Kinh tế

Thị trường bán lẻ hàng hóa Việt Nam rất hấp dẫn

Việt Nam đang là một trong số những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, với vị trí thứ 6/30 quốc gia có tiềm năng. Minh chứng là thời gian gần đây, doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn tăng hơn 1.000 nghìn tỷ đồng bất chấp diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá hấp dẫn, nhiều tiềm năng. (Ảnh minh họa)

Hạ tầng thương mại không ngừng phát triển

Hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 9 có dấu hiệu tăng trở lại, thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định, các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn nhiều tỉnh/thành phố đã mở cửa trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2020 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng nhẹ 0,7%.

Trong đó, đáng chú ý, chỉ có doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 1.022 nghìn tỷ đồng, còn doanh thu các dịch vụ còn lại như lưu trú, ăn uống và các dịch vụ khác đều giảm, giảm nhiều nhất là doanh thu du lịch lữ hành đạt khi đạt 4,6 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, trong phần doanh thu của dịch vụ bán lẻ hàng hóa thì ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng cao nhất; tiếp đó là dụng cụ, trang thiết bị gia đình, may mặc... Một điểm sáng được kể đến là doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương cũng tăng khá - Hải Phòng tăng 11,3%; TP Hồ Chí Minh tăng 10%; Hà Nội tăng 9,6%...

Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, mặc dù dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, trong lúc thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh, nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm so với cùng kỳ thì bán lẻ hàng hóa tại Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng khá.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là hệ thống hạ tầng thương mại có sự biến chuyển phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập, từng bước tạo kênh phân phối thông suốt giúp hàng hóa được lưu thông thuận lợi, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Không những thế, hàng triệu doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh đã được tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng Việt. Hàng loạt các cửa hàng giới thiệu sản phẩm đặc sản địa phương (OCOP) đã được khai trương ở nhiều địa phương trên toàn quốc trong khoảng 2 tháng qua, vừa giúp rút ngắn khoảng cách từ sản xuất đến tiêu dùng vừa là một cách hợp lý để gia tăng tiêu thụ hàng hóa.

Các địa phương cũng đã và đang tìm cách xây dựng một cửa hàng OCOP của mình ở Hà Nội để có thể mở rộng thêm kênh tiêu thụ đặc sản địa phương. Ngoài ra, các chương trình kích cầu được tung ra có quy mô toàn quốc cũng là một yếu tố khiến cho doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu bán lẻ đạt hơn 50 triệu đồng/người

Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu (đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân đầu người của cả nước tăng 2,65 lần trong 10 năm qua, từ 19,3 triệu đồng/người năm 2010 lên 51,2 triệu đồng/người năm 2019. Đặc biệt, doanh thu này vẫn giữ ổn định trong thời gian qua, bất chấp Covid-19 tác động mạnh đến mọi lĩnh vực.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu tăng thêm giá trị của lĩnh vực thương mại trong nước vào GDP lên tới 13,5% vào năm 2025 cũng như tốc độ tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2025 của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, phấn đấu đạt khoảng 9-9,5%/năm thì còn rất nhiều việc phải làm.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trước mắt, trong thời kỳ hậu Covid-19, để giữ đà tăng của doanh thu bán lẻ hàng hóa trong nước, Bộ sẽ cùng các cơ quan liên quan đẩy mạnh các giải pháp phát triển thương mại nội địa thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối (cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nội địa), thực hiện chuyển dịch hệ thống phân phối sang các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế, với sự phát triển của phương thức thanh toán điện tử và các công cụ thanh toán mới (tiền điện tử) hỗ trợ tích cực cho hoạt động thương mại điện tử.

Tác giả: Nhật Thu

Nguồn tin: baophapluat.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP