Du lịch

Du lịch Thái Lan tiếp tục lo Việt Nam 'vượt mặt'

Thái Lan lo ngại mất lợi thế du lịch so với các nước láng giềng, đặc biệt khi Việt Nam tăng tốc đầu tư hạ tầng với đường sắt cao tốc và nhiều công trình biểu tượng tại Hà Nội, Đà Nẵng.

Cầu Vàng trên Bà Nà Hills (Đà Nẵng) được coi là ví dụ điển hình về sự phát triển công trình nhân tạo thành công ở Việt Nam. Ảnh: Hiền Phụng Thu.


Ủy ban Chiến lược quyền lực mềm quốc gia Thái Lan cho rằng ngành du lịch nước này không nên xem nhẹ các đối thủ trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam - quốc gia đang đầu tư mạnh vào hạ tầng du lịch như đường sắt cao tốc cũng như các điểm tham quan mới và chuỗi khách sạn cao cấp.

Phát biểu tại Diễn đàn Quyền lực mềm SPLASH 2025 diễn ra vào tuần trước, bà Marisa Sukosol Nunbhakdi, Chủ tịch Tiểu ban Du lịch, cho biết Thái Lan cần đẩy mạnh đầu tư mới vào du lịch, đặc biệt là các dự án phát triển nhân tạo. Nếu không nước này sẽ có nguy cơ đánh mất lợi thế cạnh tranh, Bangkok Post đưa tin.

Bà Marisa dẫn ví dụ từ Việt Nam - quốc gia vừa công bố kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc trị giá 67 tỷ USD, nối thủ đô Hà Nội và TP.HCM. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2035.

Bà Marisa nhận định sự phát triển này sẽ có lợi cho du lịch Việt Nam. "Với đường bờ biển dài và đẹp, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch ven biển, đồng thời thu hút thêm các dự án khách sạn cao cấp".

Trên thực tế, Việt Nam đã chào đón nhiều thương hiệu khách sạn hạng sang như Capella Hanoi - công trình do kiến trúc sư nổi tiếng Bill Bensley thiết kế. Hà Nội cũng đang lên kế hoạch xây dựng Nhà hát Opera Hà Nội, kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của thủ đô.

Nhà hát Opera Hà Nội được thiết kế bởi kiến trúc sư lừng danh người Italy - Renzo Piano. Ảnh: Renzo Piano Architecture.

Ông Kriengkrai Kanjanapokin, thành viên Tiểu ban Lễ hội, cho biết Bà Nà Hills (Đà Nẵng) là một ví dụ điển hình cho việc đầu tư bài bản vào sản phẩm du lịch. Cây Cầu Vàng nổi tiếng đã giúp du khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn khi đến đây du lịch.

"Đà Nẵng cũng trở thành một trong những thành phố du lịch hàng đầu Việt Nam nhờ những hoạt động đó", ông nói.

Ông Kriengkrai cho rằng: "Thái Lan có rất nhiều chùa chiền, nhiều ngôi chùa trong số đó được xây dựng rất đẹp. Chúng ta nên kể một câu chuyện mới về trải nghiệm du lịch, dù là du lịch tâm linh, kiến trúc hay chăm sóc sức khỏe tinh thần".

Bà Marisa cũng nhấn mạnh vai trò của bảo tàng và nghệ thuật trong việc xây dựng hình ảnh điểm đến và thu hút du khách. "Nhiều quốc gia đã dùng nghệ thuật để tạo điểm nhấn cho thành phố như Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao (Tây Ban Nha), Bảo tàng Đại Ai Cập mới hay đảo Naoshima (Nhật Bản) - nổi tiếng với các bảo tàng và công trình nghệ thuật đương đại", bà Marisa nói.

Du khách chụp ảnh tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM. Ảnh: Linh Huỳnh.


Bà cho rằng trong bối cảnh nhiều lĩnh vực khác đang bị ảnh hưởng bởi các biện pháp thuế quan đối ứng của Mỹ, du lịch nên được xem là chỉ số đánh giá hiệu suất chính của tất cả các bộ, ngành và cơ quan công lập, nhằm thúc đẩy hợp tác liên ngành mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, Thái Lan cũng có thể khai thác loại hình du lịch đường sắt - vốn là xu hướng được nhiều quốc gia như Tây Ban Nha và Pháp đã áp dụng thành công. Cả 2 quốc gia này đều thu hút khoảng 100 triệu du khách mỗi năm nhờ hệ thống kết nối đường sắt hiệu quả.

Cuối cùng, ông Kriengkrai cho rằng Thái Lan cần làm mới các lễ hội truyền thống để gia tăng giá trị trải nghiệm và kéo dài thời gian lưu trú của khách quốc tế. Lễ hội âm nhạc S2O là một ví dụ điển hình khi kết hợp thành công giữa lễ hội té nước Songkran và sự kiện âm nhạc điện tử".

Tác giả: Hoàng Linh

Nguồn tin: lifestyle.znews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP