Kinh tế

Làm giàu tại làng từ nghề mộc mỹ nghệ

Phát triển được gần 10 năm, nghề sản xuất đồ mộc mỹ nghệ ở xã miền núi Nghi Lâm (Nghi Lộc) đã đem lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Không những thế, nghề này còn tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.

Anh Nguyễn Hồng Sơn – xóm 4 xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) là người đầu tiên đưa nghề này về địa phương. Bản thân anh đã có thời gian gắn bó 10 năm với việc sản xuất các mặt hàng gỗ, mỹ nghệ như đũa, môi muỗng, các dụng cụ xào nấu nhà bếp… tại Công ty sản xuất TMDV Toàn Năng ở TP. Hồ Chí Minh.

Anh Nguyễn Hồng Sơn là người đầu tiên đưa nghề về địa phương


Trải qua nhiều năm tự học hỏi, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật, mẫu mã, thông tin thị trường về các mặt hàng. Qua thực tế, anh nhận thấy hiện nay nhu cầu về dụng cụ nấu nướng bằng gỗ rất được ưa chuộng ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản…

Từ những thân cây, gốc gỗ đã qua khai thác, được sản xuất thành sản phẩm xuất khẩu


Anh Sơn chia sẻ: Mặt hàng này ít chịu sự cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Các công đoạn làm ra sản phẩm khá tỷ mỉ nhưng không khắt khe về công nghệ, máy móc nên bất kỳ người nông dân nào cũng có thể làm được. Đó cũng chính là những thuận lợi để tôi quyết định gây dựng cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng, mỹ nghệ tại quê nhà.

Nghề mộc mỹ nghệ giải quyết việc làm cho 300 lao động


Từ mô hình của anh Nguyễn Hồng Sơn, đến nay, toàn xã Nghi Lâm đã có 5 mô hình chuyên sản xuất đồ mộc mỹ nghệ này. Đa số các sản phẩm của cơ sở sản xuất đều thuộc hàng cao cấp, chuyên dụng dùng cho các nhà hàng, khách sạn tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Giá bộ sản phẩm rẻ nhất bán ra 10 ngàn đồng/cái, bộ sản phẩm muôi muỗng, dụng cụ xào nấu cao cấp giá bán 40- 50 ngàn đồng/bộ. Bình quân các cơ sở bán ra thị trường trong nước và nước ngoài gần 400 ngàn sản phẩm/năm. Doanh thu cả chục tỷ đồng. Sản xuất có hiệu quả, nghề mộc mỹ nghệ xuất khẩu đã giải quyết cho gần 300 lao động trên địa bàn với mức thu nhập từ 3 đến 8 triệu đồng.

Nghề thu hút nhiều lao động nữ


Ông Đinh Bạt Tần - Xóm 4 xã Nghi Lâm tâm sự: Gia đình tôi có đến 3 người tham gia làm nghề này. Trước đây, chỉ sản xuất nông nghiệp đời sống gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi có nghề mộc mỹ nghệ bản thân tôi đã tham gia làm nghề. Tận dụng thời gian nhàn rỗi mỗi tháng có mức lương 3 triệu đồng. Đến giờ, con trai của tôi cũng làm nghề ở đây.

Cứ thế đến nay, sau 10 năm, nghề mộc mỹ nghệ đã trở thành một nghề chính, thu nhập chính của nhiều người dân xã Nghi Lâm. Điều đặc biệt, nghề làm mộc mỹ nghệ này có thể tận dụng nguồn nguyên liệu là những thân cây, gộc gỗ cây đã qua khai thác để sản xuất ra sản phẩm.

Sản phẩm được xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản


Với kết quả đã đạt được, thời gian tới chính quyền địa phương sẽ có thêm nhiều giải pháp để phát triển nghề này. Theo đó, xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện về mặt bằng, vốn để các hộ dân có khả năng, nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất. Đặc biệt, UBND xã cũng đã triển khai các giải pháp để nghề mộc mỹ nghệ xuất khẩu được công nhận làng có nghề để nghề ngày càng phát triển, thu hút được ngày càng nhiều lao động trên địa bàn, sản xuất nhiều mặt hàng cao cấp và ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Tác giả bài viết: Hồng Vinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP