Tin địa phương

Vì sao nhiều khu dân cư nội thành Đà Nẵng cứ mưa là ngập?

Năm 2017, chính quyền và ngành chức năng TP Đà Nẵng đưa ra tiến độ đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành 26 công trình xử lý ngập úng (trong đó có 12 công trình thuộc dự án Phát triển bền vững) với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.078 tỷ đồng, cơ bản xử lý hết các điểm ngập úng khu vực nội thành. Tuy nhiên sau hơn 3 năm, nhiều khu dân cư vẫn ám ảnh điệp khúc đến mưa là ngập, thậm chí có nhiều điểm ngập sâu kéo dài...

Một khu dân cư tại Q. Thanh Khê ngập sâu nhiều giờ trong đợt mưa đầu mùa.

Mới mưa đầu mùa, nhiều khu vực đã như "biển nước"

Chỉ mới đợt mưa đầu mùa kéo dài trong 2 ngày 11, 12-9 vừa qua, nhiều tuyến phố lớn, khu dân cư nội thành Đà Nẵng đã trở tay không kịp khi nước dâng nhanh và rút chậm. Người dân ở vùng được xem là "rốn ngập" mỗi khi có mưa lớn ở quận Hải Châu như đường Đống Đa, Lý Tự Trọng, Hải Hồ… dù đã quen với cảnh này nhưng cũng không lý giải được vì sao mới trận mưa đầu mùa đã "thất thủ" nhanh đến vậy.

Tương tự, tại Q. Thanh Khê, tình trạng ngập sâu cục bộ cũng đã xuất hiện ở các khu vực như xung quanh bờ hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, các tuyến đường, khu vực bị trũng thấp như Trần Xuân Lê, Huỳnh Ngọc Huệ, Hoàng Hoa Thám, Hàm Nghi, Lê Duẩn, Hải Phòng… Ngập nặng nhất là tại các tổ 1, 2, 3, 4, 5 và tổ 16, 17, 20, 26, 27 thuộc P. Thanh Khê Tây với độ sâu từ 0,5-1,3m, nhất là khu vực hai bên tuyến mương Khe Cạn. Đây là khu vực đang được triển khai giải tỏa để thi công tuyến cống Khe Cạn phục vụ chống ngập úng, người dân đang mỏi mòn chờ chỉnh trang suốt cả chục năm qua. Cũng trong đợt mưa vừa qua, Q. Liên Chiểu có 18 điểm ngập cục bộ trong các khu dân cư với độ sâu trung bình từ 0,4-0,6m. Trong 18 điểm ngập nói trên, nhiều điểm đang thi công các công trình, dự án xử lý ngập úng nhưng chưa hoàn thành.

Tại Q. Cẩm Lệ, người dân sinh sống trong khu vực phía trên của dự án kênh thoát nước Khe Cạn thuộc tổ 14, P. Hòa An nhiều năm nay thường trực sống trong tâm trạng nơm nớp lo chạy lụt mỗi khi có mưa to. Dù đây không phải là khu vực trũng thấp nhưng dự án đến đây thì ách cả chục năm nên nước từ nhiều khu vực đổ về có chỗ thoát, tràn vào nhà và nhanh chóng dâng cao. Chị Nguyễn Thị Hoài Thân (người dân tổ 14, P. Hòa An) cho hay, trong nhà mọi vật dụng đều được kê cao hơn bình thường nhưng chưa có năm nào cả nhà thoát cảnh bỏ của chạy lấy người mỗi khi mưa lớn. "Nhà tôi cốt đã cao hơn mặt đường rất nhiều rồi nhưng mưa lớn là phải rút hết điện ở tầng dưới vì sẽ ngập lút bánh xe, bàn ghế, tủ lạnh. Có năm vừa dọn lụt xong đợt này thì lại mưa và tiếp tục ngập, đồ đạc hư hết. Hàng chục hộ dân trên tuyến cống này cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự", chị Thân cho hay. Cũng tại địa bàn Q. Cẩm Lệ, một số tuyến đường, khu vực dân cư dọc đường đôi Yên Thế- Bắc Sơn cũng bị ngập nặng do khẩu độ cống băng qua tuyến đường Tôn Đức Thắng vốn đã nhỏ lại bị nhiều tuyến ống hạ tầng điện lực, viễn thông chạy theo gây ra hiện tượng tắc nghẽn.

Ngập sâu trên đường Hàm Nghi vào chiều 12-9.

Hạ tầng thoát nước thiếu đồng bộ, nhiều dự án dở dang

Ông Hà Văn Thành - Giám đốc Cty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, đợt mưa sau bão số 5 xuất hiện 27 điểm ngập úng khu vực nội thành. Hầu hết những điểm này đều liên quan đến các dự án đang và chưa triển khai nên việc đồng bộ, khớp nối hệ thống thoát nước khó khăn.

Lý giải về hiện tượng ngập sâu tại trung tâm TP ngay đợt mưa đầu mùa, ông Thành cho hay, vào trưa 12-9, khi trên địa bàn Đà Nẵng đang mưa to thì trạm bơm chống ngập Thuận Phước gặp sự cố, không hoạt động được. Cụ thể là một trong hai máy bơm của trạm bơm chống ngập Thuận Phước bị quá tải, không thể vận hành đúng lúc triều cường dâng cao nên nước không thể thoát ra sông Hàn. Cùng với đó, lượng mưa quá lớn đồ về nên các hồ điều tiết Vĩnh Trung, Hàm Nghi, Công viên 29-3 nhanh chóng đầy và không còn khả năng điều tiết. Các điểm ngập khác như Lê Đình Thám - Tuyến công Mê Linh (Q. Hải Châu), Lạc Long Quân - Ngã ba Cơ Khí (Q. Liên Chiểu), Khe Cạn (Q. Thanh Khê), Lê Tấn Trung - cống Thọ Quang (Q. Sơn Trà), khu vực 818 Trần Cao Vân chảy ra sông Phú Lộc… cũng tái diễn tình trạng ngập sâu.

Về giải pháp khắc phục trước mắt, ông Thành cho biết sẽ nhanh chóng duy tu, bảo dưỡng đồng thời đầu tư thiết bị dự phòng tại 4 trạm bơm chống ngập khu vực Thuận Phước, đường Trương Chí Cương, Nguyễn Xuân Nhĩ, khu vực K20, khu vực Đảo Xanh đầu cầu Trần Thị Lý đảm bảo phản ứng kịp thời, hiệu quả khi có mưa lớn. Cùng với đó sẽ huy động nhân lực để kiểm tra, nạo vét cửa thu, cửa thoát tại các điểm ngập được thống kê sau đợt mưa lớn vừa qua đồng thời đầu tư một số máy bơm lưu động sẵn sàng xử lý một số điểm ngập cục bộ trong khu dân cư. "Chúng tôi cũng đề xuất thành phố đầu tư kinh phí để đại tu hệ thống máy bơm do vận hành đã lâu, có biểu hiện quá tải. Điều quan trọng nhất vẫn là phải sớm đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình đồng thời rà soát lại hệ thống hạ tầng thoát nước, có phương án đầu tư, khớp nối đồng bộ, hoạt động lâu dài", ông Thành kiến nghị.

Theo ông Võ Tấn Hà - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, ngoài các tuyến đường, khu vực bị ngập do chưa triển khai thi công hoàn thành các dự án liên quan, qua rà soát vẫn còn tình trạng đọng nước cục bộ trên các tuyến đường do người dân bịt cửa thu nước hoặc do rác mắc kẹt ở hệ thống thoát nước. Để khắc phục điều này, Sở đã có công văn đề nghị UBND quận, huyện phối hợp và Cty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng tiến hành rà soát, tiếp tục triển khai công tác xử lý thoát nước, chống ngập úng trên địa bàn TP, trước mắt là trong mùa mưa năm nay. Nhằm đảm bảo hoàn thành các công trình xử lý ngập úng trong năm 2021 và năm 2022, Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND TP chỉ đạo UBND các quận, huyện tập trung nguồn lực thực hiện dứt điểm công tác đền bù giải tỏa để bàn giao mặt bằng cho các ban quản lý dự án tổ chức thi công đúng tiến độ yêu cầu.

Đối với các điểm đang thực hiện chuẩn bị đầu tư, thành phố cần sớm chỉ đạo các Ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thành các thủ tục xây dựng cơ bản để triển khai thi công theo kế hoạch đề ra. Cạnh đó cần tiếp tục nghiên cứu, đẩy nhanh các biện pháp xử lý đối với 13 khu vực xử lý thoát nước, vệ sinh môi trường, tái thiết đô thị. "Đối với các khu vực ngập úng lớn, vượt quá thẩm quyền mà chưa có phương án xử lý, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện và Cty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng đề xuất sơ bộ phương án xử lý và khái toán kinh phí đầu tư, gửi Sở để tổng hợp, báo cáo thành phố. Sở cũng đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia cùng đơn vị chức năng vớt rác, khơi thông cửa thu trong mùa mưa để bảo đảm thoát nước mặt đường, tránh tái diễn tình trạng đọng nước, gây ngập úng cục bộ trên các tuyến đường, tại các khu dân cư", ông Võ Tấn Hà cho biết.

Tác giả: Đông A

Nguồn tin: cadn.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP