Kinh tế

Tiếp tục giảm vốn cho vay trung và dài hạn

Để kiểm soát an toàn dòng vốn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đang đưa ra dự thảo mới, trong đó đưa ra phương án giảm mạnh tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung và dài hạn.

Ngân hàng Nhà nước đưa ra 2 phương án giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.

Giảm mạnh về 30%

NHNN Việt Nam đang xây dựng Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN.

Trong đó NHNN đề xuất 2 phương án giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. Ở phương án 1, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn sẽ là 40% từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2020.

Còn từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 30/6/2021, tỷ lệ này sẽ được giảm về còn 35% và sẽ giảm tiếp về còn 30% từ 1/7/2021. Ở phương án 2, từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2020 tỷ lệ tối đa là 40%; từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 30/6/2021, tỷ lệ tối đa giảm còn 37%; từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022 tối đa 34% và từ ngày 1/7/2022 sẽ được giảm về tối đa 30%.

Hiện nay, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được giới hạn ở mức 45% và giảm về 40% từ ngày 1/1/2019. NHNN Việt Nam cho biết, trên cơ sở đánh giá tác động số liệu giám sát về tỷ lệ này và số liệu kinh tế vĩ mô, diễn biến tình hình kinh tế trong năm 2018 và các năm tiếp theo cũng như định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, chủ trương về phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2025, NHNN đã điều chỉnh tỷ lệ này cho phù hợp với chủ trương của Chính phủ và tình hình thực tế cho vay trung, dài hạn của ngân hàng, chi nhánh NHNN, từng bước kiểm soát được rủi ro thanh khoản nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng, chi nhánh NHNN trước những thay đổi của các yếu tố từ trong và ngoài nước, góp phần ổn định hoạt động ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Việc giảm có lộ trình tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn cũng đã được NHNN phát tín hiệu, truyền thông trong thời gian vừa qua. NHNN cũng cho biết việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn hàng năm 5% không tác động lớn đến hoạt động của ngân hàng, chi nhánh NHNN và nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp không phụ thuộc vào vốn ngân hàng, chủ động tiếp cận các nguồn vốn khác như: Phát hành cổ phiếu tăng vốn, phát hành trái phiếu hay hợp tác thực hiện dự án với các đối tác nước ngoài...

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, việc NHNN dần siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là hợp lý và lẽ ra phải điều chỉnh từ lâu. Quy định này sẽ bắt buộc các ngân hàng phải khai thác nguồn vốn trở về đúng nguyên tắc, cơ cấu. Nghĩa là huy động như thế nào thì phải cho vay như thế, bởi việc dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn sẽ gây rủi ro lớn cho ngân hàng.

Thắt chặt tiền tệ

Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân diễn ra sáng ngày 2/5, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng chia sẻ thông tin: Sự mất cân đối giữa kênh cung ứng vốn ngân hàng và thị trường vốn còn rất bất cập. Trong khi nhu cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp để mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh rất lớn, thì thị trường vốn chưa phát triển đủ cả về quy mô và chất lượng để có thể đáp ứng được nhu cầu này.

Do đó, vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng, tín dung trung dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn, khoảng 50,6% tổng dư nợ. Như vậy trong khi nhu cầu tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn đang rất lớn, và khi siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, chắc chắn sẽ có những tác động nhất định trong thời gian tới.

Giới chuyên gia cho rằng trong năm tới, các ngân hàng sẽ phải tính phương án cụ thể giảm lượng tín dụng rót vào lĩnh vực này. Nhưng từ đây cũng buộc doanh nghiệp tự tái cơ cấu lại dòng vốn. Thay vì đi vay vốn ngân hàng như xưa thì các doanh nghiệp phải tìm vốn ở các kênh khác như thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các quỹ đầu tư, quỹ tín thác…

Từ đầu năm 2019, NHNN cũng cho biết thời gian tới tín dụng được điều hành phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; theo sát diễn biến tăng trưởng tín dụng tại từng tổ chức tín dụng để định hướng các tổ chức này tăng trưởng tín dụng lành mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên và hạn chế phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.

Tác giả: Hồ Hương

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP