Trong nước

Lúc phê chuẩn 'rất khí thế', khi triển khai lại rất chậm

Mặc dù là chương trình cấp bách, mang ý nghĩa kinh tế, chính trị rất lớn, khi Quốc hội phê chuẩn Nghị quyết thì “rất khí thế”, nhưng sau hơn một năm, chương trình hầu hết vẫn đều “nằm trên đề án” dù không vướng gì cả.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận

Chiều 13/9, tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh báo cáo kết quả 1 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Bộ trưởng cho biết, sau hơn 1 năm thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được Quốc hội giao tại Nghị quyết 120, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương đã khắc phục những thách thức rất lớn trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp và đã đạt những kết quả nổi bật.

Chính phủ đã kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, ban hành kế hoạch công tác cụ thể của Ban Chỉ đạo Trung ương để tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Báo cáo Nghiên cứu khả thi của Chương trình.

“Các bộ, ngành, địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có đánh giá khoa học, đầy đủ và khách quan làm cơ sở đề xuất chi tiết, đầy đủ nội dung đầu tư kèm theo các giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia”, ông Lềnh nói.

Đáng chú ý, theo ông Lềnh, dù cân đối ngân sách trung ương khó khăn, Chính phủ vẫn chỉ đạo 2 Bộ KH&ĐT, Tài chính có phương án cân đối đủ hơn 50 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư và hơn 54 nghìn tỷ đồng vốn chi thường xuyên cho các dự án, tiểu dự án của Chương trình theo đúng chủ trương đã được Quốc hội phê duyệt.

“Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 là những quyết định mang tính lịch sử”, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh khi báo cáo Uỷ ban Thường vụ.

Liên quan đến nguồn vốn, theo ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, hầu hết các địa phương thụ hưởng Chương trình là các tỉnh gặp khó khăn trong việc tự cân đối ngân sách, phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách trung ương. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị, Chính phủ báo cáo khả năng cân đối, bố trí ngân sách trung ương theo Nghị quyết 120, tối thiểu là 137.664 tỷ đồng, đặc biệt là vốn chi thường xuyên cho Chương trình.

“Tôi đọc thấy nóng ruột lắm”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá đây là chương trình rất cấp bách, mang ý nghĩa kinh tế, chính trị rất lớn. Khi Chính phủ trình và Quốc hội phê chuẩn Nghị quyết thì “rất khí thế”. Nhưng sau 14 tháng, tới nay chương trình hầu như không có chuyển động gì, hầu hết đều “nằm trên đề án” dù không vướng gì cả.

“Chính phủ phải tổ chức kiểm điểm, xem trách nhiệm nằm ở bộ, ngành nào cụ thể. Nguyên nhân nào cụ thể, khách quan, chủ quan, không thể nói kiểu dĩ hòa vi quý được. Trách nhiệm với chính sách này lớn lắm, người dân rất kỳ vọng”, Chủ tịch Quốc hội cho hay.

“Vừa rồi các đồng chí nói có nguyên nhân khách quan thế nọ, thế kia, nhưng đã giải ngân gì đâu mà nói là COVID-19?”, từ kinh nghiệm làm Trưởng Ban Chỉ đạo hai chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Chủ tịch Quốc hội cho biết, để ra được thể chế cho mỗi chương trình chạy được, ít nhất là 40, thậm chí 50- 60 văn bản.

Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ khi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh mới nhận nhiệm vụ, một số vấn đề còn tồn đọng từ trước và cũng có cái khó khăn hơn so với hai chương trình trước đây…. “Nhưng rõ ràng, trách nhiệm của các bộ, ngành làm việc này rất chậm. Tôi đọc thấy nóng ruột lắm”, ông Vương Đình Huệ bày tỏ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nguyên nhân do chủ quan là chính thôi chứ không đổ thừa cho ai cả. Nói tác động COVID-19 thì chúng ta đang ngồi xây dựng thể chế, chính sách chứ đã triển khai, giải ngân gì đâu mà ảnh hưởng? 16.000 ty mấy chương trình chưa phân bổ được đồng nào.

“Hôm trước tôi có nói công tác chuẩn bị đầu tư. Các đồng chí xem, đầu tư công duyệt rồi nhưng đến bao giờ phân bổ các đầu mối? Trong khi 700- 800 công trình chưa hề chuẩn bị đầu tư gì cả. Cao tốc phía Đông tới đây mới làm đề án, bao giờ mới trình Quốc hội được?”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần kiểm điểm, nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc về sự chẫm trễ này.

“Tôi làm Trưởng Ban Chỉ đạo hai chương trình khó lắm, lao tâm khổ tứ, cực lắm mới ra được hai chương trình. Đến cuối chương trình, thậm chí anh em chúng tôi đi điều tra lại, cách tiếp cận hoàn toàn mới về nghèo đa chiều, nông thôn mới không chỉ cấp xã mà thôn bản nữa, rất vất vả”, ông Huệ chia sẻ.

Cùng với đó, lãnh đạo Quốc hội cũng đề nghị sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo, cơ quan chủ trì phải hệ thống hóa được, dự kiến tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, khi nào phải xong, phải có mục tiêu rất rõ ràng trước khi báo cáo ra Quốc hội.

Tác giả: Luân Dũng

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP