Giáo dục

Tuyển sinh lớp 10 THPT 2019-2020: Băn khoăn ngã rẽ

Còn khoảng 3 tháng nữa đã tới kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, tại những thành phố lớn, không khí chuẩn bị cho kỳ thi đã rất “nóng”. Hiện trăn trở lớn nhất của phụ huynh là hơn 30% số học sinh (HS) không có cơ hội vào học trong các trường THPT công lập sẽ đi đâu, làm gì khi những đứa trẻ ấy vẫn còn đang ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”?

Học sinh dự tuyển vào lớp 10 THPT Hà Nội đối mặt với áp lực.

Cánh cửa hẹp

Năm học 2018-2019, TP Hà Nội chỉ có khoảng 60-62% HS được vào học lớp 10 THPT công lập. Theo dự kiến của Sở GDĐT Hà Nội, có 101.460 HS tốt nghiệp THCS, giảm 4.000 em so với năm trước, số vào lớp 10 công lập tương đương gần 63.000 em. Như vậy sẽ có trên 38.500 em bị loại khỏi trường công.

Tương tự như vậy, tại TP HCM, Sở GDĐT địa phương này cho biết: có hơn 100.000 HS lớp 9, trong khi tổng chỉ tiêu HS lớp 10 THPT công lập của thành phố theo dự kiến khoảng 70.000. Như vậy TP HCM sẽ có khoảng hơn 30.000 HS không có cơ hội vào học trong các trường công lập.

Cánh cửa trường công hẹp, sức ép từ thi cử cũng đang đè nặng trên vai các em. Đơn cử tại Hà Nội, năm 2019 là năm đầu tiên Sở GDĐT được UBND TP Hà Nội cho phép điều chỉnh phương án tuyển sinh. HS dự tuyển vào lớp 10 tại Hà Nội sẽ có một kỳ thi chung với 4 môn thi: Toán, Ngữ văn (nhân hệ số 2), Ngoại ngữ và môn thứ 4 vừa công bố là Lịch sử. Số môn thi tăng gấp đôi so với trước, cộng với áp lực của cuộc đua vào lớp 10 trường công đang khiến nhiều HS và phụ huynh ở Hà Nội lao vào ma trận ôn luyện…

Chưa biết kết quả ra sao, nhưng nhiều người cùng có chung cảm nhận là kỳ thi vào lớp 10 THPT của HS Thủ đô lâu nay còn gay cấn và căng thẳng hơn là thi ĐH. Chính vì thế, trước thềm mùa tuyển sinh lớp 10 năm nay, một câu hỏi lớn đang đang chờ lời đáp: Những cô/cậu bé trượt lớp 10 công lập sẽ đi đâu - về đâu?

Luẩn quẩn phân luồng

Theo Sở GDĐT Hà Nội, năm học này trong tổng số HS tốt nghiệp THCS, dự kiến khoảng 20% vào học trường THPT ngoài công lập, 10% học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN), giáo dục thường xuyên (GDTX). Số còn lại tham gia học nghề ngắn hạn để gia nhập thị trường lao động.

Đại diện Sở GDĐT TP HCM cũng cho hay: địa phương đang tăng cường các biện pháp phân luồng HS sau THCS. Lộ trình từ năm 2015 đến 2020, thành phố phấn đấu có 30% số HS tốt nghiệp THCS hoặc THPT sẽ học nghề tại các trường trung cấp hoặc trung cấp nghề. Vì vậy, thành phố sẽ giảm dần tỉ lệ HS vào học lớp 10 công lập, đến năm 2020 còn khoảng 60% HS tốt nghiệp THCS được vào học lớp 10 công lập.
Dẫu thế, thực tế cho thấy nhiều năm qua, tuy đã có chủ trương phân luồng HS sau THCS, THPT, nhưng công tác phân luồng vẫn chưa đạt được mục tiêu. Chủ yếu mới dừng lại ở phân luồng… hình thức. Chính vì thế, người học không mặn mà với học nghề.

Thống kê hàng năm, cả nước có khoảng 1,2 triệu HS tốt nghiệp THCS. Phần lớn các tỉnh/thành đều có tỉ lệ HS học tiếp lên THPT đạt hơn 70%, thậm chí những thành phố lớn, như Hà Nội, TPHCM tỉ lệ này có khi đạt tới hơn 80%. Trong khi đó, việc chọn học nghề để lập nghiệp, vào các Trung tâm giáo dục thường xuyên chỉ là giải pháp của rất ít HS và gia đình các em. Như vậy, dù lạc quan thì trong 1 năm tới (2020) cũng khó lòng đạt mục tiêu 30% HS tốt nghiệp THCS vào học các trường nghề (theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” đã được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 5/2018).

Theo tinh thần Thông tư 05 mà Bộ GDĐT ban hành năm 2018, từ năm học 2019, trong kỳ thi vào lớp 10, thí sinh sẽ không được cộng điểm khuyến khích bao gồm cả điểm thi nghề phổ thông ở cấp THCS hay cuộc thi HS giỏi lớp 9 các môn văn hóa do các Sở GDĐT tổ chức. Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) - xác nhận: Bộ bỏ quy định này bởi những lý do thực tế. Nhiều nơi phản ánh vì có việc cộng điểm mà việc thi nghề phổ thông bỗng thành mục tiêu phấn đấu chỉ để cộng điểm, trong khi ý nghĩa của việc học và thi nghề là làm cho công tác hướng nghiệp HS tốt hơn, hướng đến thích hợp điều kiện địa phương.

Việc tổ chức một kỳ thi tốn kém với nhiều áp lực dồn lên những đứa trẻ mới 14,15 tuổi. Phụ huynh thì chạy đôn chạy đáo. Tại sao cơn sốt vào lớp 10 trường công ở các thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM lâu nay khó hạ nhiệt?

Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GDĐT), dù đã có rất nhiều giải pháp nhưng người ta đã làm không đến nơi đến chốn, thế nên áp lực vào học lớp 10 sẽ còn kéo dài dai dẳng. Đơn cử phân luồng, hiện giáo dục nghề nghiệp chỉ vào hệ trung cấp - có thời gian đào tạo kể từ 1-2 năm, và HS sau khi có Bằng trung cấp thì có những vấn đề sau phát sinh.

Thứ nhất, các em không đủ độ tuổi lao động vì mới 16, 17 tuổi. Thứ hai, tâm lý người học và cả phụ huynh mong muốn con em họ còn được học lên nữa. Muốn học lên CĐ-ĐH thì phải có bằng THPT, hoặc là như là luật quy định phải học đủ khối kiến thức còn thiếu của THPT để tương đương với trình độ THPT - khi đó mới có cơ hội học tiếp lên. Như vậy rõ ràng người ta không muốn học trung cấp mà không có tương lai. Cho nên đa số HS vẫn sống chết là phải học tiếp lên THPT.

Cần minh bạch thông tin

Trở lại với bài học chạy đua điểm sàn vào trường THPT ngoài công lập mùa tuyển sinh 2018, hiện tại nhiều phụ huynh đang băn khoăn: Rớt trường công nhưng cũng chưa chắc con em họ có được một suất học ở trường ngoài công lập. Nhìn ở góc độ này, có thể thấy bên cạnh giải pháp phân luồng thì xã hội hóa giáo dục lâu nay được kỳ vọng là góp phần giảm tải cho các trường công lập. Nhưng trên thực tế, sự tự chủ có phần quá đà của các trường tư đã khiến dư luận bức xúc.

Mùa tuyển sinh 2018, trong bối cảnh lượng thí sinh dự tuyển vào lớp 10 THPT tại Hà Nội tăng đột biến, do thiếu thông tin nên khi con có nguy cơ rớt trường công, các bậc cha mẹ cuống cuồng tìm cho con một trường ngoài công lập như một đường lui an toàn trong ván cờ không rõ thắng thua. Để xảy ra tình trạng này, một phần do lỗi từ việc cung cấp thông tin của Sở GDĐT Hà Nội.

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Đáng ra, ở cấp phổ thông, Nhà nước phải chăm lo đầy đủ về mặt vật chất, kỹ thuật, nếu không đáp ứng được, cho phép mở trường tư thì vẫn phải có sự giám sát, chặt chẽ. Các trường ngoài công lập được tự chủ hoàn toàn, trong đó có cả tự chủ về mặt tài chính. Nhưng tự chủ ở đây không có nghĩa là sân chơi của anh, anh thích làm gì cũng được. Đồng ý là thuận mua, vừa bán, nhưng giáo dục là loại hàng hóa đặc biệt, không thể áp dụng nguyên cơ chế thị trường.

Như vậy có nghĩa là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội năm học 2019-2020 vẫn tồn tại song song 2 phương thức tuyển sinh. Việc thi 4 môn là bắt buộc với trường hệ công lập, còn lại trường công lập tự chủ tài chính và trường ngoài công lập vẫn duy trì phương thức tuyển sinh như những năm trước đó. Từ những bất cập đã được nhìn thấy rõ ở mùa tuyển sinh trước, phụ huynh có con em vào lớp 10 THPT tại Hà Nội đang mong chờ công tác tuyển sinh có tiến triển trong năm tới.

Nhìn rộng ra, không riêng gì lớp 10, tuyển sinh đầu cấp hàng năm của Hà Nội và các thành phố lớn đều luôn trong tình trạng quá tải. Âu cũng bởi Hà Nội quá thiếu trường lớp, trong khi tốc độ đô thị hóa và việc gia tăng dân số cơ học quá nhanh. Việc giải bài toán thiếu trường lớp lại quá chậm. Vì thế, vấn đề đặt ra ở đây là cho dù đổi mới phương thức tuyển sinh theo hướng nào, thì mục tiêu quan trọng nhất vẫn là tạo điều kiện tối đa để người học được quyền đi học; đảm bảo có đủ trường lớp đáp ứng được nhu cầu học hết bậc phổ thông của đại đa số HS.

* Cho dù lượng HS dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 tại Hà Nội giảm so với năm học trước, nhưng cuộc chạy đua kiếm “suất” vào trường công chưa bao giờ hết nóng. Nhằm giảm tải gánh nặng tuyển sinh của trường công, đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho hay: Với các trường THPT công lập tự chủ tài chính và trường THPT ngoài công lập, Sở GDĐT Hà Nội vẫn cho phép các trường được giữ ổn định phương thức tuyển sinh như năm học 2018-2019. Như vậy, ở năm học 2019-2020, các trường này vẫn có thể tuyển sinh HS vào lớp 10 THPT bằng kết quả học tập, rèn luyện của HS ở 4 năm học cấp THCS.

Tác giả: Minh Quang

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP