Thế giới

Pháp kịp thời kiểm soát hỏa hoạn tại một nhà máy điện hạt nhân

Ngày 21/9, Cơ quan Quản lý hạt nhân ASN của Pháp cho biết không phát hiện rò rỉ phóng xạ sau vụ hỏa hoạn xảy ra cùng ngày tại nhà máy hạt nhân ở Đông Nam nước này.

Nhà máy này đặt tại Romans-sur-Isere, do công ty Framatome thuộc EDF (Electricite de France)- tập đoàn năng lượng hạt nhân hàng đầu của Pháp, điều hành. Điạ điểm xảy ra hỏa hoạn là nơi sản xuất nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân dựa trên urani được làm giàu.

Ngay khi phát hiện đám cháy, Framatome đã hủy kích hoạt khẩn cấp trung tâm điều hành và đám cháy đã được kiểm soát vào tối cùng ngày (21/9). Framatome đồng thời nhấn mạnh: "Vụ việc không ghi nhận thương vong và không tìm thấy bất cứ dấu vết nào của việc rò rỉ bức xạ hạt nhân". Ngoài ra, ASN đã phối hợp với các đơn vị liên quan cử một nhóm chuyên gia đặc biệt để điều tra mở rộng vụ việc.

Được biết, mọi hoạt động tại nhà máy điện hạt nhân này đều đã được tạm dừng để đảm bảo an toàn. Viện Bảo vệ Bức xạ và An toàn Hạt nhân (IRSN) sẽ thực hiện thêm các phép đo bổ sung trong môi trường và Framatome sẽ thiết lập các thiết bị giám sát thêm để ngăn chặn những đợt bùng cháy bất ngờ có thể xảy ra ở các khu vực liên quan.

Gần đây, Pháp tuyên bố quốc hữu hóa EDF, đồng thời xây thêm nhà máy điện hạt nhân để đối phó khủng hoảng năng lượng.

"Tình trạng khẩn cấp về khí hậu đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ và quyết liệt", Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne phát biểu trước quốc hội ở Paris hôm 6/7, khi thông báo quyết định quốc hữu hóa Tập đoàn Điện lực Pháp EDF, vốn đang gặp khó khăn về tài chính.

"Chính phủ cần có toàn quyền kiểm soát việc sản xuất, cũng như tương lai ngành năng lượng, nhằm đối phó với những thách thức lớn phía trước, như hậu quả từ chiến sự Ukraine", Thủ tướng Borne nói thêm.

EDF là nhà sản xuất điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, đóng vai trò trọng yếu trong chiến lược khai thác điện hạt nhân mà chính phủ Pháp đang thúc đẩy nhằm giảm thiểu tác động từ giá năng lượng tăng cao và viễn cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt đột ngột.

Theo Tổng thống Emmanuel Macron, EDF cần chi hàng chục tỷ USD để xây dựng 6-14 nhà máy điện hạt nhân mới vào năm 2050, kết hợp cùng hàng loạt dự án điện Mặt Trời, điện gió nhằm đạt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050.

Tác giả: Minh Hoa

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP