một thời gian dài, doanh nghiệp này ký hợp đồng vay với hơn 7.500 khách hàng, quảng bá tưng bừng khắp miền Trung nhiều năm qua lại không bị phát hiện dấu hiệu gian dối?
Kiểu đầu tư tài chính, đầu tư thực hiện dự án rồi khi huy động được vốn thì chỉ quay vòng lấy của người sau trả người trước và việc trích hoa hồng cho người giới thiệu là dấu hiệu của kiểu đa cấp biến tướng nhưng không được phát hiện và xử lý sớm, nhiều trường hợp vỡ trận rồi mới xử lý thì hậu quả đã rất nặng nề. Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) |
Cả khách hàng lẫn nhân viên cùng bị lừa
Thành lập tại Đà Nẵng rồi nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, mô hình kinh doanh của GFDI đã dùng nhiều chiêu trò, thủ thuật để lôi kéo người dân cùng góp vốn.
Tại Đà Nẵng, công ty này thường xuyên có các hoạt động tài trợ giải đấu thể thao và quảng bá tưng bừng trên các nền tảng số, văn phòng phẩm…
Không riêng khách hàng, nhiều nhân viên của công ty cũng đã "trao trọn niềm tin" khi vay mượn tài sản và huy động từ người thân nhiều tỉ đồng để gửi vào công ty ăn lãi suất cao.
Chưa hết hoảng hốt kể từ khi nội bộ công ty đưa ra quyết định sẽ "đóng băng" các giao dịch, chị T. - nữ nhân viên Công ty GFDI - cho biết chị cũng là nạn nhân trong vụ việc vỡ nợ trên.
Năm 2022 chị được công ty đào tạo và bắt đầu làm việc ở bộ phận sale. Ban đầu công ty khoán doanh số, giao KPI phải huy động tiền góp vốn từ 150-300 triệu đồng/tháng và sau đó tăng dần lên.
Cùng với việc giao KPI, nhân viên cũng được lãnh khoản đãi ngộ hấp dẫn nếu đạt được chỉ tiêu. Thậm chí có tháng chỉ riêng tiền hoa hồng, chị T. đã được nhận gần 50 triệu đồng.
Ham lợi trước mắt lại được khuyến khích, chị T. còn mời người thân trong gia đình, bạn bè và cầm luôn sổ đỏ của gia đình để cùng tham gia.
Theo cơ quan điều tra, từ khi thành lập cho đến nay ông Nguyễn Quang Hoàng - tổng giám đốc của công ty này - đã xây dựng mô hình kinh doanh theo hướng vay tiền của người dân bằng hình thức ký kết "hợp đồng vay tài sản".
Và từ tháng 11-2023, do việc đầu tư kinh doanh thua lỗ công ty mất khả năng tài chính nên để duy trì hoạt động, tổng giám đốc công ty này đã tổ chức, chỉ đạo cho nhân viên "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của khách hàng dưới hình thức ký hợp đồng vay tiền, sử dụng tiền vay của người sau trả cho người trước cho đến khi mất khả năng chi trả.
Dính bẫy vì ham lời
Theo tìm hiểu của phóng viên, để thuận lợi trong việc vay vốn từ người dân, Công ty GFDI đã liên tục đánh bóng thương hiệu, quảng bá trên nhiều nền tảng. Trên cả 6 lĩnh vực kinh doanh, công ty đều đưa ra các "bánh vẽ" rồi quảng bá rầm rộ để người dân tin tưởng.
Đặc biệt GFDI liên tục quảng bá các lĩnh vực mà người dân ít am hiểu như thể thao điện tử, liên kết đầu tư các lĩnh vực đang vào xu hướng như thực phẩm sạch, các sản phẩm thân thiện môi trường…
GFDI cũng mạnh tay quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội vốn ít kiểm chứng thông tin nhằm gây dựng tiếng tăm để thu hút dòng vốn.
Nhiều khách hàng của công ty này cho rằng việc công ty trả lãi, gốc đúng hạn trong thời gian dài cộng với thông tin các hoạt động kinh doanh đã củng cố niềm tin khiến họ không nghi ngờ.
Về góc độ tâm lý đầu tư, một giảng viên tài chính đang giảng dạy tại Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng cho rằng khi kinh tế phát triển có nhiều người dân, nhất là ở vùng nông thôn, có tài sản tích lũy, có vốn nhàn rỗi.
Tuy nhiên nhiều người thiếu các kỹ năng, kiến thức chuyên môn và khả năng khởi nghiệp. Do vậy người dân chọn cách thức dễ dàng hơn là gửi tiền vào công ty tài chính mà không mang ra kinh doanh, vì thế dễ rơi vào bẫy đầu tư tài chính đa cấp.
Đây cũng là giai đoạn tiền nhàn rỗi rất dễ bị hấp dẫn, dính bẫy bởi các công ty đầu tư tài chính. Bởi gửi tiền ngân hàng thì lãi suất thấp, kinh doanh sản xuất hàng hóa hay dịch vụ phải có chuyên môn và năng lực, đầu tư vào bất động sản thì thị trường đang trầm lắng. Do vậy các bẫy đầu tư tài chính đa cấp thừa cơ giăng ra kịp lúc nhiều người có nhu cầu đầu tư.
"Với những người có vốn nhàn rỗi thì lợi nhuận cao, thu hồi nhanh luôn là cái bẫy dễ gieo mình vào. Người dân cần cảnh tỉnh với các hiện tượng lừa đảo qua các kênh đầu tư, không nên tin vào những hình thức đầu tư dễ dàng mang lại lợi nhuận cao" - giảng viên này nói.
Lực lượng chức năng thu giữ hàng chục thùng tài liệu liên quan đến 7.500 khách hàng của công ty GFDI - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG |
"Đa cấp" tài chính bị cấm nhưng hoạt động tinh vi
Theo luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng), thời gian qua mô hình góp vốn với dấu hiệu biến tướng của hoạt động huy động vốn theo phương thức đa cấp bất chính ngày càng nở rộ. Bản chất của mô hình này là dùng tiền huy động của người sau trả lãi cho người trước, chi trả hoa hồng lớn cho những người huy động đầu tư.
Hàng loạt vụ "bong bóng" vỡ nợ quy mô lớn từ mô hình này nhưng nhiều người dân vẫn không thức tỉnh do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, điều dễ nhận thấy các vụ việc đầu tư rồi vỡ trận như "bất động sản Nhật Nam", "đầu tư tài chính PFS", "Liên kết Việt"… hay gần đây nhất là GFDI đều cho thấy các doanh nghiệp này chuẩn bị rất kỹ lưỡng về mặt hình ảnh để gây dựng niềm tin.
Các chủ doanh nghiệp thể hiện là doanh nhân thành đạt, trụ sở văn phòng sang trọng, hình thức trang phục nhân viên chuyên nghiệp, rồi quảng bá hình ảnh rộng khắp.
"Quan trọng hơn, việc lấy tiền người sau trả lợi nhuận cho người trước thời gian đầu vừa nhanh vừa dễ và hấp dẫn rất đúng thời hạn, đúng cam kết đã tạo nên sự tin tưởng của những người đầu tư. Điều này củng cố niềm tin khiến nhiều người mờ mắt" - luật sư Cao nói.
Thứ hai, tâm lý kiếm tiền theo kiểu nhẹ nhàng nhưng nhanh được lợi nhuận, lợi nhuận lại nhiều là cơ hội để các doanh nghiệp huy động vốn theo kiểu đa cấp đánh vào.
Luật sư Cao cho biết theo nghị định số 40/2018/NĐ-CP thì hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm.
Nếu như hoạt động đa cấp bất chính thế hệ trước đây là kiểu dùng hàng chất lượng thấp bán giá cao thì nay để giăng hệ thống bẫy đầu tư, bẫy huy động vốn, các doanh nghiệp "lùa gà" thường rất tinh vi.
"Họ đưa ra các thông tin về dự án, đưa ra các thỏa thuận nhìn vào thấy ngay lợi nhuận, đồng thời huy động hệ thống nhân sự, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp thành đạt nên cũng tạo ra mê hồn trận mà nhà đầu tư không dễ phát hiện mình đang bị lừa. Đồng thời các hoạt động này được doanh nghiệp và nhà đầu tư giao kết với nhau khó can thiệp, khó kiểm soát nên cơ quan có thẩm quyền cũng khó cảnh báo", luật sư Cao nói.
"Dựng hàng rào" khi xuống tiền Theo luật sư Nguyễn Văn Tứ (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng), ngoài việc chuẩn bị các kiến thức tài chính thì các nhà đầu tư phải tỉnh táo trước khi "xuống tiền". Cụ thể cần tìm hiểu những nội dung cần thiết cơ bản trước khi quyết định tham gia đầu tư để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt vốn đầu tư. Ông Tứ cho rằng khách hàng góp vốn/cho vay cần dựng 4 "hàng rào cảnh giác" sau. - Cảnh giác với những lời mời đầu tư với lãi suất cao bất thường, bởi lẽ lãi suất cao luôn tỉ lệ thuận với rủi ro. - Cân nhắc kỹ, quan tâm đến năng lực, uy tín, thái độ, các dự án, sản phẩm, thị trường của doanh nghiệp trước khi quyết định tham gia đầu tư. - Cần nắm được hoạt động kinh doanh thực tế khi góp vốn. - Xem xét kỹ nội dung hợp đồng góp vốn, phải có những điều khoản cơ bản theo quy định, nội dung rõ ràng; đó là cơ sở để cơ quan chức năng giải quyết khi phát sinh tranh chấp…
|
Tác giả: TRƯỜNG TRUNG
Nguồn tin: tuoitre.vn