Giáo dục

Gia đình có 7 nhà giáo

Ở tuổi 80, gia đình nhà giáo Bùi Khắc Thái (xã Hoằng Lộc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) luôn cảm thấy hạnh phúc vì các con theo nghề dạy học...

Vợ chồng nhà giáo Bùi Khắc Thái vui vầy bên con cháu. Ảnh: Lường Toán


Gia đình nhà giáo tiêu biểu

Từ trung tâm xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), chúng tôi được ông Nguyễn Văn Kỳ - Chủ tịch Hội Khuyến học xã giới thiệu vào gia đình nhà giáo Bùi Khắc Thái (thôn Tiến Thành). Ngôi nhà của ông bà tuy không bề thế nhưng sạch sẽ, bài trí đồ đạc gọn gàng, ngăn nắp. Ở tuổi “xưa nay hiếm”, song nhà giáo Bùi Khắc Thái vẫn minh mẫn, đôi mắt tinh anh. Từ khi nghỉ hưu đến nay, ông gắn bó với công tác khuyến học dòng họ.

Nhà giáo Bùi Khắc Thái sinh ra và lớn lên ở mảnh đất khoa bảng, là con cháu trong dòng họ Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất. Vì vậy, từ nhỏ, ông ý thức được tầm quan trọng của sự học. Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, năm 1962 tổ chức phân công ông giảng dạy tại Trường Tiểu học Hoằng Hợp.

Sau một năm giảng dạy, ông Thái quyết định xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. 10 năm sau, ông trở về địa phương, tiếp tục gắn bó với nghề dạy học rồi làm chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa.

Năm 1980, nhà giáo Bùi Khắc Thái được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoằng Thái (Hoằng Hóa). Từ năm 1990 đến khi về hưu, ông làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoằng Lộc, sau này là Trường Tiểu học Lê Mạnh Trinh (Hoằng Lộc, Hoằng Hóa).

Điều đặc biệt của gia đình nhà giáo Bùi Khắc Thái đó là vợ ông cũng theo nghề giáo, do đó cả hai luôn đồng cảm, thấu hiểu về nhau. Dù cuộc sống nhiều khó khăn, nhất là khi các con bước vào tuổi học hành, nhưng vợ chồng ông cùng nỗ lực, nuôi con ăn học đầy đủ, rèn giũa để có tương lai tươi sáng.

Ông Thái tâm sự: “Lựa chọn nghề giáo không chỉ xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, quan trọng hơn là tình yêu nghề mà từ lâu tôi đã thấm. Khi trở thành nhà giáo, tôi luôn mong muốn và giáo dục con, cháu tiếp nối truyền thống gia đình. Đối với tôi, nghề dạy học là nghề cao quý, mang lại nhiều giá trị cho xã hội”.

Không chỉ định hướng nghề giáo, vợ chồng nhà giáo Bùi Khắc Thái còn giáo dục con phát huy truyền thống dòng họ, phẩm cách của Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất. Trong đó, phải kể đến giai thoại “Rừng dong” khi xưa.

Theo nhà giáo Bùi Khắc Thái, từ lời kể, trước khi thôi việc triều chính, Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất được nhà vua ban cho một nguyện vọng, nhờ những công lao to lớn với triều đình. Lúc này, cụ tâu rằng: Xin nhà vua hãy cho con cháu dòng họ Bùi phát triển xanh tốt như rừng dong.

Ông Thái cho rằng, giai thoại về rừng dong chính là sự khích lệ con cháu dòng họ tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của cụ Bùi Khắc Nhất. Từ đó, rèn luyện học tập và không ngừng bồi dưỡng để trở thành công dân có ích cho xã hội.

“Điều khiến tôi mãn nguyện nhất là con, cháu luôn đoàn kết, yêu thương, bảo ban nhau trong học tập và cuộc sống. Không chỉ vậy, các con còn không ngừng nỗ lực rèn luyện để trở thành người thầy mẫu mực”, ông Thái bộc bạch.

Nhà giáo Bùi Khắc Thái cùng cháu nội và con dâu Lê Thị Dung. Ảnh: Lường Toán


Phát huy truyền thống gia đình

Vợ chồng nhà giáo Bùi Khắc Thái có 4 người con thì 3 người theo nghề dạy học. Con trai đầu là thầy Bùi Khắc Dương - giáo viên Trường Tiểu học Lê Tất Đắc (thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa). Con thứ hai là giáo viên Trường Tiểu học Bắc Sơn (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa); con thứ ba là giáo viên Trường THCS Tố Như (Hoằng Lộc, Hoằng Hóa). Chỉ riêng con gái út làm kế toán tại Trường THCS Hoằng Đại (TP Thanh Hóa). Ngoài ra, con dâu và người con rể đầu của gia đình cũng công tác trong ngành Giáo dục Thanh Hóa.

Trước khi về làm dâu, chị Lê Thị Dung - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã biết tới truyền thống gia đình. “Điều tôi cảm thấy vinh dự khi về làm dâu ông bà đó là nền nếp và cách đối nhân xử thế giữa các thành viên trong gia đình”, chị Dung bộc bạch.

Theo chị Dung, dịp 20/11 hằng năm từ lâu trở thành ngày truyền thống gia đình. Vào ngày này, dù công việc bận rộn đến mấy, đang ở đâu… mọi người đều tạm gác lại để quây quần bên nhau, chia sẻ chuyện nghề, trường lớp, học trò.

“Từ truyền thống gia đình và dòng họ, tôi tiếp tục kế thừa và nỗ lực phát huy trong giáo dục các thế hệ học trò bằng tình yêu thương. Đối với con cái, tôi lấy tấm gương ông bà nội để nhắc nhở về sự biết ơn, trân trọng; đồng thời định hướng con tiếp nối nghề giáo mà ông bà và bố mẹ đã chọn lựa”, chị Dung chia sẻ.

Nhiều năm gắn bó với nghề, nữ nhà giáo tâm niệm, nghề dạy học không chỉ nuôi sống bản thân, mà còn là nghề cao quý. “Càng có tuổi, tôi càng trân trọng nghề”, chị Dung nói.

Trong công tác chuyên môn, chị Dung là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2019 - 2020. Quá trình công tác, nữ giáo viên nhiều lần vinh dự nhận bằng khen của tỉnh Thanh Hóa. Chị là một trong những nhà giáo được tuyên dương tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

“Trong các buổi tuyên dương về điển hình phong trào học tập, chúng tôi thường nhắc tới gia đình nhà giáo Bùi Khắc Thái. Không những là tấm gương trong ngành Giáo dục, gia đình ông còn lan tỏa tinh thần học tập, cống hiến cho xã hội và nghề giáo”. - Ông Nguyễn Văn Kỳ - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hoằng Lộc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa

Tác giả: Lường Toán

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

  Từ khóa: nhà giáo , 20/11

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP