Kinh tế

Ngân hàng không được tăng lãi suất vay từ nay đến cuối năm

Các ngân hàng thương mại phải nỗ lực tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm hoặc ổn định chứ không có chuyện tăng lãi suất vay từ nay đến cuối năm. Đây là chủ trương nhất quán của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định như trên tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, do NHNN và UBND TP HCM tổ chức ngày 19-4.

Hội nghị kết nối nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) về nguồn vốn, tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của từng địa phương.

Thời gian qua, NHNN xác định DN nhỏ và vừa là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực này thấp hơn từ 1% - 1,5%/năm so với các lĩnh vực thông thường khác. NHNN cũng triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ DN tiếp cận vốn trong một số ngành, lĩnh vực; hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng theo hướng tăng cường thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm trong việc cho vay đối với DN, người dân…

Tuy nhiên, một số DN lĩnh vực nông nghiệp phản ánh vẫn khó vay vốn. Ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng ban, Ban quản lý Khu nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM, cho biết dù chính sách hỗ trợ nông nghiệp của trung ương và TP đã có nhưng lĩnh vực này vẫn còn một số hạn chế trong tiếp cận vốn. Cụ thể, tiềm lực của các DN nhỏ và vừa mới dừng ở đầu tư từng phần, nhỏ lẻ trong khi để được hưởng ưu đãi về lãi suất thường chỉ áp dụng đối với những dự án đầu tư đổi mới công nghệ cao, quy mô lớn…

"Nhiều DN vướng nợ xấu do lãi suất cao những năm trước, giờ trở thành yếu tố gây cản trở họ tiếp cận các chương trình hỗ trợ bởi chưa có biện pháp tháo gỡ. Một số chủ đầu tư còn e ngại khi vay vốn thực hiện dự án đầu tư vì rủi ro cao và trách nhiệm về áp lực trả nợ vay" - ông Từ Minh Thiện nói.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ nhiệm CLB DN Tam nông của TP HCM, cho rằng có nhiều khó khăn khi DN nông nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng. Lĩnh vực khác có thể thu hồi vốn nhanh nhưng nông nghiệp bỏ một đồng trong 1-2 năm chưa chắc đã lấy lại được vốn. Tài sản thế chấp thường là đất nông nghiệp được định giá thấp, cho vay khoảng 50% sau khi thẩm định giá… nên mong nhà nước có chính sách hỗ trợ DN trong lĩnh vực này.

"Chúng tôi trữ mật ong cả năm để bán ở thị trường trong nước và xuất khẩu nên cần nguồn vốn ngân hàng để tạm trữ hàng. Nếu không được vay vốn hoặc không được giải ngân đều đặn, DN buộc phải xuất khẩu toàn bộ hàng tạm trữ để có vốn duy trì hoạt động kinh doanh. Do đó, DN cần chính sách cho vay ổn định từ NH" – ông Vũ chia sẻ.

Trả lời ý kiến của DN, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định không "bỏ quên, bỏ rơi" lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà đây là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cần tập trung vốn. Hiện quy định cho vay ngắn hạn lĩnh vực nông nghiệp nông thôn lãi suất tối đa không quá 6,5%/năm và các ngân hàng thương mại cần áp dụng đúng quy định. Vốn ngân hàng sẽ tập trung vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên và NHNN khẳng định không thiếu vốn.

"NHNN sẽ tiếp tục yêu cầu NH thương mại cải cách thủ tục hành chính từ hồ sơ, thủ tục nhanh chóng thuận lợi cho khách hàng, DN và vẫn bảo đảm yêu cầu an toàn, không để mất vốn. Các loại phí, lãi suất, thời gian xét duyệt hồ sơ cần công khai để DN biết và chia sẻ" – ông Tú nói.

Hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp tiếp cận vốn

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm cho biết TP tiếp thu và ghi nhận mọi ý kiến đóng góp của DN, đơn vị liên quan. Những khó khăn giải quyết được ngay liên quan đến vay vốn kích cầu, cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp chủ lực, Phó chủ tịch TP đã giao cho Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc trực tiếp với DN để hỗ trợ, xử lý.

Tác giả: Thái Phương

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: tăng lãi suất , ngân hàng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP