Kinh tế

Thương mại điện tử trong APEC dự báo tăng gấp đôi lên 467 tỷ USD

Tính riêng về thương mại điện tử B2C, doanh thu xuyên biên giới của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2016 đạt 144 tỷ USD, chiếm khoảng 35,9% doanh thu xuyên biên giới B2C toàn cầu. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 467 tỷ USD và 47,9% vào năm 2020.

Thương mại điện tử trong APEC sẽ thêm thuận lợi với điều khoản vừa được thông qua tại APEC 2017.

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC 2017 hôm qua (8/11) đã thông qua hàng loạt văn kiện quan trọng, mang tính dấu ấn của năm APEC 2017. Một trong số đó là Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC.

Khung thuận lợi hóa Thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC tập trung vào 5 trụ cột làm việc bao gồm hoàn thiện và hài hòa hóa khung pháp lý thương mại điện tử của các nền kinh tế APEC nhằm tạo thuận lợi cho TMĐT xuyên biên giới trong khu vực, thuận lợi hóa thương mại phi giấy tờ trong khu vực, giải quyết những vấn đề mới và liên quan đến nhiều bên trong thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đồng thời, tăng cường xây dựng năng lực để các nền kinh tế APEC có thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực và trên toàn thế giới, thúc đẩy hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân xuyên biên giới thông qua việc thực hiện các chương trình đang triển khai của APEC.

APEC được thành lập với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Nhận thấy vai trò ngày càng tăng của thương mại điện tử trong việc nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, APEC đã đặt thương mại điện tử thành một trong những trọng tâm lớn của Chương trình nghị sự năm nay.

Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử xuyên biên giới hiện được coi là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của thương mại thế giới. Từ xuất phát điểm gần như bằng 0 ở thời điểm hai thập kỷ trước, đến cuối năm 2016, thương mại điện tử xuyên biên giới (bao gồm giao dịch doanh nghiệp – doanh nghiệp B2B và bán lẻ B2C) ước tính đạt 1.920 tỷ USD trên toàn cầu. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có khối lượng giao dịch lớn nhất thế giới, theo sau là khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ.

Tính riêng về thương mại điện tử B2C, doanh thu xuyên biên giới của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2016 đạt 144 tỷ USD, chiếm khoảng 35,9% doanh thu xuyên biên giới B2C toàn cầu. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 467 tỷ USD và 47,9% vào năm 2020.

Thương mại điện tử xuyên biên giới là công cụ hiệu quả giúp cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong APEC tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, không cần sự hiện diện vật lý hay thương mại ở thị trường vẫn có thể bán sản phẩm ra toàn thế giới.

Theo Bộ Công Thương, riêng tại Việt Nam, con số thống kê những năm qua cho thấy thị trường thương mại điện tử Việt Nam luôn tăng trưởng ở tốc độ cao (25-35%/năm), mức độ phổ cập trong cộng đồng và doanh nghiệp đã ngang tầm, thậm chí vượt một số nước trong khu vực.

Theo kết quả khảo sát về tình hình phát triển thương mại điện tử do Bộ Công Thương thực hiện, doanh số thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 5 tỷ USD và dự đoán sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm, đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP