Tin địa phương

Doanh nghiệp xuất khẩu Đà Nẵng 'qua cơn bĩ cực'

So với tình hình ảm đạm của năm 2023, bước vào năm 2024, tình hình của các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn Đà Nẵng có nhiều dấu hiệu tích cực, lượng đơn hàng dồi dào. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đối mặt với nhiều nỗi lo khi mở rộng quy mô sản xuất.

Đơn hàng của doanh nghiệp xuất khẩu dồi dào

Là doanh nghiệp sản xuất dụng cụ thể dục thể thao chỉ phục vụ duy nhất cho thị trường xuất khẩu, vì vậy, khi tình hình quốc tế có nhiều biến động, đơn cử là xung đột giữa Nga – Ukraine, đồng yen (Nhật Bản) mất giá…, Công ty TNHH Daiwa Việt Nam chịu sự ảnh hưởng rất lớn, nhất là đối với tình hình xuất nhập khẩu.

Để duy trì sản xuất và tìm kiếm đơn hàng mới, lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu này thường xuyên tiếp cận để nắm bắt nhu cầu, thị hiếu từ phía đối tác. Từ đó, khi đối tác đưa ra những yêu cầu về sản phẩm mới, doanh nghiệp này liền có có thể đáp ứng.

"Chúng tôi sản xuất các sản phẩm kỹ thuật cao xuất khẩu như cần câu cá, xe đạp, gậy đánh golf, vợt tennis… phục vụ thị trường Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Trong nửa đầu năm 2024, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tăng 20% so với cùng kỳ", ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam chia sẻ.

Là doanh nghiệp xuất khẩu có 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản, Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) có khoảng 3.500 nhân viên. Trái với bối cảnh ảm đạm năm ngoái, từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp đã có đơn hàng ổn định.

Còn tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC), theo báo cáo tài chính quý II/2024, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt hơn 1.364 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Trừ các chi phí, DRC lãi sau thuế hơn 77,4 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng năm 2024, doanh thu thuần của DRC đạt hơn 2.337 tỷ đồng, tăng gần 3% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 126,6 tỷ đồng, tăng gần 66% so với cùng kỳ.

Tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng có nhiều dấu hiệu tích cực. Ảnh: T.V

Trong năm 2024, DRC phấn đấu doanh thu thuần đạt 5.151 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 285 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã thực hiện được 45% chỉ tiêu doanh thu và 54% chỉ tiêu lợi nhuận.

Trong quý III/2024, DRC phấn đấu doanh thu thuần đạt 1.345 tỷ đồng, còn lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức 80 tỷ đồng.

9 tháng năm 2024, DRC phấn đấu doanh thu thuần đạt 3.682 tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế 235 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch năm.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, lãnh đạo DRC cho biết, doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu chiếm 65-70%, trong khi việc nhập khẩu nguyên vật liệu chiếm 35%, nên DRC đang xuất siêu. Do đó, tỷ giá tăng mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, đối với thị trường xuất khẩu, nếu đáp ứng được nhu cầu của thị trường Mỹ, sản lượng tiêu thụ của DRC sẽ tăng 2,3 lần so với hiện nay.

Còn với thị trường Brazil, nước này đã tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm lốp, làm giá thành sản phẩm nhập khẩu tăng cao. Vì thế, sản phẩm của DRC cũng khó cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, với chất lượng sản phẩm đã được khách hàng ghi nhận và đánh giá cao, sản lượng DRC nhập khẩu vào Brazil vẫn được duy trì.

Cùng với đó, đối với dự án Radial giai đoạn 3, các máy móc thiết bị lắp đặt đến đâu thì đưa vào sử dụng đến đó. Năm 2024, kế hoạch sản lượng sản xuất và tiêu thụ lốp Radial là 900.000 lốp nhưng khi dự án đi vào hoàn thành thì công suất có thể lên đến 1.200.000 lốp/năm. Đây sẽ là tiền đề để DRC tiếp tục tăng trưởng.

Khởi sắc nhưng vẫn bộn bề nỗi lo

Ông Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) và các khu công nghiệp (KCN) TP. Đà Nẵng cho biết, qua nắm thông tin, hiện, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp có khá lên, nhưng ở tùy lĩnh vực.

Theo đó, tại KCN Hòa Khánh - nơi tập trung các mặt hàng sản xuất cơ khí như: chế tạo máy, điện…, các hợp đồng đặt hàng rất ổn định, tăng trưởng tốt.

Hiện, đơn hàng của các doanh nghiệp ở KCN này rất nhiều. Đặc biệt, với số lượng đơn hàng nhiều, nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm công nhân.

"Theo báo cáo của các doanh nghiệp, trong 6 tháng năm 2024, tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn rất nhiều, cá biệt, một số doanh nghiệp có đơn hàng đến năm 2025", ông Tỵ thông tin.

Trong khi đó, ở KCN Dịch vụ thuỷ sản Đà Nẵng, tình hình lại ngược lại khi doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đơn cử tại Công ty Thủy sản Thuận Phước, dù lượng đơn đặt hàng tăng, sản xuất tăng trưởng, tuy nhiên, chi phí đầu vào cao trong khi giá bán vẫn giữ nguyên khiến lợi nhuận của doanh nghiệp không cao.

Phó Trưởng ban Quản lý Khu CNC và các KCN cho biết, khó khăn đầu tiên là nguyên liệu đầu vào, các doanh nghiệp phải đi thu mua ở các tỉnh khác xa hơn, khiến chi phí sản phẩm tăng lên.

Ngoài ra, hợp đồng đối với doanh nghiệp thủy sản cũng có phần khó hơn, xuất khẩu thủy sản tập trung ở một số thị trường như Nhật Bản… nên lại càng "khó chồng khó".

Một khó khăn chung của các doanh nghiệp ở Đà Nẵng đó là tuyển dụng lao động khi "cầu thừa, cung thiếu". Tình hình sản xuất tăng trưởng tốt, nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tuyển dụng công nhân nhưng người lao động lại không mặn mà.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm lực lượng lao động, Ban Quản lý Khu CNC và các KCN TP. Đà Nẵng đã phối hợp với Sở LĐTB&XH, Trung tâm Giới thiệu việc làm… kết nối, tìm kiếm lao động, phỏng vấn tại các địa điểm trên các khu công nghiệp.

"Khi có thông tin thừa lao động, Ban cũng kết nối với các doanh nghiệp với nhau. Nếu doanh nghiệp thừa lao động thì cung cấp cho doanh nghiệp thiếu lao động", ông Tỵ chia sẻ.

Tác giả: NGUYỄN TRI

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP