Kinh tế

Bình Dương xin vay nợ hơn 1.600 tỷ đồng làm buýt nhanh BRT nối TP. HCM

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có Báo cáo tiền khả thi dự án Phát triển hạ tầng giao thông và tuyến xe buýt nhanh (BRT) nối thành phố mới Bình Dương nối Suối Tiên, trong đó tổng vốn đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng, vốn vay của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là hơn 1.600 tỷ đồng.

Theo đó, tuyến đường BRT nối thành phố mới Bình Dương nối Suối Tiên có tổng chiều dài 30,8 km, gồm 4 phân đoạn, trong đó sẽ xây 7 cầu vượt.

Buýt nhanh Hà Nội (ảnh minh hoạ)


Tổng vốn đầu tư khoảng 1.827 tỷ đồng, trong đó vốn JICA 1.649 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh Bình Dương là 177 tỷ đồng.

Theo tỉnh Bình Dương, Dự án phát triển BRT là cần thiết vì giúp kết nối vì giúp kết nối thông suốt giúp ngắn hành trình giữa các trục giao thông đô thị của tỉnh này với TP.HCM và Đồng Nai.

Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến, các bộ ngành đã góp ý. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề nghị tỉnh Bình Dương nghiên cứu kỹ ưu nhược điểm của mô hình BRT đang triển khai tại TP.HCM và Hà Nội để đánh giá lại sự cần thiết đầu tư và tính toán hiệu quả đầu tư trong bối cảnh nguồn vốn là nguồn vay nước ngoài.

Được biết làn đường buýt nhanh BRT ở thành phố mới Bình Dương và đoạn đường Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) sẽ dùng chung với các làn xe buýt đưa đón điều hành bởi một doanh nghiệp khác kết nối thành phố mới Bình Dương với Thủ Dầu Một.

Tại đoạn đường Mỹ Phúc - Tân Vạn có làn đường dành riêng cho BRT, làn sát giải phân cách, đường nội bộ trong khu công nghiệp và đoạn quốc lộ 1A thì BRT dùng chung với các phương tiện khác trên cùng làn đường.

Mặt khác, việc bố trí trạm dừng BRT trên lề đường sẽ ảnh hưởng đến tốc độ xe chạy, do đó tuyến BRT về cơ bản không khác so với xe buýt thông thường.

Bộ KH&ĐT đề nghị, khi triển khai giai đoạn nghiên cứu khả thi của dự án cần phải đánh giá chi tiết hiệu quả đầu tư dự án.

Tác giả: An Linh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP